Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Lê Văn Thanh chủ trì hội nghị.
Huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế là một trong 74 huyện nghèo toàn quốc giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022. Đồng thời, huyện A Lưới là một trong 22 huyện nghèo toàn quốc được ưu tiên đầu tư, hỗ trợ để thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 880/QĐ-TTg ngày 22/7/2022.
Tại hội nghị, các thành viên trong Hội đồng thẩm định được lần lượt lắng nghe các báo cáo về việc thẩm tra hồ sơ đề nghị công nhận huyện A Lưới thoát nghèo năm 2024 và báo cáo về việc thẩm tra hồ sơ đề nghị công nhận 9 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn của Văn phòng quốc gia giảm nghèo (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội).
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu báo cáo tại hội nghị. |
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình, căn cứ kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững các năm 2022, 2023; sự lồng ghép có hiệu quả của Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và các chương trình, dự án liên quan khác, đến cuối năm 2023, huyện A Lưới đã rà soát các tiêu chí quy định tại Quyết định số 36/2021/QĐ-TTg. Qua đánh giá hệ thống chỉ tiêu xác định, chấm điểm huyện nghèo, huyện A Lưới bảo đảm đủ điều kiện thoát khỏi tình trạng nghèo.
Ông Nguyễn Thanh Bình còn cho biết, từ khi được Chính phủ phê duyệt vào danh sách huyện nghèo giai đoạn 2021-2025, huyện A Lưới đã nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các sở, ban, ngành quan tâm, tập trung nguồn lực của Trung ương, địa phương và huy động khác để đầu tư, triển khai thực hiện có hiệu quả trên các lĩnh vực về kinh tế-xã hội, đặc biệt là về tạo việc làm, an sinh xã hội, hỗ trợ nhà ở và các mô hình sinh kế giúp cho người dân có việc làm, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo.
Hướng dẫn xây dựng và tổ chức thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo
Về lý do lập hồ sơ đề nghị công nhận huyện A Lưới thoát nghèo, với quyết tâm, nỗ lực thực hiện thành công Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh xác định nhiệm vụ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy địa phương phát triển toàn diện. Do vậy, tỉnh đang quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025 theo tiêu chí đặc thù, trong đó có mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2025 theo chuẩn nghèo đa chiều còn 2,0%-2,2% và huyện A Lưới thoát khỏi tình trạng huyện nghèo năm 2024.
Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Lê Văn Thanh phát biểu kết luận hội nghị. |
Về kết quả đánh giá rà soát theo tiêu chí tại Quyết định số 36/2021/QĐ-TTg, huyện A Lưới có tổng số điểm đánh giá theo tiêu chí huyện nghèo quy định tại Quyết định số 36/2021/QĐ-TTg là 25 điểm. Vì vậy, huyện A Lưới bảo đảm điều kiện để lập hồ sơ, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định công nhận huyện A Lưới thoát khỏi tình trạng huyện nghèo sớm trước 1 năm so với quy định.
Tại hội nghị, báo cáo thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận huyện A Lưới thoát nghèo và các thành viên hội đồng thẩm định đánh giá cao nỗ lực Thừa Thiên Huế nói chung và của huyện A Lưới nói riêng trong công tác giảm nghèo bền vững. Giải trình các ý kiến, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình cho biết, ngoài nguồn lực của 3 chương trình mục tiêu Quốc gia, Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã ban hành Nghị quyết 20 để bố trí thêm nguồn lực cho công tác giảm nghèo ở A Lưới. Ngoài ra, tỉnh cũng định hướng các nguồn lực khác, quyết tâm hỗ trợ cho A Lưới xoá nhà tạm, thoát nghèo.
Huyện A Lưới bảo đảm điều kiện để lập hồ sơ, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định công nhận huyện A Lưới thoát khỏi tình trạng huyện nghèo sớm trước 1 năm so với quy định.
Liên quan đến các giải pháp để nâng cao thu nhập cho người dân, ông Bình chia sẻ, hiện nay, tại A Lưới đã và đang triển khai nhiều đề án, mô hình kinh tế để tạo sinh kế cho người dân như, đề án trồng cây dược liệu, mô hình du lịch cộng đồng, chăn nuôi bò…
9/9 thành viên Hội đồng thẩm định đã bỏ phiếu đồng ý trình Thủ tướng Chính Phủ công nhận huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) và 9 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo (thuộc 4 tỉnh Thừa Thiên Huế, Long An, Bến Tre, Sóc Trăng) thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh đánh giá cao hồ sơ đề nghị công nhận huyện A Lưới thoát nghèo năm 2024; đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, huyện A Lưới tiếp thu ý kiến của các thành viên hội đồng thẩm định. Ngoài ra, sớm có các giải pháp giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần cho người dân; việc đầu tư về hạ tầng, sinh kế và việc làm của người dân huyện A Lưới cần được chú trọng.