Điều chỉnh 13 dự án BOT đường bộ, giảm thời gian thu phí gần 100 năm

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã hoàn thành quyết toán từng phần hoặc toàn bộ giai đoạn xây dựng đối với 21 dự án BOT; trong đó, có 19 dự án đường bộ và hai dự án hàng hải. Đối với 13 dự án BOT, đã giảm thời gian thu phí tổng cộng 92 năm ba tháng.

Trạm thu phí BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ từng "dính" nghi vấn không minh bạch trong thu phí.
Trạm thu phí BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ từng "dính" nghi vấn không minh bạch trong thu phí.

Điều chỉnh mức đầu tư, thời gian thu phí

Theo Phó Vụ trưởng Đối tác công - tư (PPP - Bộ GTVT) Vũ Tuấn Anh, quá trình triển khai, bước lập dự án đầu tư không thể tính chính xác chi phí thực tế sẽ đầu tư. Theo quy định, tổng mức đầu tư (TMĐT) xây dựng công trình là chi phí dự tính của dự án, là cơ sở để chủ đầu tư lập kế hoạch và quản lý vốn thực hiện đầu tư công trình. Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng cho phép xây dựng TMĐT trên cơ sở ước tính từ suất đầu tư trung bình 1km đường nhân với chiều dài tuyến. Khi đàm phán ký hợp đồng BOT với các nhà đầu tư, Bộ GTVT sử dụng TMĐT để tạm thời xác định thời gian thu phí. Công trình hoàn thành, sẽ quyết toán xây dựng giai đoạn 1, cập nhật các số liệu đã được thanh tra, kiểm toán, tính toán lại thời gian thu phí để ký với nhà đầu tư làm cơ sở thu phí sau này. Việc TMĐT giảm sau quyết toán, cùng với việc cập nhật lại lưu lượng xe thực tế, các thông số tài chính liên quan,... sẽ làm thay đổi thời gian thu phí so với dự toán trước đây. Theo kế hoạch, đến ngày 30-6 tới, Bộ GTVT phấn đấu hoàn thành quyết toán đối với 33 dự án BOT còn lại.

Thời gian qua, Bộ GTVT đã rà soát các dự án BOT theo đúng trình tự quy định của pháp luật và hợp đồng BOT trên nguyên tắc có kiểm toán độc lập hoặc Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan thanh tra, sau đó lấy giá trị cuối cùng để quyết toán dự án, tính toán lại hợp đồng và thời gian thu phí. Đối với 21 dự án BOT đã hoàn thành quyết toán toàn bộ và từng phần, có 13 dự án giảm thời gian thu phí tổng cộng 92 năm ba tháng. Dự án điều chỉnh giảm thời gian thu phí nhiều nhất là công trình BOT quốc lộ 1 tuyến tránh TP Thanh Hóa, giảm tới 20 năm một tháng. Công trình có TMĐT phê duyệt ban đầu 822 tỷ đồng, hoàn vốn trong 27 năm tám tháng. Sau khi hoàn thành quyết toán, TMĐT giảm hơn 100 tỷ đồng (còn 718 tỷ đồng), thời gian thu phí chỉ còn bảy năm bảy tháng. Một dự án khác là BOT nâng cấp quốc lộ 10 (đoạn Tân Đệ - La Uyên) do Công ty cổ phần Tasco là nhà đầu tư, có TMĐT ban đầu hơn 311 tỷ đồng, thời gian thu phí hơn 21 năm. Sau khi quyết toán, điều chỉnh thời gian thu phí còn 11 năm, giảm chín năm sáu tháng. Dự án BOT cầu Cổ Chiên, tiến độ thực hiện vượt kế hoạch, không phải sử dụng lãi vay, không sử dụng chi phí dự phòng 25 đến 30%, cho nên đã giảm thời gian thu phí từ 16 năm xuống còn 10 năm,…

Phó Vụ trưởng Vũ Tuấn Anh cho biết, trong số 19 dự án BOT đường bộ, có sáu dự án phải kéo dài thời gian thu phí với tổng số 24 năm năm tháng. Trong đó, dự án cầu Mỹ Lợi (quốc lộ 50) tăng thời gian nhiều nhất là 16 năm hai tháng (từ 28 năm bốn tháng lên 44 năm sáu tháng); dự án cầu Yên Lệnh (quốc lộ 38) kéo dài bốn năm ba tháng (từ 17 năm một tháng lên 21 năm bốn tháng); dự án quốc lộ 18 đoạn Uông Bí - Hạ Long từ 16 năm bốn tháng lên 19 năm bốn tháng,…. Nguyên nhân các dự án này phải kéo dài thời gian thu phí chủ yếu do lưu lượng xe sụt giảm so với dự báo và doanh thu thực tế thấp hơn nhiều so với phương án tài chính trong hợp đồng BOT, nhất là dự án BOT cầu Mỹ Lợi và dự án BOT cầu Yên Lệnh. Cầu Mỹ Lợi nối tỉnh Long An với tỉnh Tiền Giang, TMĐT ban đầu 1.300 tỷ đồng, sau khi quyết toán, giảm xuống còn 1.071 tỷ đồng. Tại thời điểm này, do các khu công nghiệp trên địa bàn hai tỉnh chưa hình thành, dự án quốc lộ 50 phải dừng lại do khó khăn về kinh phí, dẫn tới lưu lượng xe qua cầu không đạt như tính toán ban đầu, chỉ bằng khoảng 60% dự báo. Hiện nay, trung bình mỗi tháng, nhà đầu tư phải bỏ ra khoảng ba tỷ đồng để bù tiền trả lãi vay cho ngân hàng và chi phí vận hành. Nếu lượng xe tiếp tục không tăng trưởng như dự báo, nhà đầu tư sẽ phải bù lỗ phần lãi vay ngân hàng trong vòng 17 năm tới. Vừa qua, Đoàn giám sát Quốc hội sau khi kiểm tra dự án đã ghi nhận, đây là một trong những trường hợp rủi ro của các dự án BOT mà nhà đầu tư cần phải đánh giá được, nếu không sẽ thất bại và lâm vào tình trạng nợ nần.

