ADB: Nền tảng kinh tế vĩ mô vững mạnh là yếu tố then chốt để Việt Nam phục hồi nhanh chóng

NDO - Các cân đối vĩ mô mạnh mẽ, với động lực là sự tăng trưởng nhanh hơn dự kiến của các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ và tiêu dùng nội địa đang giúp nền kinh tế Việt Nam phục hồi vững chắc.
0:00 / 0:00
0:00
Kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh hơn dự kiến trong nửa đầu năm 2022 và dự báo sẽ tiếp tục phục hồi trong 6 tháng cuối năm nay. (Ảnh minh họa: THÀNH ĐẠT)
Kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh hơn dự kiến trong nửa đầu năm 2022 và dự báo sẽ tiếp tục phục hồi trong 6 tháng cuối năm nay. (Ảnh minh họa: THÀNH ĐẠT)

Đây là nhận định được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra trong ấn bản cập nhật của báo cáo kinh tế “Triển vọng phát triển châu Á (ADO) - cập nhật năm 2022”, được ADB công bố trong khuôn khổ buổi họp báo tổ chức sáng 21/9 tại Hà Nội.

Trong đó, ADB giữ nguyên dự báo về triển vọng kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 6,5% trong năm 2022 và 6,7% năm 2023.

Kinh tế phục hồi nhanh hơn dự kiến

ADB đánh giá, những cân đối vĩ mô vững mạnh tiếp tục thúc đẩy kinh tế Việt Nam phục hồi. Rủi ro từ lạm phát toàn cầu giảm nhẹ do áp lực của việc tăng chi phí toàn cầu dịu xuống, tỷ giá hối đoái ổn định, kiểm soát giá cả hiệu quả và nguồn cung ứng lương thực trong nước bình ổn.

Báo cáo của ADB nhận định, trong 6 tháng đầu năm 2022, nền kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh hơn nhiều so với dự kiến. Cụ thể, tăng trưởng đạt mức 7,7% trong quý II và đạt mức tăng bình quân 6,4% trong 6 tháng đầu năm - cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 và 2020.

ADB: Nền tảng kinh tế vĩ mô vững mạnh là yếu tố then chốt để Việt Nam phục hồi nhanh chóng ảnh 1

Trong đó, tăng trưởng công nghiệp đạt 7,7%. Sản lượng ngành chế biến chế tạo đạt mức 9,7%. Công nghiệp đóng góp 2,3 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng GDP chung trong 6 tháng đầu năm, trong khi tăng trưởng xây dựng đạt mức 3,7%.

Tăng trưởng nông nghiệp trong 6 tháng đầu năm ở mức 2,8%. Trong đó, sản lượng trồng trọt tăng 2,3%; lâm nghiệp tăng 5,0% do xuất khẩu các sản phẩm gỗ tăng lên.

Đáng chú ý, theo báo cáo của ADB, trong 6 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng khu vực dịch vụ phục hồi trở lại đạt mức 6,6% từ 3,9% trong cùng kỳ năm 2021, nhờ lượng khách du lịch trong nước tăng mạnh lên 60,8 triệu lượt khách. Lượng du khách trong nước cao hơn 1,9 lần so với 6 tháng đầu năm 2021 và gấp 1,3 lần so với con số trước đại dịch Covid-19.

ADB: Nền tảng kinh tế vĩ mô vững mạnh là yếu tố then chốt để Việt Nam phục hồi nhanh chóng ảnh 2

Du lịch trong nước phục hồi kéo theo các dịch vụ liên quan đến du lịch tăng 7% trong 6 tháng đầu năm sau khi giảm 1% trong cùng kỳ năm trước. Kinh tế phục hồi thúc đẩy tăng trưởng dịch vụ tài chính và ngân hàng lên mức 9,5% so với 9,1% cùng kỳ năm trước và cao hơn nhiều so với trước đại dịch.

Tiêu dùng cuối cùng hàng hóa và dịch vụ tăng 6,1% từ mức 3,6%, nâng mức tăng chi tiêu tiêu dùng lên 6,5%. Kinh tế phục hồi thúc đẩy doanh số bán lẻ, tăng 65,9% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm trước; doanh thu bán lẻ 8 tháng đầu năm tăng 20,6%.

Giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 8 tháng đầu năm ước đạt 12,8 tỷ USD - cao hơn 10,5% so với cùng kỳ năm 2021, do môi trường kinh doanh được cải thiện và hoạt động kinh tế được phục hồi.

Ngoài ra, cũng nhờ môi trường kinh doanh được cải thiện và hoạt động kinh tế phục hồi đã tạo đà thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp kinh doanh, với khoảng 101.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập trong 8 tháng đầu năm, tăng 24,2% về số lượng doanh nghiệp và tăng 16,2% về tổng số lao động so với cùng kỳ năm 2021. Bên cạnh đó, 48.100 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 43,8%, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động lên 149.500 doanh nghiệp, tăng 31,1%.

