Nền tảng nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng cao Hà Giang

Từ sự phù hợp, tính ưu việt của mô hình trường học bán trú đối với địa bàn vùng cao, ngành giáo dục Hà Giang đặt trọng tâm duy trì, củng cố hệ thống các trường bán trú và coi đây là cơ sở để nâng cao chất lượng giáo dục bền vững.

Học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Thuận Hòa, xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) đọc sách tại thư viện ngoài giờ lên lớp.
Học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Thuận Hòa, xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) đọc sách tại thư viện ngoài giờ lên lớp.

Năm 1986, tỷ lệ trẻ trong độ tuổi được đến trường ở xã vùng cao Sủng Thài, huyện Yên Minh rất thấp. Nguyên nhân là do điều kiện địa hình phức tạp, nhiều thôn xa trung tâm xã cho nên phần lớn số trẻ nhỏ ở nhà theo bố mẹ lên nương. Trước yêu cầu nâng cao trình độ dân trí, tạo nguồn cán bộ người địa phương, cấp ủy, chính quyền và ngành giáo dục huyện đã bàn bạc, thống nhất vận động người dân đưa học sinh từ các thôn vùng cao về trung tâm xã học bán trú. Trên cơ sở đó, ngày 5/4/1986, Trường nội trú dân nuôi xã Sủng Thài được thành lập.

Khi đó, việc thành lập trường nội trú dân nuôi là quyết định táo bạo bởi nhà trường còn khó khăn về cơ sở vật chất; Nhà nước cũng chưa có chính sách hỗ trợ cho học sinh bán trú cho nên việc nuôi dưỡng học sinh phụ thuộc hoàn toàn vào sự đóng góp của nhân dân. Tuy nhiên, với quyết tâm của chính quyền địa phương và nhà trường, năm học đầu tiên đã huy động được 64 học sinh theo học bán trú. Chính quyền và nhân dân cũng góp công, vật liệu để dựng nhà lưu trú; góp lương thực để nuôi học sinh. Dù thiếu thốn về cơ sở vật chất, lương thực, nhưng cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường đã vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ năm học. Ngay trong năm học đầu tiên, mô hình này được đánh giá cao vì đã tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh ở các thôn về trung tâm xã học tập mà không mất công đi lại hằng ngày. Tất cả học sinh là người dân tộc thiểu số khi đến trường ăn ở tập trung đã nâng cao kỹ năng giao tiếp bằng tiếng phổ thông.

Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Hà Giang Nguyễn Thế Bình cho biết: "Từ hiệu quả mô hình nội trú dân nuôi ở xã Sủng Thài được nhân rộng ra nhiều địa phương khác trong tỉnh. Sau này, Ðảng và Nhà nước quan tâm ban hành hàng loạt chính sách hỗ trợ học sinh bán trú trên cả nước. Mô hình nội trú dân nuôi được chuyển thành mô hình trường học bán trú với sự đầu tư bài bản về cơ sở vật chất trường, lớp học, nhà lưu trú, bếp ăn và các chính sách hỗ trợ học sinh bán trú".

Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học xã Sủng Thài (tiền thân là Trường nội trú dân nuôi Sủng Thài) giờ đây đã được đầu tư khang trang, sạch đẹp hơn trước. Nhà trường hiện có 1.192 học sinh, trong đó có 312 học sinh từ lớp 3 đến lớp 5 từ các thôn vùng sâu, vùng xa về học bán trú. Các em được hưởng chính sách ăn, ở cho nên gắn bó với trường, lớp. Ngoài giờ lên lớp, học sinh ở bán trú còn được các thầy giáo, cô giáo hướng dẫn tăng gia sản xuất như trồng rau xanh, nuôi lợn, gà để cải thiện bữa ăn và rèn luyện kỹ năng sống. Thầy Lê Ngọc Văn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Ngay từ đầu các năm học, nhà trường đã tuyên truyền tới nhân dân về các chế độ, chính sách đối với học sinh bán trú. Học sinh bán trú được chăm sóc tương đối toàn diện từ nơi ăn chốn ngủ, từ đó các em có điều kiện quan tâm việc học của mình hơn, chất lượng giáo dục của nhà trường cũng được nâng lên".

