Các chính sách hỗ trợ tạo động lực phục hồi kinh tế

NDO - Trong khuôn khổ Phiên hội thảo chuyên đề về “Thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững”, tại phiên trao đổi và thảo luận bàn tròn, Giáo sư, Tiến sĩ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sáng nay đặt câu hỏi với Chuyên gia Kinh tế cao cấp của Tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam Jonathan Pincus.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu đặt câu hỏi với các đại biểu tại buổi thảo luận bàn tròn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu đặt câu hỏi với các đại biểu tại buổi thảo luận bàn tròn.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nên chăng khi đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội, cần phải đánh giá trong tổng thể các chính sách mà Việt Nam đã ban hành và thực hiện từ năm 2020 và cả những chính sách được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 31/12/2021 nhưng thực hiện cho năm 2022.

Nguồn lực lớn hỗ trợ trực tiếp

Chủ tịch Quốc hội nêu thí dụ, việc Việt Nam quyết định sử dụng kết dư của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp ngay một lúc chi tới 38.000 tỷ đồng bằng tiền mặt, sau đó, vẫn tiếp tục kéo dài chính sách này chi thêm hơn 1.500 tỷ đồng, cộng với 6.600 tỷ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà (theo Nghị quyết số 43) là vào khoảng 2 tỷ USD, chưa kể phần chi khá lớn của các địa phương nhằm trợ cấp trực tiếp cho người dân, người lao động.

“Những chính sách đó có tính là chi trực tiếp cho người dân hay không? Chúng ta đánh giá chỉ có vấn đề giảm thuế thì không hiệu quả nếu chưa chi trực tiếp cho người dân. Vậy kinh nghiệm quốc tế chi trực tiếp cho người dân như thế nào? Nguồn từ đâu và tỷ trọng là bao nhiêu? Chưa kể trong giai đoạn 2019-2020, hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân của Việt Nam bằng tiền mặt là rất lớn...”, Chủ tịch Quốc hội nêu.

Các chính sách hỗ trợ tạo động lực phục hồi kinh tế ảnh 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và các đại biểu dự hội thảo.

Theo phân tích của Chủ tịch Quốc hội, có thể thấy rằng phương pháp tiếp cận đánh giá Nghị quyết 43 của Quốc hội, Nghị quyết số 11 của Chính phủ trong tổng thể các chính sách khi thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Nghị quyết 42 của Quốc hội trong suốt năm 2020-2021... là vấn đề thuộc liên quan nhận thức và kinh nghiệm quốc tế vì mỗi nước có hoàn cảnh rất khác nhau…

Nêu thực tế các nước có tỷ lệ lạm phát cao trong khi Việt Nam lại duy trì được ở mức thấp, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, Việt Nam đã nghiên cứu rất kỹ và thấy rằng, vì ngân sách Việt Nam tài khóa không nhiều nên thay vì chi tiền trực tiếp cho người dân thì giảm thuế giá trị gia tăng 2% sẽ giúp bất cứ người dân nào cũng được hưởng, với số tiền ít hơn nhưng mua được nhiều hàng hóa hơn và thực thi rất nhanh.

“Chính sách này đã giảm thu ngân sách nhà nước mấy chục nghìn tỷ đồng. Vậy đây có phải là chính sách chi tiền trực tiếp không? Chưa kể chính sách này còn có tác động kép, góp phần giảm lạm phát. Đó là lý do giúp lạm phát ở Việt Nam trong thời gian qua giữ được ở mức thấp”, Chủ tịch Quốc hội cho rằng phải tiếp tục nghiên cứu tiếp vấn đề này.

Nguyên nhân thiếu lao động cục bộ

Các chính sách hỗ trợ tạo động lực phục hồi kinh tế ảnh 2

Hội thảo chuyên đề 2 với chủ đề “Thúc đẩy thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững”.

Liên quan đến vấn đề lao động, việc làm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu thực tế tại nhiều nước sau đại dịch Covid-19: Số người mất việc làm thì thấp nhưng người tham gia vào thị trường lao động cũng thấp. Tương tự như ở Việt Nam, số người nói là thất nghiệp không nhiều nhưng một số ngành lại thiếu lao động cục bộ.

“Phải chăng có một bộ phận người lao động đang khu trú ở đâu đó sau đại dịch Covid-19? Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng cần nghiên cứu vấn đề này. Dường như có một bộ phận lao động chưa sẵn sàng quay trở lại làm việc. Trên thế giới, xu hướng này ra sao?”, Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi và cho rằng, có những vấn đề sau Diễn đàn có thể kết luận được, nhưng cũng có những vấn đề chưa thể kết luận được mà gợi mở để tiếp tục nghiên cứu cũng chính là kết quả của Diễn đàn.

Các chính sách hỗ trợ tạo động lực phục hồi kinh tế ảnh 3

Chuyên gia kinh tế cao cấp của Tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam Jonathan Pincus phát biểu tại thảo luận bàn tròn.

Trả lời câu hỏi của Chủ tịch Quốc hội, ông Jonathan Pincus, Chuyên gia Kinh tế cao cấp của Tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết: Thực tiễn từ châu Âu và Bắc Mỹ cho thấy, ảnh hưởng của chính sách tài khóa là nhỏ, trong khi những khoản chi tiêu trong gia đình mới đóng góp lớn vào khôi phục ngân sách Nhà nước.

