Tăng phí BOT hàng loạt hầm đường bộ

NDO -

NDĐT - Sau khi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) “nới” mức phí BOT tối đa qua hầm đường bộ, Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả - nhà đầu tư hàng loạt các dự án BOT hầm đường bộ (Đèo Cả, Cù Mông, Hải Vân) đã có phương án điều chỉnh mức phí để bảo đảm doanh thu hoàn vốn.

Hầm Đèo Cả.
Hầm Đèo Cả.

Theo đó, Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả kiến nghị phương án điều chỉnh mức phí, có tính toán các phương án phù hợp khả năng chi trả của người dân, đánh giá các chỉ tiêu khi điều chỉnh để bảo đảm doanh thu đối với các trạm cửa hầm.

“Việc điều chỉnh mức phí làm cơ sở cập nhật và điều chỉnh phương án tài chính tổng thể, nhằm tháo gỡ khó khăn và vướng mắc về tín dụng hiện nay, tránh việc dừng hoạt động dự án gây tổn thất tài chính đối với các bên liên quan”, lãnh đạo Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả nhìn nhận.

Theo đó, mức phí qua trạm Đèo Cả trong năm 2019 thấp nhất là 90 nghìn đồng/lượt xe (hiện nay là 52 nghìn đồng/lượt), cao nhất là 280 nghìn đồng/lượt xe (hiện nay 200 nghìn đồng/lượt); mức phí trạm Cù Mông vẫn giữ nguyên (thấp nhất 60 nghìn đồng/lượt, cao nhất 220 nghìn đồng/lượt tùy từng phương tiện).

Hầm Bắc Hải Vân năm 2019 sẽ là 100 nghìn đồng/lượt (trong đó hoàn vốn dự án Đèo Cả là 74 nghìn đồng/lượt, giá vé chia sẻ dự án Phước Tượng - Phú Gia là 24 nghìn đồng/lượt) và cao nhất 280 nghìn đồng/lượt (của Đèo Cả là 143.500 đồng/lượt, chia sẻ của Phước Tượng - Phú Gia 136.500 đồng/lượt); trạm La Sơn - Túy Loan năm 2019 thấp nhất 40 nghìn đồng/lượt, cao nhất 200 nghìn đồng/lượt,…

Giải thích về lý do điều chỉnh giá vé, theo lãnh đạo Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả, trong quá trình triển khai các dự án hầm Đèo Cả, Cù Mông và mở rộng hầm Hải Vân, các thông số tài chính đã thay đổi rất lớn so phê duyệt ban đầu, làm ảnh hưởng các hợp đồng tín dụng, khả năng hoàn vốn, thâm hụt chi phí khi vận hành dự án.

Cụ thể, lưu lượng xe bị giảm tại các trạm thu phí hoàn vốn, thêm vào đó, Nhà nước thu hồi 1.180 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ đã bố trí cho dự án, mất nguồn thu tại trạm thu phí Nam Hải Vân, vướng mắc về thu phí tại trạm thu phí La Sơn - Túy Loan do tiến độ hoàn thành dự án không bảo đảm.

Đặc biệt, nhà đầu tư không thu phí theo mức giá quy định tại hợp đồng dự án do Bộ GTVT ban hành Thông tư 35/2016/TT-BGTVT, trong đó không quy định mức giá tối đa đối với dịch vụ sử dụng hầm đường bộ, là loại hình công trình có suất đầu tư cao hơn rất nhiều so các loại hình công trình giao thông khác, người dân có quyền lựa chọn (đi qua hầm trả phí, đi qua đèo không mất phí); mức giá bị khống chế mức trần không hợp lý và không có cơ sở áp dụng.

Để giải quyết những khó khăn trên, trong thời gian vừa qua, nhà đầu tư đã chủ động sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu để chi trả dòng tiền vay tín dụng tại ngân hàng, tuy nhiên, Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả thừa nhận việc này chỉ là giải pháp ngắn hạn để giải quyết một phần khó khăn.

“Về lâu dài, với các yếu tố làm ảnh hưởng đến sụt giảm nguồn thu, gây ra nợ xấu và với cách giải quyết kéo dài, thiếu cụ thể của Bộ GTVT như hiện nay sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp việc đầu tư dự án và các dự án BOT hiện nay”, lãnh đạo Công ty Đèo Cả đánh giá.

Trước đó, ngày 21-12-2018, Bộ GTVT ban hành Thông tư số 60/TT-BGTVT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT, quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ quản lý, có hiệu lực từ ngày 3-2-2019.

Thông tư quy định, xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải khách công cộng có mức phí tối đa 110 nghìn đồng/vé/lượt; xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi, xe tải từ 2 tấn đến dưới 4 tấn 160 nghìn đồng/vé/lượt; xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe tải từ 4 tấn đến dưới 10 tấn 200 nghìn đồng/vé/lượt; xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn, xe chở hàng bằng container 20 feet là 210 nghìn đồng/vé/lượt; xe tải từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40 feet là 280 nghìn đồng/vé/lượt.