Bắc Kạn có 182 sản phẩm OCOP sẵn sàng gia nhập các sàn thương mại số

NDO - Chiều 20/5, tại Bắc Kạn, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Tỉnh đoàn Bắc Kạn phối hợp tổ chức Diễn đàn “Chuyển đổi số trong truyền thông quảng bá sản phẩm OCOP của thanh niên”.
0:00 / 0:00
0:00
Đoàn viên, thanh niên Bắc Kạn với các sản phẩm OCOP trên địa bàn.
Đoàn viên, thanh niên Bắc Kạn với các sản phẩm OCOP trên địa bàn.

Diễn đàn có sự tham gia của đại diện các bộ, ngành, chuyên gia, đại diện doanh nghiệp với nội dung “Khai thác tiềm năng kinh tế số trong xúc tiến quảng bá sản phẩm OCOP”, tập trung thảo luận về 3 vấn đề: Khai thác tiềm năng kinh tế số trong phát triển quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP; kinh tế số từ góc nhìn của thương mại điện tử; quảng bá tài nguyên bản địa trên không gian số.

Bài toán nâng tầm sản phẩm OCOP

Phát biểu ý kiến tại diễn đàn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình cho biết: Sau hơn 4 năm triển khai chương trình OCOP, Bắc Kạn nay đã có 182 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Trong đó, có 1 sản phẩm 5 sao, 18 sản phẩm 4 sao và 163 sản phẩm 3 sao.

Cùng với đó, tỉnh cũng đã có 110 chủ thể tham gia chương trình có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP gồm 73 hợp tác xã, 10 tổ hợp tác, 22 hộ kinh doanh và 5 doanh nghiệp.

Các sản phẩm được chứng nhận OCOP đã gia tăng về số lượng, kiểu dáng, mẫu mã, chất lượng sản phẩm được nâng cao, dần hình thành nhóm sản phẩm đặc trưng của vùng, miền của tỉnh, đáp ứng tốt cho nhu cầu của thị trường.

Bắc Kạn có 182 sản phẩm OCOP sẵn sàng gia nhập các sàn thương mại số ảnh 1

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình chia sẻ ý kiến tại Diễn đàn.

Cũng theo đồng chí Nguyễn Đăng Bình, để góp phần nâng cao hiệu quả của chương trình OCOP của tỉnh Bắc Kạn trong giai đoạn tới, cần có những giải pháp đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin và quản lý, vận hành…, đặc biệt là khâu quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc, ứng dụng chuyển đổi số trong phát triển thương mại sản phẩm OCOP đã được đánh giá phân hạng.

Việc tổ chức Diễn đàn vì vậy là cơ hội cho các chủ thể, doanh nghiệp, người dân tiếp cận các kiến thức, kỹ năng cần thiết trong phát triển trên các nền tảng số, định hướng tư duy, khai thác tiềm năng kinh tế số nhằm nâng cao hiệu quả trong xúc tiến quảng bá sản phẩm OCOP, mà còn giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp cùng đoàn viên, thanh niên trực tiếp nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình bán hàng trên nền tảng số.

“Chìa khóa” giải những bài toán

Các câu hỏi đặt ra tại Diễn đàn tập trung vào những vấn đề: Livestream bán hàng nên bắt đầu từ đâu, như thế nào; làm sao để quản lý chất lượng sản phẩm khi kinh doanh trên nền tảng số; quy cách kiểm duyệt các sản phẩm OCOP khi lên sàn gắn với bảo đảm công bằng, chính xác…

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng băn khoăn về sự hỗ trợ của tỉnh Bắc Kạn trong thời gian tới liên quan việc xúc tiến thương mại điện tử cho các sản phẩm OCOP, nông sản; Trung ương Đoàn sẽ đưa ra chiến lược phát triển, sự hỗ trợ nào để thanh niên nông thôn làm thương mại điện tử…

Bắc Kạn có 182 sản phẩm OCOP sẵn sàng gia nhập các sàn thương mại số ảnh 2

Bí thư Trung ương Đoàn Ngô Văn Cương phát biểu giải đáp một số thắc mắc của đại biểu.

Giải đáp một số câu hỏi mà đại biểu nêu, Bí thư Trung ương Đoàn Ngô Văn Cương nhận định: Chuyển đổi số có tác động rất tích cực đến phát triển sản phẩm OCOP, tạo động lực cho các chủ thể mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường, tăng doanh thu và thu nhập. Từ đó, tạo động lực thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Theo đồng chí Ngô Văn Cương, Trung ương Đoàn xác định rõ vai trò và trách nhiệm trong hỗ trợ thanh niên nông thôn áp dụng công nghệ cao, ứng dụng chuyển đổi số vào trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý.

Cụ thể hơn, Trung ương Đoàn đã phối hợp các bộ, ngành và các đơn vị liên quan đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức của thanh niên nông thôn, nông dân và xã hội về tầm quan trọng của chuyển đổi số, vai trò và các bước thực hiện chuyển đổi số cũng như ứng dụng chuyển đổi số vào các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trao đổi tại Diễn đàn, Bí thư Đoàn xã Như Cố (huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn) Lường Đình Hùng cho rằng, đoàn viên, thanh niên là lực lượng nòng cốt trong chuyển đổi số với lợi thế nhất định như tri thức, kỹ năng sử dụng các thiết bị công nghệ. Vì vậy, các bạn trẻ cần mạnh dạn tiên phong đảm nhận, triển khai các mô hình chuyển đổi số đến với đông đảo người dân các địa phương.

Các đại biểu cũng đồng tình với việc chương trình OCOP đã trở thành động lực để phát triển kinh tế vùng nông thôn, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo ra nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, phục vụ hiệu quả cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh Bắc Kạn.

Từ đây, nhiều đại biểu kỳ vọng các chủ thể, hợp tác xã nông nghiệp, thanh niên của tỉnh có thể khai thác những tiềm năng sẵn có tại địa phương để tiếp tục chuyển mình trên hành trình chuyển đổi số.