Thúc đẩy triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội

NDO - Sáng 15/9, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo về triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo. (Ảnh: VGP)
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo. (Ảnh: VGP)

Báo cáo về tình hình triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, về xây dựng chính sách, đã ban hành gần đầy đủ 15/17 văn bản cụ thể hóa các chính sách theo yêu cầu tại Nghị quyết.

Còn lại 2 văn bản thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính và Bộ Thông tin và Truyền thông đang trong quá trình xây dựng (Thông tư của Bộ Tài chính sửa đổi các nội dung thuộc lĩnh vực quản lý thuộc Thông tư số 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC hướng dẫn nội dung chi và quản lý Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, văn bản của Bộ Thông tin và Truyền thông về xây dựng phương án và quyết định theo thẩm quyền việc hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông, internet từ Quỹ Dịch vụ viễn thông và công ích Việt Nam).

Về thực hiện, giải ngân các chính sách hỗ trợ, sơ bộ đến ngày 25/8 đã giải ngân hơn 56 nghìn tỷ đồng. Trong đó, giải ngân hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động (đến 14/9) đạt khoảng 3.492 tỷ đồng cho gần 5,1 triệu người lao động; giải ngân hỗ trợ 2% lãi suất cho các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình đến hết tháng 8/2022 đạt khoảng 13,5 tỷ đồng. Giảm thuế giá trị gia tăng, thuế môi trường đối với nhiên liệu bay, xăng đến ngày 26/8 là 34.970 tỷ đồng; gia hạn các loại thuế, tiền thuê đất là 52 nghìn tỷ đồng. Chi phí cơ hội hỗ trợ thông qua các chính sách gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất đến hết tháng 6/2022 là 7.400 tỷ đồng.

Về khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, chương trình hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động thực hiện chưa được như kỳ vọng do chênh lệch giữa số liệu tại thời điểm xây dựng chính sách và triển khai thực tế; trình tự, thủ tục xác nhận, giải ngân còn phức tạp; một số cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai chưa quyết liệt.

Chương trình cho vay chính sách thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội gặp một số khó khăn về huy động vốn cho vay. Có sự “lệch pha” giữa nhu cầu và kế hoạch cho vay của các chương trình tín dụng; một số thông tư hướng dẫn chưa được ban hành hoặc khó triển khai.

Việc hỗ trợ lãi suất 2% còn hạn chế do khó khăn trong xác định đối tượng được hưởng hỗ trợ lãi suất; ngân hàng thương mại còn ngần ngại do một số chương trình hỗ trợ lãi suất trước đây chưa được quyết toán chi phí; cần xây dựng hệ thống theo dõi, hạch toán, quản lý dữ liệu; khách hàng có tâm lý e ngại công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán.

Dự án nâng cấp đoạn Km18-Km80, quốc lộ 4B đã được Chính phủ báo cáo Quốc hội dự kiến bố trí 2.500 tỷ đồng từ nguồn vốn của chương trình, tuy nhiên chưa thể thông báo số vốn dự kiến nêu trên cho Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn để thực hiện các thủ tục tiếp theo, do Bộ Giao thông vận tải đang phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn để làm rõ một số nội dung của dự án.

Thúc đẩy triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội ảnh 1

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: VGP)

Việc triển khai công tác phân bổ, giao kế hoạch vốn của chương trình cho các nhiệm vụ, dự án đang rất chậm do quy trình rà soát, hoàn thiện, xin ý kiến các cơ quan liên quan, trong khi nội dung này đã xin ý kiến Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Một số bộ, địa phương chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư (chủ trương đầu tư) các dự án được Thủ tướng Chính phủ thông báo dự kiến kế hoạch vốn mặc dù đã quá thời hạn yêu cầu, ảnh hưởng đến tiến độ tổng hợp, báo cáo.

Triển khai chương trình trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Ủy ban Dân tộc nhanh chóng ban hành, điều chỉnh, bổ sung các thông tư, văn bản thuộc thẩm quyền để tạo điều kiện triển khai chương trình.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội báo cáo cụ thể về các khó khăn, vướng mắc trong triển khai chính sách hỗ trợ do cơ quan mình chủ trì; tính khả thi, nhu cầu hỗ trợ đến thời điểm hiện tại, dự kiến khả năng thực hiện và giải ngân; kiến nghị, đề xuất phương án xử lý.

Bộ Tài chính sớm có ý kiến đối với phương án phân bổ nguồn vốn thuộc Chương trình theo Tờ trình số 6206/TTr-BKHĐT để hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn.

Các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương khẩn trương phê duyệt quyết định đầu tư dự án, hoàn thiện các thủ tục cần thiết, sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch. Chủ động về nhân công, mặt bằng, nguyên vật liệu… để sẵn sàng thực hiện và giải ngân. Xem xét áp dụng các cơ chế đặc thù đã được Quốc hội cho phép để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, đúng quy định.

Đối với danh mục dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư theo văn bản số 681/TTg-KTTH ngày 1/8/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư đến ngày 30/8/2022.

Đối với các dự án còn lại chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư, các bộ, địa phương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chậm trễ trong triển khai.

Bộ Y tế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khẩn trương rà soát nhu cầu thực hiện các dự án thuộc lĩnh vực y tế, an sinh xã hội, lao động, việc làm thuộc chương trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo yêu cầu tại văn bản số 6327/BKHĐT-TH ngày 8/9/2022.

Tại hội nghị, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội... bày tỏ thống nhất với nội dung báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đồng thời báo cáo thêm về kết quả thực hiện các dự án; phân tích các khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp để triển khai chương trình trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành, địa phương trong triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội thời gian qua, nhất là trong công tác xây dựng chính sách (đã ban hành 15/17 văn bản hướng dẫn); triển khai giải ngân một số gói hỗ trợ như: giảm một số loại thuế, phí, giải ngân tín dụng ưu đãi...

Về những khó khăn, vướng mắc, theo Phó Thủ tướng có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó, nguyên nhân chủ quan là do vẫn còn có những bộ, ngành, địa phương chưa sát sao, chưa đôn đốc, chưa đeo bám công việc, chưa lường trước những khó khăn khi triển khai chương trình. Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần phải rút kinh nghiệm.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, từ nay tới cuối năm các bộ, ngành liên quan đến chương trình, thành viên Ban Chỉ đạo, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải tiếp tục nỗ lực, nắm bắt tình hình, chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, để thực hiện các chương trình ở mức tối đa có thể, giao vốn sớm; đánh giá lại nội dung chương trình, những đề xuất nào không còn phù hợp với tình hình thực tế đề xuất phương án xử lý phù hợp.

Về xây dựng chính sách, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông từ nay đến trước ngày 25/9/2022 phải ban hành 2 Thông tư để triển khai chương trình.

Đối với một số nhiệm vụ cụ thể của chương trình, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương thống nhất ý kiến đối với những dự án đủ điều kiện phân bổ, trình Chính phủ bổ sung dự toán ngân sách năm 2022 để giao kế hoạch chi tiết vốn cho các dự án đầu tư công.

Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp chặt chẽ Bộ Tài chính để có phương án huy động, bảo đảm đủ nguồn vốn triển khai chương trình. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nắm bắt tình hình, đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để triển khai giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% đạt kết quả cao nhất.

Bộ Tài chính chủ động, tính toán chi tiết các phương án để triển khai thực hiện đề án huy động nguồn lực khả thi và hiệu quả.

Về dự án quốc lộ 4B, Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Giao thông vận tải xử lý sớm các thủ tục để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định giao vốn…