Chuyển đổi để phát triển hạ tầng số

Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã xác định nhiệm vụ: Chuyển đổi toàn bộ mạng internet Việt Nam sang ứng dụng địa chỉ giao thức internet thế hệ mới (IPv6). Với các hoạt động thúc đẩy chuyển đổi IPv6 sớm và đúng hướng của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến tháng 5/2022, Việt Nam có tỷ lệ sử dụng IPv6 đạt 49,28%, trong nhóm 10 nước có tỷ lệ sử dụng IPv6 cao nhất toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
Chương trình đào tạo về công nghệ, mô hình, phương án xây dựng kế hoạch chuyển đổi IPv6 và vận hành, quản lý hệ thống DNS. Ảnh: VNNIC
Chương trình đào tạo về công nghệ, mô hình, phương án xây dựng kế hoạch chuyển đổi IPv6 và vận hành, quản lý hệ thống DNS. Ảnh: VNNIC

Do nguồn tài nguyên địa chỉ internet IPv4 đã hoàn toàn cạn kiệt và trước yêu cầu công nghệ của các dịch vụ mới, chất lượng cao như internet vạn vật (IoT), 4G LTE/5G, mạng internet toàn cầu chuyển sang thế hệ mới, sử dụng giao thức và địa chỉ IPv6. Các doanh nghiệp đã triển khai cung cấp dịch vụ IPv6 rộng rãi để người dùng có thể truy cập internet IPv6 qua Mobile, FTTH. Để định hướng, thúc đẩy, hỗ trợ cơ quan quản lý Nhà nước và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về chuyển đổi IPv6, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành thúc đẩy, hỗ trợ chuyển đổi IPv6 cho cơ quan quản lý nhà nước (Chương trình IPv6 for Gov) giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 38/QĐ-BTTTT ngày 14/1/2021 của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông) và triển khai nhiều hoạt động đào tạo, tập huấn, tư vấn, hỗ trợ chuyển đổi IPv6 cho các đơn vị.

Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến nay, đã có khoảng 94% các bộ, ngành và địa phương đã ban hành kế hoạch chuyển đổi từ địa chỉ IPv4 sang địa chỉ IPv6 và chuyển đổi thành công địa chỉ IPv6 cho Cổng thông tin điện tử, dịch vụ công. Trong giai đoạn vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã tiên phong, đồng hành cùng các đơn vị, địa phương xúc tiến, hỗ trợ và bảo đảm cho việc thực hiện thành công toàn bộ quá trình chuyển đổi địa chỉ IPv6 cho mạng lưới, dịch vụ công nghệ thông tin của cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương.

Theo các chuyên gia công nghệ thông tin, việc chuyển đổi từ địa chỉ Ipv4 sang địa chỉ IPv6 mang lại nhiều lợi ích, như dễ quản lý không gian địa chỉ, bởi không gian địa chỉ IPv6 lớn hơn không gian địa chỉ IPv4, đồng thời đã loại bỏ được hoàn toàn công nghệ Nat sử dụng trong địa chỉ IPv4 (một kỹ thuật để chuyển đổi từ địa chỉ IP này sang địa chỉ IP khác). Địa chỉ IPv6 được thiết kế với khả năng tự động cấu hình mà không cần sử dụng máy chủ và được hỗ trợ trong việc giảm cấu hình thủ công. Cấu trúc định tuyến tốt hơn, bởi định tuyến của địa chỉ IPv6 được thiết kế hoàn toàn phân cấp.

Cùng với đó, hiện nay, bảo mật mạng internet trở thành một vấn đề ưu tiên hàng đầu. Hỗ trợ bảo mật theo địa chỉ mới IPv6 cũng sẽ tốt hơn, còn địa chỉ cũ IPv4 được thiết kế tại thời điểm trước đó chỉ có các mạng nhỏ, biết rõ nhau mới kết nối được với nhau. Địa chỉ IPv6 cũng hỗ trợ tốt hơn cho điện thoại, thiết bị di động trong thế hệ mạng mới, dạng thiết bị này ngày càng phát triển, đòi hỏi cấu trúc giao thức internet có sự hỗ trợ tốt hơn. Thời điểm địa chỉ IPv4 được thiết kế, thì không có công cụ hỗ trợ cho thiết bị di động.

Bà Trần Thu Hiền, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm internet Việt Nam, cho biết: Đến nay, đã tổ chức đào tạo được 1.318 cán bộ, chuyên gia về địa chỉ IPv6. Từ số liệu trên, cho thấy, sự nỗ lực của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như các bộ, ngành địa phương trong việc chuyển đổi mạng internet Việt Nam sang địa chỉ IPv6. Trong giai đoạn tới, sẽ tập trung và hoàn thành chuyển đổi địa chỉ IPv6 cho Trung tâm dữ liệu, mạng WAN, các phần mềm, ứng dụng; triển khai thí điểm hoạt động thuần địa chỉ IPv6 cho một số khu vực, dịch vụ. Mục tiêu hướng tới, tất cả bộ, ngành, địa phương chuyển đổi địa chỉ IPv6 thành công cho hạ tầng mạng, dịch vụ công nghệ thông tin.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long, trong thời gian tới, các bộ, ngành và địa phương cần thực hiện chuyển đổi hạ tầng, đây là vấn đề sống còn để thực hiện kế hoạch phát triển chính phủ số, chuyển đổi số quốc gia. Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoạt động tuyên truyền, đào tạo, hỗ trợ và giám sát quá trình chuyển đổi, xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện, tham mưu tư vấn các vấn đề chính sách và chủ trương nhằm thúc đẩy chuyển đổi, hoàn thành mục tiêu chương trình IP 4G quốc gia và duy trì tăng thức hạng chuyển đổi quốc gia. Để giai đoạn tiếp theo, từ năm 2023 đến 2025, mục tiêu Chuyển đổi toàn bộ internet Việt Nam sang IPv6, 100% bộ, ngành, địa phương sẽ chuyển đổi sang địa chỉ IPv6 thành công trong giai đoạn 2023-2025. Phấn đấu tất cả thuê bao internet Việt Nam hoạt động với địa chỉ IPv6; 100% doanh nghiệp IDC, Cloud, Hosting, nội dung số cung cấp dịch vụ trên nền IPv6 và nghiên cứu triển khai IPv6+.

Tại kỳ họp tháng 3/2022 của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), trên cơ sở đề xuất của 3 khu vực (châu Á, châu Âu, châu Mỹ), ITU đã phê duyệt sửa đổi Nghị quyết số 64 (về chuyển đổi sử dụng IPv6) để thúc đẩy hơn nữa các quốc gia trên toàn cầu chuyển đổi internet sang sử dụng IPv6.

Tại Việt Nam, Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã xác định nhiệm vụ: Chuyển đổi toàn bộ mạng internet Việt Nam sang ứng dụng địa chỉ giao thức internet thế hệ mới (IPv6).