Ông cho biết, từ góc độ cầu ở khu vực này, các khoản hỗ trợ người lao động từ ngân sách địa phương và ngân sách của doanh nghiệp. Với khoản hỗ trợ này, người lao động vẫn có thể đóng tiền nhà và trang trải các khoản chi phí sinh hoạt hằng ngày khác.

Ngoài ra, tại một số quốc gia như Mỹ, Anh, tỷ lệ người nhập cư giảm trong giai đoạn đại dịch. Đây là một nhóm người rút khỏi thị trường lao động. Còn ở trong nước (ở Mỹ, châu Âu), còn có những nguyên do nội tại khác.

Theo ông Jonathan Pincus, việc hỗ trợ bằng tiền mặt không phải là lý do chính khiến cho tỷ lệ này suy giảm bởi sau khi đại dịch kết thúc người lao động không còn nhận khoản hỗ trợ nữa thì sẽ phải đi làm lại. Tuy nhiên cũng có nhiều người lao động cảm nhận chưa thể quay trở lại thị trường lao động.

Ông Jonathan Pincus cho rằng, có rất nhiều nguyên do khiến cho tỷ lệ tham gia lao động giảm, đó cũng thể do xu thế toàn cầu hay nguyên do đặc thù của từng nền kinh tế...

Các chính sách hỗ trợ tạo động lực phục hồi kinh tế ảnh 4

Phiên trao đổi, thảo luận bàn tròn tại hội thảo chuyên đề 2.

Chính sách giảm thuế thu nhập thường áp dụng trong các cuộc khủng hoảng không quá nghiêm trọng. Còn ích lợi của việc hỗ trợ bằng tiền mặt là giúp điều hòa nguồn thu ngân sách; bởi vậy, Mỹ và châu Âu rất quan tâm tới chính sách này.

Về nguyên nhân người lao động không quay trở lại làm việc sau đại dịch, có thể là do sức khỏe của họ bị suy giảm sau đại dịch, vì thống kê cho thấy 10% người bị mắc Covid-19 có vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe hậu Covid-19, nhất là với người lớn tuổi và cần nhiều thời gian để hồi phục.

(Ông Jonathan Pincus)

Trao đổi thêm về phần trả lời của ông Jonathan Pincus, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết: Nếu Chính phủ có nhiều tiền mặt để chi thì rất dễ dàng. Nhưng vấn đề là các nước có tài khóa khó khăn như Việt Nam nhưng vẫn tìm cách chi bằng tiền mặt và chi khá nhiều.

Vấn đề đánh giá tỷ trọng, phương pháp hỗ trợ và hiệu quả của các chính sách hỗ trợ phải chăng không chỉ đơn thuần theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội và Nghị quyết số 11 của Chính phủ mà phải đặt trong tổng thể các gói giải pháp, chính sách đã áp dụng từ đầu năm 2019 đến nay.

Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề: Tại sao tỷ lệ khách du lịch nội địa và bán lẻ vẫn tăng? Vì cầu của Việt Nam vẫn tốt, không có chuyện suy giảm cầu ở Việt Nam. Do đó nên chăng phải có đánh giá kỹ lưỡng hơn, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế áp dụng ở Việt Nam như thế nào; đây là vấn đề về chính sách.

Trao đổi với Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh về nguyên nhân khiến người lao động chưa quay trở lại làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần phải có cơ sở dữ liệu để đánh giá thực trạng và xu hướng để có chính sách tới đây huy động người lao động trở lại làm việc, vì bộ phận lao động này đã từng tham gia thị trường, có kinh nghiệm, có kỹ năng, được đào tạo rồi mà không thu hút họ quay trở lại được thị trường là không nên.

Các chính sách hỗ trợ tạo động lực phục hồi kinh tế ảnh 5

Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội trình bày tham luận tại hội thảo.

Theo PGS, TS Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, để thúc đẩy các gói hỗ trợ, các cơ quan quản lý cần tiếp tục lắng nghe cộng đồng doanh nghiệp; có hệ thống giám sát, đánh giá kịp thời, có hướng dẫn cụ thể cho các địa phương thực hiện.

Bên cạnh đó, cần rà soát các tiêu chí, chỉnh sửa cho phù hợp; bổ sung tiêu chí mới khi nền kinh tế thế giới đối mặt nhiều thách thức. Việc hỗ trợ cần có mục tiêu, như ưu tiên với các ngành trong lĩnh vực tạo bệ đỡ cho nền kinh tế như nghiệp logistics, công nghiệp hỗ trợ… dài hạn, nên điều chỉnh giảm chính sách giảm thuế, tăng chính sách gia hạn thuế…

Các cơ chế, chính sách hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh góp phần không nhỏ trong bảo đảm xu hướng phục hồi tích cực của các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước, bảo đảm nguồn cung tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế đã thực sự kích thích nền kinh tế phát triển, tạo niềm tin cho doanh nghiệp, người dân. Dự kiến, việc triển khai thực hiện chương trình sẽ đóng góp 1,5-2% tăng trưởng GDP của năm 2022. Ước tính cả năm nay tăng trưởng đạt 7,5%, muốn vậy, cần tổng hợp, đánh giá kỹ các gói hỗ trợ.

(PGS, TS Nguyễn Trúc Lê)