Lô thịt gà đầu tiên lên đường xuất khẩu sang Nhật Bản
Sau 2 năm đi vào hoạt động, ngày 25/10/2022, Công ty TNHH CPV Food Bình Phước (CPV Food) thuộc C.P Việt Nam đã tổ chức Lễ công bố xuất khẩu lô thịt gà chế biến đầu tiên sang Nhật Bản.
Ông Montri Suwanposri, Tổng Giám đốc C.P. Việt Nam cho biết: “Việc xuất khẩu lô hàng đầu tiên sang Nhật Bản lần này đánh dấu sự thành công của chuỗi giá trị Feed–Farm-Food của CPV, bắt đầu hành trình đưa sản phẩm gà chế biến của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản, và tiếp tục xuất khẩu ra thị trường nước ngoài”.
Lô thịt gà đầu tiên xuất khẩu sang Nhật Bản có số lượng 33,6 tấn. Dự kiến C.P. sẽ xuất khẩu hơn 80 tấn sản phẩm trong 2 tháng cuối năm 2022 và khoảng 4.500 tấn trong năm 2023.
Theo hãng tin Bloomberg, trong hơn 10 năm qua, thịt gà đã soán ngôi vương của thịt bò và thịt lợn để trở thành nguồn protein số 1 thế giới và tình trạng này tiếp tục tăng nhanh thời lạm phát.
Ước tính, năm 2022, tổng mức tiêu thụ thịt gà đã lên đến 98 triệu tấn, cao gấp đôi so với thời năm 1999. Tốc độ tăng trưởng tiêu thụ thịt gà cao gấp 3 lần so với thịt lợn và 10 lần so với thịt bò.
Do đó, việc đẩy mạnh xuất khẩu thịt gà ra thế giới đang là đích đến của nhiều doanh nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam. Và CPV Food là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong hành trình chế biến, xuất khẩu thịt gà sang thị trường Nhật Bản và nhiều quốc gia khó tính khác.
Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Nhật Bản hiện là thị trường nhập khẩu thịt gà lớn thứ ba trên thế giới (sau Trung Quốc và Nga). Mỗi năm, Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn thịt gà.
Với việc Công ty C.P. Việt Nam xuất khẩu thành công lô thịt gà đầu tiên vào thị trường này đã rộng thêm cánh cửa cho thịt gà Việt Nam đi các thị trường khó tính.
Cũng theo Cục Thú y thì đến tháng 10/2022, tổng cộng đã có 7 quốc gia, vùng lãnh thổ bao gồm Nhật Bản, Hồng Kông, Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan chấp nhận và cho phép nhập khẩu thịt gà chế biến của Việt Nam. Tính trung bình mỗi năm Việt Nam đang xuất khẩu được khoảng 4.500 tấn thịt gà chế biến sang các nước.
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: “Đến năm 2022, tổng đàn gia cầm của Việt Nam đã đạt hơn 520 triệu con, đàn heo đạt hơn 28 triệu con, đàn gia súc ăn cỏ hơn 12 triệu con, sản lượng trứng hơn 17 tỷ quả; kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi đạt hơn 1 tỷ USD, góp phần quan trọng vào thành tích xuất khẩu của ngành nông nghiệp dự kiến đạt trên 55 tỷ USD trong năm 2022”.
Cánh cửa mở nhưng không dễ vào
Tín hiệu vui là thế, song, để có thể xuất khẩu thịt gà sang các thị trường lớn không phải là điều dễ dàng.
Đơn cử, để có thể đưa thịt gà vào thị trường Nhật Bản, từ khi khai trương và đi vào hoạt động CPV Food vào tháng 12/2020 đến nay, doanh nghiệp này luôn cam kết truy xuất nguồn gốc 100% toàn bộ chuỗi cung ứng từ nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đến chế biến sản phẩm, thực hiện các tiêu chuẩn thực hành tốt nhất ở trình độ thế giới như môi trường và phúc lợi động vật… đáp ứng tất cả các tiêu chí khắt khe của Nhật Bản và các nước nhập khẩu khác.
Bên cạnh đó, C.P Việt Nam đã thông qua việc hợp tác với Tập đoàn ITOCHU để hiểu rõ về các yêu cầu của thị trường.
Cần đầu tư để đẩy mạnh xuất khẩu thịt gà thời gian tới. |
Ông Chamnan Wangakkarankul, Phó Tổng Giám đốc điều hành, Phụ trách ngành Kinh doanh Thực phẩm C.P. Việt Nam cho hay, các chỉ tiêu của thị trường Nhật Bản rất nghiêm ngặt và để đáp ứng được không phải dễ dàng.
C.P. Việt Nam và phía Nhật Bản đã hợp tác rất chặt chẽ, cho tới bây giờ sản phẩm mới xuất khẩu thành công và phía bên Nhật Bản đã chấp nhận sản phẩm cả về chất lượng và tiêu chuẩn.
Năm nay, công ty xuất khẩu sang Nhật Bản, năm sau sẽ xuất khẩu sang Hàn Quốc và sau đó sẽ xuất khẩu sang Anh và EU.
Ông Tsuyoshi Kozuki, Phó Tổng Giám đốc Kinh doanh Tập đoàn Itochu, Nhật Bản chia sẻ thêm, tại Nhật Bản, hiện nhập khẩu thịt gà tươi chủ yếu từ Thái Lan và Brazil. Đối với sản phẩm thịt gà chế biến thì đang nhập từ Thái Lan và Trung Quốc.
Việt Nam hiện vẫn còn là một đối tác mới của thị trường Nhật. Ở Nhật, người tiêu dùng có nhu cầu sử dụng các sản phẩm thịt gà chế biến như gà tẩm bột chiên... và đây là điều các doanh nghiệp cần tìm hiểu để có thể xuất khẩu thành công sang thị trường.
Ở thị trường trong nước, với ngành hàng thịt gà, khâu chăn nuôi rất tốt nhưng cả nước còn ít cơ sở giết mổ, chế biến ở mức trung bình đến tiên tiến, phân phối hầu hết vẫn thị trường trong nước.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai chia sẻ, không phải muốn xuất khẩu thịt gà là làm được ngay mà cần thời gian, đáp ứng nhiều yếu tố về an toàn vệ sinh thực phẩm, tiêu chuẩn, điều kiện của nước nhập khẩu.
Bên cạnh đó, muốn xuất khẩu thịt gà thì phải có nhà máy giết mổ đạt chuẩn quốc tế, kho lạnh, quy trình làm lạnh, cấp đông đạt kỹ thuật quốc tế. Chưa kể vùng chăn nuôi phải bảo đảm không có dịch bệnh.
Vì vậy, cần phải có thêm những doanh nghiệp đầu tư thêm nhà máy chế biến thịt gà và mở rộng được thị trường quốc tế mới khắc phục được tất cả những bất cập để ngành chăn nuôi gia cầm của Việt Nam phát triển hơn trong tương lai.