Cung ứng lương thực thực phẩm đủ đáp ứng nhu cầu, chuỗi cung ứng trong nước được phục hồi và việc kiểm soát hiệu quả giá của một số hàng hóa, dịch vụ chủ chốt (như xăng dầu, điện, y tế và giáo dục) đã kiềm chế lạm phát bình quân ở mức 2,6% trong 8 tháng đầu năm, trong bối cảnh áp lực giá cả toàn cầu liên tục gia tăng. Lạm phát cơ bản bình quân ở mức 1,6%.

ADB: Nền tảng kinh tế vĩ mô vững mạnh là yếu tố then chốt để Việt Nam phục hồi nhanh chóng ảnh 3

Theo đánh giá của ADB, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, với vai trò là ngân hàng trung ương đã duy trì thành công chính sách tiền tệ mở rộng nhưng linh hoạt, tạo điều kiện cho vay vốn với chi phí thấp nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế, đồng thời kiềm chế lạm phát.

Hoạt động kinh tế phục hồi và tỷ giá hối đoái ổn định đã giúp tăng xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm lên 250,8 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất trong nước phục hồi kéo nhập khẩu tăng 13,6%, đạt 246,8 tỷ USD, giúp thặng dư thương mại đạt 4,0 tỷ USD.

Lợi nhuận từ dầu thô và thu nhập từ hoạt động xuất nhập khẩu đã giúp thu ngân sách của Chính phủ tăng 19,4% trong 8 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ lệ thu nội địa trên tổng thu ngân sách đạt 79%. Trong đó, thu từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất tăng mạnh từ mức 8% tổng doanh thu lên 13%.

Chi cho y tế, an sinh xã hội và hỗ trợ thu nhập tăng nhẹ ở mức 4,2%. Cân đối tài khóa nội bảng sơ bộ ước tính thặng dư 5% GDP trong 6 tháng đầu năm, tăng so với mức 2% trong năm 2021.

Triển vọng tiếp tục phục hồi, song còn nhiều rủi ro

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam nhận định, nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi nhanh hơn dự kiến trong nửa đầu năm 2022, và tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh môi trường toàn cầu có nhiều thách thức.

ADB: Nền tảng kinh tế vĩ mô vững mạnh là yếu tố then chốt để Việt Nam phục hồi nhanh chóng ảnh 4

Trong 6 tháng cuối năm 2022, nền kinh tế dự kiến sẽ tiếp tục phục hồi, được hỗ trợ bởi những cân đối vĩ mô vững mạnh, chính sách tiền tệ linh hoạt và sự phục hồi nhanh hơn dự kiến của ngành chế biến chế tạo, dịch vụ và tiêu dùng nội địa từ tháng 7 đến tháng 12.

Tuy nhiên, báo cáo của ADB cũng dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phải đối mặt với những rủi ro ngày càng gia tăng. Song song đó, suy thoái kinh tế toàn cầu có thể ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, và sự thiếu hụt lao động dự kiến sẽ tác động không nhỏ tới sự phục hồi nhanh chóng của các ngành dịch vụ và sản xuất hàng xuất khẩu - vốn là lĩnh vực thâm dụng nhiều lao động trong năm 2022.

Theo ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng của ADB, kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn. Chuỗi cung ứng lương thực thực phẩm toàn cầu được khôi phục góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong năm nay, tuy nhiên chi phí đầu vào cao vẫn sẽ kìm hãm sự phục hồi của ngành nông nghiệp.

Nhu cầu trên thị trường thế giới giảm làm chậm đà tăng trưởng ngành chế biến chế tạo. Trong tháng 8, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) giảm nhẹ xuống 52,7 từ mức 54,0 của tháng 6. Tuy nhiên, triển vọng ngành chế biến chế tạo vẫn khả quan, do đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ vào lĩnh vực này.

ADB nhận định, di chuyển trong nước trở lại hoàn toàn bình thường và việc dỡ bỏ các hạn chế đi lại do đại dịch Covid-19 đối với khách nước ngoài sẽ thúc đẩy du lịch phục hồi mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2022, là động lực tăng trưởng cho ngành dịch vụ.

Lạm phát tăng cao ở Mỹ và Liên minh châu Âu làm gia tăng áp lực lạm phát trong nước. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ thận trọng của Việt Nam và việc kiểm soát giá hiệu quả, đặc biệt đối với các mặt hàng xăng dầu, giúp kiềm chế lạm phát ở mức 3,8% năm 2022 và 4,0% năm 2023, không thay đổi so với dự báo đã đưa ra trong báo cáo “Triển vọng phát triển châu Á” công bố vào tháng 4/2022.

Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB nhận định, rủi ro đối với triển vọng kinh tế của Việt Nam vẫn còn cao. Kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam. Sự thiếu hụt về lao động dự kiến sẽ tác động đến việc phục hồi nhanh chóng của lĩnh vực dịch vụ và các ngành sản xuất hàng xuất khẩu sử dụng nhiều lao động trong năm 2022.

Ngoài ra, việc chậm thực hiện giải ngân đầu tư công và các khoản chi tiêu xã hội so với kế hoạch, đặc biệt là chậm thực hiện chương trình phát triển và phục hồi kinh tế của chính phủ, có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng trong năm nay và năm sau.