Tạo động lực cho Vùng kinh tế trọng điểm phía nam phát triển

Vùng kinh tế trọng điểm phía nam là vùng phát triển năng động và là đầu tàu kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng có xu hướng giảm dần và thậm chí thấp hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân Nhà máy 1 và 2, Công ty TNHH JuKi Việt Nam, Khu chế xuất Tân Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh hoàn thiện sản phẩm đáp ứng đơn đặt hàng của đối tác.
Công nhân Nhà máy 1 và 2, Công ty TNHH JuKi Việt Nam, Khu chế xuất Tân Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh hoàn thiện sản phẩm đáp ứng đơn đặt hàng của đối tác.

Xu thế hợp tác, liên kết

Vùng kinh tế trọng điểm phía nam gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh và Bình Phước. Đây là vùng có vị trí địa kinh tế, địa chính trị, quốc phòng và an ninh quan trọng của cả nước.

Mặc dù đạt nhiều kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế-xã hội, nhưng theo các chuyên gia, trong thập kỷ qua, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng và của từng địa phương trong vùng theo hướng khai thác thế mạnh của toàn vùng còn diễn ra khá chậm.

Thành phố Hồ Chí Minh dường như đã đạt đến ngưỡng tới hạn trong phát triển các ngành sử dụng lao động trình độ thấp, nhưng việc chuyển sang các ngành công nghiệp và dịch vụ có giá trị gia tăng cao chưa có sự bứt phá rõ rệt.

Các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai với động lực chính là công nghiệp chế biến chế tạo, Bà Rịa-Vũng Tàu với động lực là ngành khai khoáng nhưng các ngành kinh tế này đang có dấu hiệu chững lại.

Trong khi đó, các ngành dịch vụ, khoa học và công nghệ, thông tin truyền thông… vẫn chưa đủ mạnh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương. Các tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp vẫn chưa tận dụng được các cơ hội từ hợp tác, liên kết, cũng như tận dụng việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất để đẩy mạnh phát triển ngành nông nghiệp giá trị gia tăng cao.

Thách thức này ngày càng lớn hơn trong bối cảnh mới hiện nay khi đất nước bước vào chu kỳ phát triển mới, cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế sâu rộng tạo ra những thời cơ nhưng cũng nhiều thách thức mới.

Theo Tiến sĩ Trần Thị Thu Hương, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, những năm gần đây, ở nhiều quốc gia, trọng tâm phát triển kinh tế đã chuyển dần từ phát triển dựa trên lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh sang dựa trên lợi thế từ hợp tác, liên kết.

So với một số vùng khác ở Việt Nam, Vùng kinh tế trọng điểm phía nam được nhìn nhận là vùng có nhiều hoạt động liên kết, hợp tác bởi nhiều địa phương trong vùng đã nhìn nhận rõ tầm quan trọng của liên kết vùng, coi liên kết là một trong những giải pháp mang tính chiến lược để phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương và cả vùng.

Tuy nhiên, theo một nghiên cứu gần đây, điểm số đo lường mức độ phối hợp, liên kết của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam rất thấp, đạt ở mức điểm số 1,75/5 và việc cải thiện chỉ số quản trị hợp tác sẽ gặp nhiều thách thức trong giai đoạn tới.

Điều này đồng nghĩa với nhận định của các chuyên gia cho rằng, một trong những điểm nghẽn lớn nhất ảnh hưởng tới sự phát triển chung của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam chính là liên kết, hợp tác vùng, nhất là trong phát triển kinh tế chưa hiệu quả và thực chất.

Hiện, liên kết phát triển kinh tế giữa Thành phố Hồ Chí Minh, đầu tàu kinh tế của vùng và cả nước với các địa phương trong vùng còn dàn trải, thiếu đồng bộ, thiếu sự phân công và kế hoạch hành động cụ thể giữa các địa phương để phát triển những ngành có lợi thế của từng địa phương trong toàn vùng.

Thay vào đó, các địa phương trong vùng vẫn độc lập phát triển tất cả các ngành kinh tế miễn sao có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng hằng năm. Chưa kể sự phát triển riêng của mỗi địa phương dẫn đến cạnh tranh giữa các địa phương trong nhiều trường hợp làm triệt tiêu sự phát triển.

Những khuyến nghị giúp vùng phát triển bền vững

Để vùng thật sự trở thành vùng kinh tế phát triển năng động với chất lượng tăng trưởng cao và là một điển hình về phát triển bền vững, các địa phương trong vùng cần tăng cường liên kết, hợp tác trên tất cả các lĩnh vực.

Trong đó, vùng cần ưu tiên giải quyết nút thắt về hạ tầng kết nối giao thông, bao gồm các tuyến đường bộ kết nối trực tiếp mạng giao thông quốc gia, kết nối liên vùng thông qua khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ với vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Đồng thời, tập trung đầu tư đồng bộ các công trình giao thông quan trọng bức thiết có vai trò động lực phát triển kinh tế, đẩy mạnh kết nối đa phương thức vận tải bao gồm kết nối đường thủy nội địa với đường bộ, với cảng thủy nội địa bảo đảm quy mô, chất lượng phục vụ hoạt động vận tải hàng hóa.

Muốn đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng kết nối vùng, Thạc sĩ Nguyễn Thị Vân, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ cho rằng, Chính phủ cần có cơ chế khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là dưới hình thức đối tác công-tư gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương để hoàn thiện mạng lưới kết nối cơ sở hạ tầng với mục tiêu cơ sở hạ tầng phải đi trước một bước trong phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, các địa phương cần phải đi cùng nhau, đặc biệt trong phát triển hạ tầng giao thông, thống nhất phát triển các trục giao thông liên vùng quan trọng, tạo động lực kết nối và lan tỏa, cùng nhau phát triển.

Trong khi đó, các chuyên gia cũng kiến nghị, để Vùng kinh tế trọng điểm phía nam phát triển nhanh, bền vững, là đầu tàu kinh tế của cả nước, Chính phủ cần thống nhất quan điểm phát triển vùng phải mang tính hữu cơ, liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng thành một hệ thống thống nhất, không được mang tính chủ quan, áp đặt, phải có cơ chế điều phối hoạt động của vùng đủ mạnh, không bị ràng buộc, hay chia cắt bởi địa giới hành chính.

Đồng thời, xây dựng cơ chế quản lý hành chính rõ ràng, coi vùng là một đơn vị hành chính của quốc gia để có cơ chế hoạt động, quản lý phù hợp, hiệu quả.

Ngoài ra, các địa phương trong vùng chủ động huy động đa dạng các nguồn lực tài chính để phát triển vùng, địa phương bằng kết hợp nguồn vốn giữa trung ương và địa phương, tranh thủ nguồn vốn ODA, vốn xã hội hóa để triển khai các dự án có tính trọng điểm, đột phá, tạo ra liên kết vùng.