Bảo đảm hài hòa lợi ích các bên

Trong hợp đồng BOT có quy định lộ trình tăng giá đã được Chính phủ và Bộ Tài chính chấp thuận, sau ba năm sẽ điều chỉnh lên 18%, bình quân 6%/năm theo chỉ số CPI. Hiện nay, kinh tế vĩ mô ổn định hơn, Chính phủ đã có Nghị quyết đề nghị các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu phương án giảm giá cho các doanh nghiệp, tạm thời chưa xem xét việc tăng giá. Tại các dự án BOT, Bộ GTVT sẽ cùng nhà đầu tư rà soát lại lưu lượng xe, doanh thu, cập nhật các chi phí,… để đưa ra thời gian thu phí chuẩn xác. Cứ sau ba năm, sẽ tính toán lại thời gian thu phí, trong ba năm cuối cùng rà soát mỗi năm một lần, riêng năm cuối sẽ rà soát mỗi quý một lần, nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên. Theo thông lệ quốc tế, khi ký hợp đồng với nhà đầu tư nước ngoài, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải quy định “cứng” về giá và lộ trình tăng giá, nhằm bảo đảm phương án tài chính của dự án. Trong tương lai, khi triển khai dự án đầu tư đường cao tốc bắc - nam theo phương thức PPP, Bộ GTVT đã đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội một số cơ chế bảo đảm các yếu tố đầu vào nhằm hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài tham gia. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận về nguyên tắc một số cơ chế nhằm tháo gỡ khó khăn trong công tác quyết toán các dự án BOT trong giai đoạn trước. Khung pháp lý thời điểm trước đây so với hiện nay đã khác nhau rất lớn. Trước đây, theo Nghị định 77/1997/CP và Nghị định 78/2007/NĐ-CP của Chính phủ, quy định TMĐT không bao gồm lãi vay, nhưng trong phương án tài chính của các hợp đồng ký theo hai nghị định này vẫn đưa lãi vay vào trong thời gian thu phí (ngay trong nghị định đã có xung đột nội bộ). Đến khi Nghị định 108/2009/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức BOT ra đời, đã quy định rõ TMĐT bao gồm lãi vay, lãi vay cũng nằm trong thời gian hoàn vốn, bảo đảm quyền lợi và trách nhiệm của nhà đầu tư.

Thời gian qua, dư luận tỏ ra nghi vấn về hiện tượng tiêu cực tại một số dự án BOT, phản ứng vị trí đặt trạm BOT cũng như mức thu phí chưa hợp lý. Cuối năm 2016, Thanh tra Bộ GTVT công bố thông tin: Dự án BOT hầm đường bộ qua Đèo Ngang được xác định đã thu phí vượt quá thời gian hai năm. Trước thông tin này, đại diện Hiệp hội Vận tải Ô-tô Việt Nam cho rằng, việc Bộ GTVT để dự án thu phí quá hai năm dù bất cứ lý do gì cũng thể hiện công tác quản lý lỏng lẻo. Sự việc đáng ra phải được phát hiện trước, thông qua công tác quản lý thường xuyên, phải để đến khi thanh tra mới phát hiện là rất có vấn đề.

Một số chuyên gia cũng nhận định, hàng loạt dự án BOT giảm thời gian thu từ vài năm lên đến 20 năm cho thấy việc lập dự án, dự toán cho dự án BOT còn dễ dãi. Nhà đầu tư lập dự án không chính xác, dự báo tăng trưởng phương tiện không sát. Từ tình trạng này, tiềm ẩn nhiều “lỗ hổng”, xảy ra bất cập không đáng có, chưa nói có thể dẫn đến tiêu cực, trục lợi trong quá trình thực thi. Tại cuộc họp Ban Cán sự Bộ GTVT chưa lâu, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa đã yêu cầu các đơn vị chức năng quyết liệt hơn trong việc quyết toán các công trình BOT vì thông qua quyết toán, mới giải tỏa được bức xúc của xã hội, minh bạch hóa và đưa các dự án BOT theo đúng quỹ đạo. Mới đây nhất, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã giao Bộ GTVT tiếp tục chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan rà soát lại việc bố trí các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ BOT trên toàn quốc, có phương án giải quyết thỏa đáng quyền và lợi ích của người dân khu vực lân cận các trạm. Trong quá trình thực hiện nếu gặp khó khăn, vướng mắc, Bộ GTVT đề xuất biện pháp xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.