Em Giàng Mí Thắng, ở thôn Suối Tỷ, xã Sủng Thài, hiện đang là học sinh lớp 5A2 cho biết: "Nhà em cách trường hơn 12 km. Ðường từ nhà đến trường dốc núi cho nên khó khăn trong việc đi lại. Em đã được gia đình cho ra trường chính học tập từ năm học lớp 3, chỉ cuối tuần, bố mẹ đón về thăm gia đình, việc đến trường học tập của em thuận lợi hơn. Ăn, ở, học tại trường chính rất vui vì có nhiều bạn, được ăn ngon, các thầy cô quan tâm, chăm sóc cho nên em cũng vơi đi nỗi nhớ nhà, chuyên tâm học tập. Ngoài giờ học, em còn được vui chơi tập thể, đọc sách ở thư viện xanh, học cách chăm sóc cây và trồng rau, chăn nuôi lợn".

Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Thuận Hòa, xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên có 263 học sinh người dân tộc thiểu số đang học bán trú. Thời điểm hiện tại, một số thôn vùng cao trong xã Thuận Hòa đang bùng phát dịch Covid-19. Ðể bảo đảm cho học sinh trong trường không bị lây nhiễm từ người thân, nhà trường đã quyết định cho học sinh bán trú ăn, nghỉ tại trường cả thứ bảy, chủ nhật, chỉ về nhà vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần sắp tới. Cô Trần Thị Hương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Ðể bảo đảm chương trình học, tránh không để học sinh lây bệnh từ gia đình cho nên trường quyết định giữ các em ở lại cho đến khi nghỉ Tết Nguyên đán. Nhà trường cũng cử thêm lực lượng trực để chăm sóc và tuyên truyền cho các em về phòng, chống dịch. Phần lớn các em đều yên tâm học tập".

Ông Cháng Văn Hạ, ở thôn Khau Mèng, xã Thuận Hòa có con là Cháng Ðức Huy, học sinh lớp 3C cho biết: "Trên thôn dịch diễn biến phức tạp, cả thôn giờ đã có hơn 100 F0, do đó tôi đồng ý với nhà trường để cho cháu ở lại trường đến khi nào nghỉ Tết Nguyên đán mới về nhà. Tôi rất yên tâm vì cháu ở bán trú được các thầy, cô giáo chăm sóc, giúp đỡ".

Tại Hà Giang, do điều kiện địa hình phức tạp, nhiều thôn vùng cao cách xa trung tâm xã từ 10-20 km, việc đi lại, học tập của học sinh rất vất vả. Do đó, mô hình nội trú dân nuôi và hiện nay là mô hình trường học bán trú thật sự phù hợp. Học sinh được hưởng nhiều chế độ, chính sách khi học bán trú, từ đó giúp học sinh gắn bó với trường, lớp, nâng cao tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh Hà Giang cũng thực hiện đề án về việc chuyển học sinh tiểu học từ các điểm trường lẻ về trường chính học. Theo đó, hầu hết các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh đã chuyển học sinh từ lớp 3 đến lớp 5 về trường chính học bán trú. Trước năm 2016, toàn tỉnh có 1.183 điểm trường, đến năm học 2020-2021 đã giảm được 325 điểm trường. Việc làm này đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đối với bậc tiểu học; giảm áp lực về biên chế đối với giáo viên; giảm áp lực đầu tư tại các điểm trường và dồn lực đầu tư tập trung cho các trường chính.

Theo Phó Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Yên Minh Ðặng Thị Kim Hoa, hầu hết các em học sinh bán trú đều là người dân tộc thiểu số, sinh sống ở các thôn vùng cao, khi ra học bán trú các em nâng cao được kỹ năng giao tiếp, nói tiếng phổ thông. Tại nhiều địa phương, mô hình trường học bán trú còn góp phần giảm tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vì học sinh được các thầy cô chăm sóc, tuyên truyền nâng cao nhận thức. Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Hà Giang Nguyễn Thế Bình cho biết: "Với sự phù hợp, tính ưu việt của mô hình trường học bán trú, tỉnh Hà Giang đặt trọng tâm duy trì, củng cố hệ thống các trường bán trú và coi đây là cơ sở để nâng cao chất lượng giáo dục một cách bền vững". Từ nhận thức đó, những năm qua, tỉnh Hà Giang đã duy trì và củng cố mạng lưới trường học bán trú. Ðến nay, tỉnh đã có 13 trường phổ thông dân tộc nội trú và 182 trường phổ thông dân tộc bán trú (tiểu học và THCS). Tổng số trẻ, số học sinh học bán trú được hưởng chế độ, chính sách là hơn 85 nghìn học sinh.