Ngành tôm đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu thủy sản của nước ta; hằng năm, đóng góp khoảng 40-45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, tương đương 4 tỷ USD.
Nhiều kinh nghiệm quý, cách làm hay
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu Lưu Hoàng Ly, tỉnh hiện có khoảng 139.000 ha chuyên nuôi trồng thủy sản. Nhiều mô hình nuôi tôm đang phát triển mạnh như tôm thẻ siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao trong nhà kính; nuôi tôm sú công nghiệp; kết hợp tôm-lúa... cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao, bền vững. Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao được đánh giá là có nhiều ưu điểm vượt trội với tỷ lệ thành công lên đến khoảng 75-80%, năng suất bình quân đạt hơn 22 tấn/ha/năm, thời gian nuôi ngắn, kích cỡ lớn, chất lượng tôm bảo đảm...
Hiện Bạc Liêu có hơn 30 công ty, doanh nghiệp tư nhân nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, còn có hơn 600 hộ dân nuôi với gần 5.000 ha, tập trung chủ yếu tại vùng ven biển, sản lượng thu hoạch bình quân mỗi năm đạt từ 48.000 đến 50.000 tấn tôm nguyên liệu, chủ yếu là tôm thẻ và tôm sú. Mô hình nuôi của Tập đoàn Việt-Úc với các khu phức hợp ứng dụng công nghệ cao bên trong nhà kín.
Các ao nuôi đều được lót bạt dưới đáy, nguồn nước mặn được xử lý tiệt trùng bằng một ao lắng. Mỗi ao nuôi có thiết bị thu sóng siêu âm sonar, quạt nước, máy bơm ô-xy... hoạt động liên tục 24/24 giờ, nhằm bảo đảm điều kiện cần thiết cho tôm phát triển. Tập đoàn này còn áp dụng mô hình nhà màng bong bóng để nuôi tôm giúp tiết kiệm chi phí. Mỗi ao diện tích 500m2, mật độ nuôi 300 con/m2, cho thu hoạch từ 12 đến 16 tấn/vụ/năm và mang về lợi nhuận hàng tỷ đồng/ha/năm.
Tỉnh Sóc Trăng hiện có 76.530 ha nuôi thủy sản, trong đó tôm nuôi nước lợ 53.000ha, sản lượng tôm thu hơn 183.200 tấn. Nhiều mô hình nuôi tôm hiệu quả được nhân rộng như: mô hình tôm-lúa tại huyện Mỹ Xuyên, mô hình nuôi tôm hai giai đoạn, nuôi tôm semi-biofloc... Phó Tổng Giám đốc phụ trách kỹ thuật Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta Hoàng Thanh Vũ cho biết, trang trại tôm tại xã Vĩnh Tân, thị xã Vĩnh Châu có tổng diện tích hơn 500 ha.
Các ao nuôi áp dụng quy trình nuôi tôm lót bạt đáy theo hình thức “ba không”: Không ô-xy đáy, không lưới lan và không vèo. Trong vụ đầu năm 2022, thu được 3.600 tấn, vụ nuôi thứ hai hiện đã thu hoạch 6.500 tấn, nguồn tôm nguyên liệu chủ động hằng năm phục vụ nhu cầu chế biến, xuất khẩu của công ty đạt từ 10 đến 35%. Hiện nay, Công ty Sao Ta là trang trại đầu tiên của cả nước sử dụng công nghệ “nhân sinh khối vi sinh” để tăng cường vi khuẩn có lợi trong ao nuôi, giúp tôm sinh trưởng tốt, hạn chế dịch bệnh. Năm 2021, công ty giữ vị trí thứ ba cả nước với kim ngạch xuất khẩu đạt 200 triệu USD. Hiện công ty duy trì tốt các tiêu chuẩn nuôi tôm sạch như ASC, BAP; đồng thời có nguyện vọng mở rộng khu nuôi thêm 203ha để đáp ứng tốt hơn nhu cầu nguồn tôm nguyên liệu.
Qua 9 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của tỉnh Cà Mau cán mốc gần 900 triệu USD, đạt 84% kế hoạch và tăng đến 26% so cùng kỳ năm 2021.
