Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trần Thanh Mẫn ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của Vườn ươm trong quá trình vận hành. Ðây là mô hình mới phù hợp định hướng phát triển khoa học công nghệ không chỉ riêng cho thành phố Cần Thơ mà còn hỗ trợ cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng chí Trần Thanh Mẫn lưu ý, thành phố Cần Thơ cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ hoạt động của Vườn ươm, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ ươm tạo. Các vấn đề thuộc thẩm quyền Trung ương cần tiếp tục tham mưu, đề xuất đến cấp thẩm quyền để tìm hướng tháo gỡ.
Vườn ươm cần chủ động thu hút mời gọi các doanh nghiệp Hàn Quốc vào ươm tạo, đầu tư tại Cần Thơ; tăng cường quan hệ với các tỉnh trong vùng để khai thác ươm tạo các lĩnh vực thế mạnh về nông, thủy sản, máy móc thiết bị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP gắn với mở rộng thị trường; quan tâm đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Vườn ươm, khai thác lợi thế từ hoạt động ươm tạo…
Dự án Vườn ươm Công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc được Chính phủ Hàn Quốc và Việt Nam triển khai năm 2011 và khánh thành vào năm 2015. Đây là kết quả của chương trình hợp tác toàn diện giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc nhằm mục đích ươm tạo và phát triển công nghệ, hỗ trợ nghiên cứu phát triển các ngành có lợi thế cạnh tranh của thành phố Cần Thơ bao gồm công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp chế biến thủy sản và công nghiệp cơ khí chế tạo máy nông nghiệp.
Đến nay, Vườn ươm đã và đang hỗ trợ 11 doanh nghiệp tham gia ươm tạo; triển khai thực hiện 2 nhiệm vụ khoa học-công nghệ cấp thành phố và thực hiện các cải tiến công nghệ, giúp các cơ sở sản xuất kinh doanh hoàn thiện sản phẩm cũng như quy trình công nghệ chế biến.
Vườn ươm đã tham gia nhiều hội thi sáng tạo kỹ thuật thành phố Cần Thơ và đạt các giải thưởng cao. Vườn ươm còn liên kết với các trường đại học trong khu vực thực hiện các ứng dụng khoa học công nghệ, các đề tài khoa học có tính ứng dụng cao và hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu ươm tạo…