Bắc Kạn chuyển đổi số trọng tâm, trọng điểm

NDO - Từ thực tiễn và khả năng nguồn lực, thời gian qua, Bắc Kạn đã lựa chọn chuyển đổi số theo hướng trọng tâm, trọng điểm. Nhờ đó, dù là tỉnh khó khăn bậc nhất cả nước nhưng địa phương này đã có những chuyển biến tích cực trong chuyển đổi số.
0:00 / 0:00
0:00
Hướng dẫn nhân dân quét mã QR để tra cứu thủ tục hành chính tại phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn. (Ảnh: ĐĂNG BÁCH)
Hướng dẫn nhân dân quét mã QR để tra cứu thủ tục hành chính tại phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn. (Ảnh: ĐĂNG BÁCH)

Thành công bước đầu lớn nhất trong chuyển đổi số tại Bắc Kạn đến giờ chính là đã chuyển đổi được nhận thức của đông đảo nhân dân.

Tháng 12/2022, Bắc Kạn thí điểm triển khai mô hình Chợ 4.0 - Chợ thanh toán không dùng tiền mặt tại 12 chợ trên địa bàn. Với mô hình này, tiểu thương và người dân có thể mua bán hàng hóa tại chợ bằng cách quét mã QR, hay chuyển tiền qua số điện thoại trên ứng dụng điện tử nhanh chóng, thuận tiện.

Ngay cả khi điện thoại của khách hàng không có kết nối Internet vẫn có thể thanh toán được thông qua việc nhập mã trên điện thoại. Sự tiện lợi này nhanh chóng lan tỏa và người dân tự giác mở rộng mô hình.

Bắc Kạn đã sớm xác định chuyển đổi số không chỉ là đòi hỏi của thực tiễn mà còn là nhiệm vụ chính trị.

Tháng 4/2023, Tỉnh ủy Bắc Kạn tổ chức hội thảo về chuyển đổi số để bàn, đưa ra giải pháp triển khai hiệu quả.

Tại hội thảo này, Thường trực Tỉnh ủy Bắc Kạn đã đưa ra những chỉ đạo quyết liệt. Đặc biệt là yêu cầu chuyển đổi nhận thức về chuyển đổi số gắn với trách nhiệm của từng ngành; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, gắn thực hiện chuyển đổi số với tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức; thực hiện tốt công tác định hướng tuyên truyền về chuyển đổi số.

Với nguồn lực có hạn, Bắc Kạn đã xem xét để đầu tư sao cho hiệu quả, tránh dàn trải, manh mún để thực hiện từng bước một. Tỉnh ủy Bắc Kạn quyết định, năm 2023 sẽ có 42 nhiệm vụ, dự án ưu tiên chuyển đổi số, tổng kinh phí hơn 66 tỷ đồng.

Nguồn lực sẽ ưu tiên phục vụ các hoạt động hỗ trợ chuyển đổi nhận thức, cơ chế chính sách, phát triển hạ tầng số, phát triển nền tảng số, bảo đảm an toàn an ninh mạng, nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số, chuyển đổi kỹ năng trong môi trường số...

Phấn đấu tạo lập một số cơ sở dữ liệu chuyên ngành trọng tâm của tỉnh, mở và chia sẻ dữ liệu ít nhất 1 lĩnh vực cho các hệ thống thông tin có nhu cầu khai thác.

Bắc Kạn chuyển đổi số trọng tâm, trọng điểm ảnh 1

Đoàn viên, thanh niên Sở Thông tin và Truyền thông phát mã QR thanh toán trực tuyến cho tiểu thương tại chợ phường Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Bắc Kạn. (Ảnh: THU TRANG).

Để chuyển đổi số hiệu quả, Bắc Kạn cũng chủ động phối hợp với các tập đoàn, công ty lớn trong lĩnh vực công nghệ.

