Bắc Kạn đạt nhiều thành tựu trong xây dựng nông thôn mới

Có rất nhiều khó khăn do xuất phát điểm thấp, tuy nhiên, nhờ những nỗ lực, giải pháp quyết liệt nên tỉnh Bắc Kạn đã đạt nhiều thành tựu trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay, Bắc Kạn đã có huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, nhiều xã bước vào xây dựng nông thôn mới nâng cao.
0:00 / 0:00
0:00
Công bố, trao bằng chứng nhận đạt chuẩn nông thôn mới cho xã Nông Hạ (Chợ Mới) vào tháng 4/2023. (Ảnh: Tùng Vân)
Công bố, trao bằng chứng nhận đạt chuẩn nông thôn mới cho xã Nông Hạ (Chợ Mới) vào tháng 4/2023. (Ảnh: Tùng Vân)

Bắc Kạn bắt đầu xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm rất thấp, chỉ đạt 2,98 tiêu chí/xã khi bắt tay vào thực hiện chương trình.

Chính vì điều này, giai đoạn từ 2010-2015, Bắc Kạn là tỉnh duy nhất “trắng” xã nông thôn mới. Điều đó cho thấy, khó khăn đối với địa phương này lớn đến mức nào. Tuy nhiên, đến nay, điều đó đã thay đổi nhờ có sự quyết liệt của chính quyền và sự đồng thuận vào cuộc của nhân dân.

Theo Văn phòng điều phối nông thôn mới Bắc Kạn, đến hết năm 2022, toàn tỉnh đã có 24 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 53 thôn đạt chuẩn nông thôn mới.

Điều nhận thấy rõ là diện mạo, đời sống nhân dân khu vực nông thôn đổi thay. Tỷ lệ đường xã, đường từ trung tâm xã đến huyện được nhựa hóa hơn 83%; đường thôn, liên thôn cứng hóa được hơn 54%; có 92 trường học đạt chuẩn quốc gia; 31 nhà văn hóa xã và 460 nhà văn hóa thôn đạt chuẩn...

Toàn tỉnh có 106 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã; 46 xã đạt tiêu chí về giao thông; 75 xã đạt tiêu chí điện; 75 xã đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn...

Số tiêu chí nông thôn mới bình quân toàn tỉnh đạt 12,45 tiêu chí/xã; số tiêu chí nông thôn mới nâng cao đạt 7,8 tiêu chí/xã.

Có được kết quả này, bên cạnh nguồn lực đầu tư của Nhà nước, có sự đóng góp rất to lớn của nhân dân.

Theo Văn phòng điều phối nông thôn mới Bắc Kạn, sau 12 năm triển khai chương trình, nhân dân đã hiến hơn 479.600m2 đất; đóng góp bằng tiền mặt hơn 25 tỷ đồng; góp ngày công lao động và hiện vật hơn 215 tỷ đồng.

Phát huy thành tựu đã đạt được, trong năm 2023, Bắc Kạn đặt mục tiêu có thêm 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Các xã còn lại hoàn thành thêm ít nhất 1 tiêu chí so với năm 2022; bình quân đạt 14 tiêu chí/xã.

Tỉnh phấn đấu xây dựng 6 xã nông thôn mới nâng cao, gồm: Khang Ninh (Ba Bể), Đồng Thắng (Chợ Đồn), Cường Lợi (Na Rì), Nông Thượng (thành phố Bắc Kạn), Cẩm Giàng (Bạch Thông) và Hà Hiệu (Ba Bể).

Đối với cấp huyện, tỉnh tập trung xây dựng, phấn đấu đưa Chợ Đồn và Bạch Thông về đích xây dựng nông thôn mới.

Bắc Kạn đạt nhiều thành tựu trong xây dựng nông thôn mới ảnh 1

Người dân xã Quân Hà góp ngày công làm đường nông thôn mới. (Ảnh: Hương Lan)

Đối với cấp thôn, Bắc Kạn đặt mục tiêu sẽ có 100 thôn thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn, không nằm trong lộ trình phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 sẽ đạt chuẩn nông thôn mới.

Những mục tiêu trong năm 2023 của Bắc Kạn thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn của tỉnh khó khăn này. Đặc biệt là đối với các thôn thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn, Bắc Kạn cũng đặt mục tiêu rất lớn với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo các địa phương, đối với xã trong kế hoạch đạt chuẩn năm 2023, các huyện, thành phố ưu tiên dành nguồn lực đầu tư; triển khai kế hoạch thật cụ thể, chi tiết; đẩy mạnh phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường...

Đối với các xã còn lại, các huyện, thành phố chủ động lồng ghép các nguồn lực để thực hiện các tiêu chí về hạ tầng, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn; đề xuất triển khai hiệu quả các dự án liên kết phát triển sản xuất...

Đối với xã trong lộ trình nông thôn mới nâng cao, Bắc Kạn yêu cầu cụ thể kế hoạch về lộ trình đối với từng tiêu chí và giải pháp thực hiện, phân giao nhiệm vụ. Đặc biệt là các tiêu chí về sản xuất, nâng cao thu nhập và bảo vệ môi trường.

Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn cũng chỉ đạo các huyện chỉ đạo các thôn, xã phân giao nhiệm vụ cụ thể cho Ban phát triển thôn, Ban quản lý xã phụ trách các tiêu chí; tập trung huy động nguồn lực và ưu tiên vốn cho xây dựng nông thôn.

Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhất là đối với thực hiện các tiêu chí không cần kinh phí hoặc cần ít kinh phí mà người dân có thể tự thực hiện được, như: tổ chức cộng đồng, hệ thống chính trị, văn hóa, môi trường, an toàn thực phẩm...

Để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, Bắc Kạn yêu cầu tiếp tục thực hiện các phong trào “Bắc Kạn chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”.

Các cấp ủy, chính quyền phải nâng cao trách nhiệm nhất là phát huy vai trò người đứng đầu trong xây dựng nông thôn mới.