Hòa Bình hướng tới xuất khẩu mía bền vững ra thị trường thế giới

NDO - Tỉnh Hòa Bình thực hiện đề án thay thế giống mía tím bằng phương pháp nuôi cấy mô đã mang lại hiệu quả về kinh tế cao cho người trồng mía. Năng suất, chất lượng cao, mẫu mã đẹp hơn so với giống mía cũ, 1ha trồng mía tím bằng giống nuôi cấy mô cho lợi nhuận cao hơn cách trồng truyền thống từ 50-70 triệu đồng. Nhờ đó, tỉnh đã từng bước xuất khẩu mía ra thị trường thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân xã Tử Nê, huyện Tân Lạc, Hòa Bình đang thu hoạch mía.
Người dân xã Tử Nê, huyện Tân Lạc, Hòa Bình đang thu hoạch mía.

Hiện, tổng diện tích canh tác cây mía toàn tỉnh Hòa Bình có 7.130ha, năng suất bình quân 72 tấn/ha, tổng sản lượng 513.185 tấn. Trong đó, diện tích mía ăn tươi là hơn 6.000ha.

Trong tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất mía tươi chủ lực, có chất lượng tốt và thương hiệu trên địa bàn các huyện như: Cao Phong, Tân Lạc, Lạc Sơn, Kim Bôi... Hằng năm giá mía thương phẩm khá ổn định và ở mức cao, thu nhập bình quân từ 200 đến 250 triệu đồng/ha. Năm 2021-2022, tỉnh Hòa Bình đã xuất khẩu 87 tấn mía trắng sang thị trường EU, Hàn Quốc. Từ nay đến hết năm 2022 tỉnh tiếp tục xuất khẩu thêm khoảng 300 tấn mía.

Mục tiêu trọng tâm của ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình trong các năm tới là tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản chất lượng cao của tỉnh, trong đó có sản phẩm mía. Tuy nhiên, để có vùng nguyên liệu mía ăn tươi bền vững cung cấp cho nhu cầu chế biến, xuất khẩu của các doanh nghiệp, đơn vị trong và ngoài tỉnh đòi hỏi ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình phải có một lộ trình bài bản, áp dụng khoa học kỹ thuật cao từ khâu chăm sóc đến khâu thu hoạch chế biến sản phẩm từ cây mía đáp ứng được các quy định khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm của các thị trường quốc tế.

Theo ông Phạm Ngọc Thức, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp hữu cơ FUSA (Hải Dương), đơn vị liên kết với Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư thương mại Tiến Ngân (thành phố Hòa Bình) xuất khẩu mía cấp đông sang thị trường EU cho biết, để có thể xuất khẩu sang thị trường các nước Đức, Hà Lan thì sản phẩm mía của Hòa Bình cần phải đáp ứng đủ các tiêu chí về an toàn thực phẩm. Chất lượng mía phải đồng đều và việc chăm sóc mía của nông dân phải đạt quy chuẩn.

Cùng với đó, sản phẩm mía trắng của Hòa Bình trên thị trường chưa có thương hiệu, vì thế phải xây dựng được thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mía trắng và đặc biệt phải có diện tích kho lạnh bảo đảm đủ để dự trữ nguyên liệu phục vụ cho xuất khẩu.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình Đinh Công Sứ yêu cầu các sở, ngành, đơn vị chức năng cần tăng cường phối hợp, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã để thực hiện hiệu quả các giải pháp từng bước nâng cao giá trị của cây mía, tăng thu nhập cho nông dân và phát triển bền vững vùng nguyên liệu mía tươi của tỉnh. Tổ chức thực hiện tốt kế hoạch sản xuất hàng vụ, định hướng rõ vùng trồng, cơ cấu, giống mía để giữ vững diện tích.

Đồng chí Đinh Công Sứ cũng yêu cầu cân đối giữa diện tích mía tím và mía trắng để phục vụ thị trường, nghiên cứu kỹ thuật để trồng rải vụ; bảo đảm việc tiêu thụ sản phẩm tại các thị trường trong nước, hướng đến rộng thị trường xuất khẩu; đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề tài nuôi cấy mô với cây mía trắng; đề xuất thay thế toàn bộ giống mía tím nuôi cấy mô trên tất cả diện tích mía trong tỉnh. Bên cạnh đó, huy động nguồn lực đầu tư cơ sở chế biến, sơ chế, cấp đông mía để sản xuất nước mía đóng hộp; chủ động trong việc kết nối, hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất mía mở rộng thị trường cũng như xây dựng, triển khai các nhiệm vụ đẩy mạnh xuất khẩu mía ăn tươi...