Vừa qua, trong tài liệu gửi tới Quốc hội và các đại biểu Quốc hội để phục vụ Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã xin ý kiến Quốc hội về báo cáo của Bộ GTVT liên quan đến 8 dự án BOT (BOT: xây dựng - kinh doanh - chuyển giao, là 1 trong 5 loại hợp đồng dự án thực hiện theo phương thức đối tác công tư - PPP) do Bộ này quản lý.
Theo đó, Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ về khó khăn, vướng mắc của 8 dự án BOT giao thông hiện đang gặp khó khăn về doanh thu, khó cân đối phương án tài chính; đồng thời đề xuất giải pháp xử lý bao gồm: Bố trí vốn nhà nước để thanh toán cho nhà đầu tư, ngân hàng tín dụng và chấm dứt hợp đồng trước hạn đối với 5 dự án (tức là dùng tiền nhà nước để mua lại của nhà đầu tư BOT); sửa đổi hợp đồng, bổ sung vốn nhà nước đối với 3 dự án còn lại. Dự kiến, tổng mức vốn nhà nước để xử lý vướng mắc tại 8 dự án BOT khoảng 10.342 tỷ đồng (giá trị cập nhật đến tháng 3/2023).
Chưa có cơ chế dùng vốn ngân sách mua lại tài sản tư
Theo đề xuất này, 5 dự án được đề xuất Nhà nước mua lại gồm: Dự án tuyến tránh phía Tây TP Thanh Hóa; dự án xây dựng cầu đường sắt Bình Lợi, dự án xây dựng đường Thái Nguyên - Chợ Mới và cải tạo nâng cấp Quốc lộ 3, dự án đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, dự án cải tạo Quốc lộ 91 TP Cần Thơ; Ba dự án dự kiến sửa đổi hợp đồng, bổ sung vốn nhà nước gồm: Dự án BOT cầu Ba Vì - Việt Trì, dự án BOT cầu Thái Hà, dự án BOT hầm Đèo Cả.
Đây là những dự án BOT gặp khó khăn do khách quan. Thí dụ, dự án xây dựng cầu đường sắt Bình Lợi không thể thu phí tại các cảng đường sông do có điều chỉnh quy hoạch; dự án đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên bị sụt giảm doanh thu do đầu tư tuyến tránh thị xã Buôn Hồ; dự án cải tạo Quốc lộ 91 TP Cần Thơ bị sụt giảm doanh thu do đầu tư cầu Vàm Cống và tuyến đường vành đai phía Tây TP Cần Thơ và đường tỉnh 922…
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) cũng đề xuất Nhà nước mua lại các dự án BOT này. Theo vị đại biểu, với lợi thế là thành phần kinh tế có tính chất dẫn dắt và có khả năng sửa chữa các “khuyết tật” của kinh tế thị trường, lại có lợi thế tuyệt đối so với các nhà đầu tư khác về thời hạn thu hồi vốn, kinh tế nhà nước cần là nhà đầu tư chính cho các hạ tầng giao thông chiến lược; trong đó, mua lại các dự án BOT giao thông đang gặp khó là việc nên làm.
Dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn dài 64 km, tổng chi phí đầu tư từ 128.000 - 461.000 đồng. Theo dự kiến, thời gian thu phí của tuyến cao tốc này là 17 năm (từ 2020 - 2037). Tuy nhiên, từ tháng 2/2020 đến nay mới đạt khoảng 30% phương án tài chính (Dự án này bị thay đổi chủ đầu tư, sau đó UBND tỉnh Lạng Sơn cam kết hỗ trợ 2.000 tỷ đồng tuy nhiên chưa thực hiện được, ngân hàng cũng ngừng giải ngân tín dụng… - PV), ông Thịnh dẫn chứng.
Tại phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội đối với các thành viên Chính phủ chiều 6/11, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam đã chất vấn Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc về cơ sở để thực hiện đề xuất Nhà nước mua lại các dự án BOT nói trên.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính trả lời rằng, hiện nay trong thiết kế của Luật Quản lý tài sản công chưa có hình thức mua lại các tài sản tư để đưa về tài sản công như trường hợp mua các trạm BOT này. “Thẩm quyền xử lý việc này chỉ có Quốc hội vì Quốc hội là người ban hành luật thì có thể Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết, còn hiện nay hình thức này chưa có”.
