30 năm quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc: Hướng tới “đối tác chiến lược toàn diện”

NDO - Nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hàn Quốc, sáng 29/11, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Hội đồng Nghiên cứu quốc gia về kinh tế, khoa học xã hội và nhân văn Hàn Quốc tổ chức Hội thảo: “30 năm quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc và hơn thế nữa: Những vấn đề nhân văn”.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sĩ Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch phụ trách điều hành Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam-Hàn Quốc đang đứng trước những vận hội phát triển mới đầy triển vọng. Những thành tựu tốt đẹp của lịch sử 30 năm hợp tác, sự tương đồng về lợi ích chiến lược giữa hai bên sẽ là động lực để hướng tới nâng tầm quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc; thắt chặt hơn nữa sự gắn kết giữa hai dân tộc, hai quốc gia vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, phồn vinh, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.

30 năm quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc: Hướng tới “đối tác chiến lược toàn diện” ảnh 1

Tiến sĩ Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch phụ trách điều hành Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo.

Hội thảo có 3 phiên chính, phiên 1: Hợp tác Việt Nam-Hàn Quốc trong nghiên cứu văn hóa và lịch sử; phiên 2: Hợp tác Việt Nam-Hàn Quốc trong giáo dục; phiên 3: Hợp tác Việt Nam-Hàn Quốc trong giải quyết các vấn đề xã hội: di cư vì hôn nhân.

Đánh giá hợp tác nghiên cứu lịch sử giữa hai nước Việt Nam-Hàn Quốc, Tiến sĩ Trần Thị Phương Hoa, Phó Viện trưởng phụ trách, Viện Sử học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, lịch sử của Việt Nam và Hàn Quốc đã chứng kiến thực tiễn sống động về sự giao lưu giữa con người, văn hóa, sản vật, các quá trình vận động xã hội. Bên cạnh đó, sự tương đồng về văn hóa, chính trị qua các giai đoạn lịch sử từ cổ trung đại đến đương đại tạo tiền đề cho những so sánh, đối chiếu, là nguyên liệu cho các nền tảng trao đổi học thuật. Trong hợp tác nghiên cứu lịch sử, những năm gần đây, các nhà sử học của hai bên đã vạch ra được một khung nghiên cứu chung và đưa ra những hướng tiếp cận về nội dung cũng như phương pháp, ngoài ra cũng đưa ra những mục tiêu học thuật có ứng dụng thực tiễn phù hợp xu thế phát triển của khoa học lịch sử hiện nay.

Bàn về đào tạo tiếng Hàn và Hàn Quốc học tại Việt Nam, Tiến sĩ Lê Thị Thu Giang, Trưởng Khoa Đông Phương học, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, để ngành đào tạo tiếng Hàn, Hàn Quốc học có thể phát triển được lâu dài cần nhiều nỗ lực từ nhiều phía. Tuy nhiên, với vai trò định hướng phát triển xã hội, các trường đại học cần chủ động tìm ra những phương thức phát triển phù hợp; cần có một tư duy, cách tiếp cận, định hướng mới cho giai đoạn phát triển mới. Có như vậy, giáo dục tiếng Hàn, Hàn Quốc học của Việt Nam mới có thể tạo được sức cạnh tranh và phát triển như một trung tâm đào tạo và nghiên cứu về Hàn Quốc của khu vực.

Tại hội thảo, các nhà khoa học của cả hai nước đã tích cực trao đổi để cùng đưa ra các sáng kiến thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa hai nước Việt Nam-Hàn Quốc trong các lĩnh vực văn hóa, lịch sử, giáo dục; đồng thời đề xuất các giải pháp cho các vấn đề xã hội nảy sinh trong quan hệ hai nước hiện nay.