Ngày 23/5, Bắc Kạn đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược về chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2023-2025. Nội dung thỏa thuận hợp tác, gồm: Phối hợp triển khai các giải pháp xây dựng, phát triển Hạ tầng số, Chính quyền số, Xã hội số, Kinh tế số, Bảo đảm an toàn thông tin.

Theo dự kiến, trong tháng 5/2023, Bắc Kạn sẽ tiếp tục ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược về chuyển đổi số với Công ty Cổ phần FPT.

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn, việc chỉ đạo, đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong thời qua đã giúp Chỉ số xếp hạng DTI (chỉ số đánh giá chuyển đổi số) của tỉnh Bắc Kạn tăng đáng kể.

Các huyện, thành phố đã lựa chọn và triển khai thí điểm chuyển đổi số tại ít nhất 1 xã/thị trấn trên địa bàn. Mạng lưới viễn thông kết nối thông suốt 3 cấp phục vụ tốt công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, đơn vị, địa phương, đáp ứng cơ bản nhu cầu ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin của người dân, doanh nghiệp.

Bắc Kạn chuyển đổi số trọng tâm, trọng điểm ảnh 2

Hướng dẫn nhân dân thực hiện thủ tục hành chính thông qua cổng dịch vụ công tại bộ phận 1 cửa phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn. (Ảnh: ĐĂNG BÁCH).

Bắc Kạn đứng thứ 51 trên toàn quốc về chỉ số xếp hạng chuyển đổi số; đứng thứ 55 toàn quốc về chính quyền số; đứng thứ 39 toàn quốc về kinh tế số; đứng thứ 42 toàn quốc về xã hội số.

Tỷ lệ thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt 100%; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ trực tuyến đạt 55%; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính phát sinh hồ sơ trực tuyến đạt 30%.

Bắc Kạn sẽ tập trung xây dựng và phát triển dữ liệu, bảo đảm an toàn thông tin, hướng tới mục tiêu phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số một cách tổng thể, toàn diện, phục vụ tốt hơn nhu cầu người dân và doanh nghiệp.

Mạng lưới viễn thông kết nối thông suốt 3 cấp; 100% các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đã có mạng Internet và hệ thống mạng nội bộ (LAN); tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đã đạt 100%; tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh đạt 70%; tỷ lệ thôn/bản được phủ sóng internet cáp quang băng rộng đạt 96%; tỷ lệ người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 100%...

Hiện nay, tỉnh tiếp tục duy trì, cập nhật dữ liệu cho các cơ sở dữ liệu đã triển khai, như: Số hóa tài liệu; cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng, đất đai, môi trường, quản lý giấy phép lái xe, hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử người dân, công chứng...

Trong năm 2023, Bắc Kạn sẽ tập trung xây dựng và phát triển dữ liệu, bảo đảm an toàn thông tin, hướng tới mục tiêu phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số một cách tổng thể, toàn diện, phục vụ tốt hơn nhu cầu người dân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, so với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước, điểm xếp hạng các chỉ số thành phần về thể chế số, an toàn thông tin mạng và nhóm chỉ số hoạt động của chính quyền số, xã hội số còn thấp, cụ thể như nhóm chỉ số thành phần về hoạt động của chính quyền số xếp hạng 62/63; thể chế số xếp hạng 57/63; an toàn thông tin mạng xếp hạng 54/63; hoạt động xã hội số xếp hạng 50/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình, để khắc phục những hạn chế này, thời gian tới, tỉnh chỉ đạo nhiệm vụ chuyển đổi số cần được các sở, ngành, địa phương thực hiện phù hợp với nhu cầu của người dân và điều kiện của tỉnh; nỗ lực đóng góp vào việc nâng cao các chỉ số xếp hạng chuyển đổi số một cách thực chất.

Các đơn vị được giao làm chủ đầu tư các nhiệm vụ, dự án chuyển đổi số cần sâu sát, không khoán trắng cho nhà thầu. Các phần mềm dùng thử cần được đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện, thực chất; đặc biệt chú ý bảo đảm an toàn thông tin.