Tìm giải pháp gỡ khó cho 8 dự án BOT giao thông
Cũng tại phiên chất vấn chiều 6/1, sau khi Bộ trưởng Tài chính khẳng định như trên, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) chất vấn Bộ trưởng GTVT về tính khả thi của đề xuất dùng 10.342 tỷ đồng vốn nhà nước để xử lý vướng mắc tại 8 dự án BOT do Bộ này quản lý.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, cả 8 dự án này đều được triển khai trước khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) có hiệu lực. Ngoài vấn đề pháp lý, khó khăn của các dự án này còn liên quan đến tiềm lực của nhà đầu tư và cả các ngân hàng. Trong khi ngân hàng đề nghị nhà đầu tư hy sinh lợi nhuận thì nhà đầu tư lại đề nghị ngân hàng hy sinh lãi suất để bảo toàn và thu hồi vốn. Lãnh đạo ngành GTVT bảo lưu đề xuất (5 dự án đề nghị Nhà nước mua lại và 3 dự án đề nghị hỗ trợ vốn) và hy vọng trong thời gian sớm nhất Chính phủ sẽ trình Quốc hội tháo gỡ.
Lý do các dự án PPP chưa thu hút doanh nghiệp là do tình hình kinh tế trong nước và quốc tế khó khăn nên doanh nghiệp gặp khó; cả nước có 5,2 triệu ô-tô nhưng chủ yếu tập trung ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; cộng với lý do đầu tư trong lĩnh vực giao thông lợi nhuận không cao nhưng lại có nhiều rủi ro, tỷ lệ vốn nhà nước trong các dự án PPP tối đa 50% cũng chưa đủ hấp dẫn… Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng thừa nhận.
Bà Phạm Thúy Chinh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, tỷ lệ vốn nhà nước trong dự án PPP không phải vấn đề cốt yếu để thu hút đầu tư, thậm chí nếu quá tập trung vào việc nâng tỷ lệ vốn nhà nước trong dự án PPP sẽ dễ trở thành một hình thái khác của đầu tư công. Thay vào đó, Nhà nước sẽ mua lại các dự án trong trường hợp do lỗi của Nhà nước, bảo đảm cam kết về cân đối vốn và chia sẻ khi giảm doanh thu... Ngoài ra, bà Chinh cho rằng, cần tránh tình trạng chỉ chú trọng vào giai đoạn xây dựng công trình dự án mà chưa bao quát tới toàn bộ vòng đời dự án, kể cả việc vận hành, bảo trì, khai thác, cung cấp dịch vụ.
Trước mắt, để “cứu” 8 dự án BOT giao thông nói trên, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) cho rằng, rất khó để đòi hỏi chủ đầu tư hay ngân hàng hy sinh lợi nhuận vì họ đều là doanh nghiệp, đàm phán như vậy là không công bằng. Thay vào đó, ông Huân đề xuất dùng ngân sách được phân bổ của ngành giao thông để cơ cấu lại nguồn vốn cho các dự án BOT đang gặp khó khăn về dòng tiền. Nếu ngân sách không đủ, không làm được trong một lần thì có thể có lộ trình làm trong nhiều năm, nhiều lần.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, PGS, TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng, về lý thuyết thì nhà đầu tư tham gia dự án BOT phải tuân thủ nguyên tắc thị trường là “lời ăn, lỗ chịu”.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng, nếu trong trường hợp có sự thay đổi về quy hoạch hoặc dự án gặp khó khăn do lỗi của Nhà nước thì đó là trách nhiệm của Nhà nước. Phải hết sức cân nhắc trước khi làm các đường song song với đường BOT để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư. Phải có những con số cụ thể chứ không thể đánh giá chung chung rồi đề xuất Nhà nước mua lại. Sau khi xác định được mức độ thiệt hại, Nhà nước cũng có nhiều phương pháp để hỗ trợ doanh nghiệp như điều chỉnh phí thu, điều chỉnh thời hạn hợp đồng dự án PPP, giảm thuế, ưu đãi tín dụng hay công cụ tài chính khác,… chứ không nhất thiết phải mua lại dự án.