41 dự án BOT đường bộ chính thức tăng giá vé

NDO - Bắt đầu từ 0 giờ hôm nay (ngày 29/12), 41 dự án BOT đường bộ (gồm 47 trạm thu phí) sẽ thực hiện điều chỉnh tăng giá vé theo chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải.
0:00 / 0:00
0:00
Với mức tăng giá vé tại các trạm thu phí BOT, giá cước vận tải trên các tuyến đường BOT sẽ tăng khoảng 0,2-1,4%.
Với mức tăng giá vé tại các trạm thu phí BOT, giá cước vận tải trên các tuyến đường BOT sẽ tăng khoảng 0,2-1,4%.

Lý giải về việc tăng giá vé các dự án BOT, đại diện lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, các dự án BOT do Bộ Giao thông vận tải quản lý đưa vào khai thác chủ yếu từ trước năm 2016. Theo quy định tại hợp đồng dự án BOT, chu kỳ điều chỉnh giá vé là 3 năm/lần (với mức tăng 6%/năm). Tuy các dự án BOT đã đến kỳ tăng giá vé từ năm 2019-2022, nhưng cá biệt có những dự án đã qua 2 chu kỳ vẫn chưa được tăng giá vé, làm ảnh hưởng đến phương án tài chính và khả năng hoàn vốn của dự án.

Lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam cho hay, với mức tăng giá vé tại các trạm thu phí BOT, giá cước vận tải trên các tuyến đường BOT sẽ tăng khoảng 0,2-1,4% và việc điều chỉnh này dự kiến sẽ tác động không đáng kể đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Việc điều chỉnh giá lần này, ước tính lũy kế doanh thu từ đầu dự án đến hết năm 2025, có 26 dự án có mức đạt hơn 75% mức doanh thu trong phương án tài chính tại hợp đồng dự án PPP.

Theo lãnh đạo các đơn vị quản lý trạm BOT, việc điều chỉnh giá lần này không gây xáo trộn trong hoạt động bán vé, thu phí. Riêng đối với các phương tiện đã được mua vé tháng, vé quý thì vẫn tiếp tục sử dụng theo mệnh giá đã mua cho đến khi hết thời hiệu của vé, vé mua mới sau thời điểm tăng giá sẽ tính theo giá mới.

Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải quản lý 54 dự án BOT; năm 2022, chỉ có 7 dự án đạt doanh thu cao hơn so với hợp đồng, 43 dự án đạt 30-100% và 4 dự án đạt dưới 30%. Đầu tháng 12 vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã chấp thuận điều chỉnh giá vé tại các dự án BOT theo đề xuất của Cục Đường bộ Việt Nam, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp dự án kiểm tra, rà soát danh sách chủ xe trong diện miễn, giảm giá vé và hoàn tất thủ tục điều chỉnh, thông báo công khai.

Theo Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, hợp đồng BOT và Luật PPP quy định, khi một dự án BOT của doanh nghiệp vượt quá 125% doanh thu so với dự tính thì nhà đầu tư phải chia sẻ lại cho Nhà nước. Ngược lại, nếu như doanh thu xuống dưới 75% theo dự kiến thì Nhà nước phải chia sẻ rủi ro. “Khi doanh thu quá thấp, Nhà nước phải mua lại. Đây là điều khoản, điều kiện trong hợp đồng chứ không phải nhà nước dành đặc quyền, đặc lợi cho doanh nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thông tin thêm.

“Tư lệnh” ngành giao thông cũng nhìn nhận, trong thời gian tới, có khoảng 14 dự án BOT sẽ bị ảnh hưởng khi cao tốc bắc-nam đi vào hoạt động. Bộ tiếp tục theo dõi để khi các dự án này đi vào vận hành, biết được mức độ sụt giảm, căn cứ vào hợp đồng đã ký và các quy định pháp luật để có kiến nghị, đề xuất với Chính phủ và Quốc hội giải pháp nhằm hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Đối với 8 dự án BOT thua lỗ và đề xuất mua lại, Bộ Giao thông vận tải đang làm việc với nhà đầu tư, ngân hàng, vì đây là hợp đồng ký giữa hai bên. Nguyên tắc thực hiện là lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ bởi đây là vấn đề Chính phủ, Quốc hội, Bộ Giao thông vận tải đang nghiên cứu để tạo điều kiện cho nhà đầu tư thu hồi vốn.