Đến với điểm trường chính của Trường mầm non Kim Nọi (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái), chúng tôi đã vô cùng ngạc nhiên. Không chỉ có cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp, mái trường này còn được trang bị nhiều mô hình học tập STEM hấp dẫn, đầy sắc màu dành cho học sinh.
Giờ học STEM ở vùng cao
Giờ học STEM tại Trường mầm non Kim Nọi luôn tràn ngập trong không khí vui tươi, hào hứng. Từ những bài học đơn giản như tự làm đồ chơi, dụng cụ học tập bằng nguyên liệu thiên nhiên, các em nhỏ người dân tộc thiểu số còn được tham gia hàng loạt hoạt động bổ ích như: giao lưu văn hóa, chợ phiên vùng cao giả định…
Học sinh Trường mầm non Kim Nọi trải nghiệm phương pháp STEM qua hoạt động chợ phiên giả định. |
Môi trường giáo dục hiệu quả, an toàn đó có được một phần không nhỏ là nhờ những nỗ lực của cô giáo Đỗ Thị Loan, Phó Hiệu trưởng nhà trường. Ở huyện vùng cao Mù Cang Chải nói riêng và toàn tỉnh Yên Bái nói chung, cô luôn được đồng nghiệp biết tới như một “cây sáng kiến” với nhiều ý tưởng phát triển giáo dục mầm non được chính quyền, ngành giáo dục công nhận, phụ huynh học sinh đánh giá cao.
Chỉ tính riêng năm vừa qua, cô giáo sinh năm 1984 đã có 2 sáng kiến về tăng cường sử dụng tiếng Việt trong giáo dục trẻ mầm non và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mông trong môi trường mầm non, được Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái công nhận, tiến tới áp dụng rộng rãi trên toàn tỉnh.
Các sáng kiến của cô Đỗ Thị Loan luôn gắn liền với các phương pháp học tập, giáo dục STEM tiên tiến. Qua đó, trẻ mầm non được thỏa sức sáng tạo, làm quen với các ngành nghề thủ công mang đậm bản sắc vùng cao, tự tay tạo nên những món đồ dùng, đồ chơi mang tính giáo dục, nghệ thuật.
Từ năm học 2010-2011 đến nay, đã 11 năm liên tiếp cô giáo Đỗ Thị Loan đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp trường, 5 lần đạt Giáo viên dạy giỏi cấp huyện, 3 lần đạt Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 2 lần được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái tặng Bằng khen, 1 lần được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen vì những thành tích xuất sắc, cống hiến tiêu biểu cho sự nghiệp giáo dục.
Các em nhỏ vùng cao hồ hởi chuẩn bị cho 1 tiết mục nghệ thuật mang bản sắc, văn hóa vùng cao. |
Không chỉ có vậy, cô còn thường xuyên tìm kiếm, kết nối các nhà hảo tâm, vận động nguồn lực xã hội để chăm lo cho học sinh, hỗ trợ xây dựng đường sá, bổ sung trang thiết bị học tập cho các ngôi trường vùng cao.
Với những nỗ lực kể trên, năm 2022, cô Đỗ Thị Loan đã trở thành 1 trong 68 giáo viên tiêu biểu, được tuyên dương tại chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp Tập đoàn Thiên Long tổ chức.
15 năm gieo chữ ở Mù Cang Chải
Ra trường năm 2007, ngay từ những ngày đầu nhận công tác, cô giáo trẻ Đỗ Thị Loan đã không khỏi bỡ ngỡ, thậm chí hụt hẫng khi được phân công làm giáo viên chủ nhiệm 1 lớp mẫu giáo tại ngôi trường có tới 3 cấp học là Tiểu học và Trung học Cơ sở La Pán Tẩn (huyện Mù Cang Chải).
“Điểm trường Trống Páo Sang nơi tôi nhận nhiệm vụ nằm cách điểm trường chính 5km. Để tới lớp, tôi và các đồng nghiệp cũng phải đi bộ vượt núi, băng rừng, chinh phục những dốc đá heo hút, dựng đứng. Mỗi khi trời mưa, dù đã đi ủng và làm đủ mọi cách, nhưng đôi chân các cô giáo đều sưng tấy vì lạnh và quãng đường quá xa”, cô Loan nhớ lại.
Ngày nào cũng vậy, cô giáo Đỗ Thị Loan và các đồng nghiệp cũng phải dậy từ sớm tinh mơ và chỉ trở về điểm trường chính khi trời đã tối mịt vì còn phải hỗ trợ học sinh về nhà an toàn. Với những điều kiện công tác nêu trên, rõ ràng mức lương 400 nghìn đồng/tháng không phải là động lực để các cô giáo trẻ vượt khó “cắm bản”.
Không giống như một số đồng nghiệp người địa phương, cô giáo người Kinh không hề biết tiếng địa phương khi nhận nhiệm vụ. Để khắc phục điều này, cô đã vừa học tiếng H'Mông, vừa vận dụng sáng tạo để áp dụng giáo án song ngữ vào giảng dạy và đã thành công trong việc tăng cường tiếng Việt để nâng cao hiệu quả lĩnh hội của học sinh.
Cô giáo Đỗ Thị Loan (áo đen, bên phải) hướng dẫn học sinh làm đồ chơi, dụng cụ học tập trong một giờ học STEM. |
Sau quãng thời gian công tác tại điểm Trường Trống Páo Sang, cô Đỗ Thị Loan nhận nhiệm vụ tại 1 ngôi trường gần huyện Mù Cang Chải hơn. Nói là gần, nhưng về cơ bản thì điều kiện công tác thực tế cũng không có nhiều cải thiện. Những chiếc xe gắn máy của các cô giáo thường xuyên phải bỏ lại giữa đường, vài ngày sau mới được mang về do trời mưa lớn hoặc đường xá sạt lở liên tục. Điểm trường không có nhà hiệu bộ, các cô phải sinh hoạt, ăn ở trong kho chứa đồ.
Năm 2015, cô Loan tiếp tục làm chủ nhiệm 1 lớp mẫu giáo ghép 3 độ tuổi ở điểm bản vùng sâu. Quãng đường học sinh của cô tới lớp rất xa, nói nôm na là các con đều ở hẳn trong rừng. Nhiều trường hợp phụ huynh không đồng ý cho con em tới trường, cô lại cùng các đồng nghiệp đến các lán, lều của đồng bào để vận động.
“Có những cô giáo mới vào nghề, phải dừng lại nghỉ rất lâu giữa đường đi vận động vì quá mệt, đã quay sang hỏi tôi rằng: “Chị ơi, liệu con dốc tới, chúng mình còn leo nổi không?” Mỗi lần như vậy, tôi lại cố gắng cười thật tươi và động viên: “Vì các con, cố lên em ơi!”, cô Đỗ Thị Loan hồi tưởng.
Trò chuyện với chúng tôi tại Trường mầm non Kim Nọi, cô giáo tâm huyết với nghiệp gieo chữ ở vùng cao chia sẻ: “15 năm qua, tôi cũng từng có lúc chùn bước. Nhưng nghĩ đến ánh mắt ngây thơ, nụ cười xinh xắn của các con, tôi lại gạt hết đi để tiếp tục con đường đã chọn. Tôi mong rằng, những sáng kiến của tôi sẽ ngày càng phát huy hiệu quả, góp 1 phần nhỏ phát triển sự nghiệp giáo dục nước nhà”.