Qua 9 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của tỉnh Cà Mau cán mốc gần 900 triệu USD, đạt 84% kế hoạch và tăng đến 26% so cùng kỳ năm 2021. Chủ tịch Hợp tác xã nuôi tôm năng suất cao Tân Hưng Huỳnh Xuân Diện chia sẻ, trong nhiều năm liền, các xã viên chọn nguồn tôm giống qua xét nghiệm sạch bệnh, quá trình nuôi không sử dụng hóa chất, kháng sinh.
Năng suất tôm nuôi siêu thâm canh của xã viên tăng dần theo từng năm, đến nay đạt sản lượng hơn 60 tấn/ha/năm. Nhờ cải tiến và mạnh dạn thay đổi cách nuôi hầu hết xã viên thu hoạch có lời từ 20 đến 25% so với đồng vốn bỏ ra. “Với cách nuôi này, chúng tôi tiết kiệm tiền điện hằng tháng hơn 30% và không cần dùng vi sinh xử lý nước... Nhưng sau ba tháng nuôi, tôm thẻ có cỡ từ 26 đến 30 con/kg thay vì khoảng 40 con/kg như trước”-ông Diện khẳng định.
Ngoài khoảng 8.000 ha nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh năng suất cao, Cà Mau còn phát triển 80.000ha các loại hình nuôi khác thân thiện với môi trường; khoảng 50.000ha tôm-lúa hữu cơ; 153.000ha nuôi tôm quảng canh cải tiến... Hiện có khoảng 20.000ha tôm nuôi dưới tán rừng đã được nhiều tổ chức quốc tế chứng nhận là tôm sinh thái; 100ha tôm nuôi dưới ruộng lúa là tôm hữu cơ và khoảng 700ha khác do doanh nghiệp liên kết thực hiện trên đồng lúa đang trong giai đoạn đánh giá để chứng nhận đạt chuẩn tôm hữu cơ. Cà Mau phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 60.000ha tôm rừng, tôm lúa được chứng nhận tiêu chuẩn tôm sạch quốc tế.
Chuỗi sản xuất-chế biến tôm bền vững
Nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng về phát triển đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động phát triển kinh tế-xã hội vùng này, trong đó có việc quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững. Các địa phương và doanh nghiệp rất đồng tình và thực hiện để sớm hình thành vùng sản xuất, chế biến tôm xuất khẩu tầm cỡ quốc tế.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu khẳng định, chủ trương phát triển thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long của Chính phủ là hướng đi đúng, mang tầm chiến lược. Thủy sản là nguồn sinh kế rất quan trọng của khoảng 17 triệu dân sống ở 13 tỉnh, thành phố khu vực này. Sóc Trăng phát triển nghề nuôi trồng và khai thác thủy sản, ngành chế biến xuất khẩu ổn định và ngày càng mở rộng về thị trường. Ngành thủy sản chi phối đến đời sống của hơn 50% dân số và là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Sóc Trăng. Đến nay, diện tích nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh tại Sóc Trăng chiếm đến 93,7%, có 30% mô hình nuôi tôm công nghệ cao.
Chủ trương phát triển thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long của Chính phủ là hướng đi đúng, mang tầm chiến lược. Thủy sản là nguồn sinh kế rất quan trọng của khoảng 17 triệu dân sống ở 13 tỉnh, thành phố khu vực này.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu
Toàn tỉnh hiện có 41 cơ sở thực hành sản xuất tốt (VietGAP) với diện tích hơn 1.600 ha, sản lượng tôm nuôi đạt 196.000 tấn và vượt nhiều tỉnh, thành phố có diện tích thả nuôi lớn hơn. Có khoảng 22 nhà máy chế biến, xuất khẩu thủy sản với quy mô hơn 160.000 tấn mỗi năm. Các nhà máy được đầu tư trang thiết bị hiện đại nên đóng góp lớn trong tăng trưởng giá trị xuất khẩu của tỉnh.
Thị trường xuất khẩu thủy sản của tỉnh chủ yếu là các nước EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Canada, Hàn Quốc... Kim ngạch xuất khẩu tôm của Sóc Trăng những năm gần đây đã đạt hơn 1 tỷ USD/năm. Các công ty, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm của tỉnh liên tục giữ vững vị trí tốp đầu cả nước, với doanh thu hằng năm tăng từ 30 đến 50%.
Theo đánh giá của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), thị trường tôm toàn cầu hiện có giá trị khoảng 40 tỷ USD. Trong số đó, giá trị thương mại tôm ước tính khoảng 28 tỷ USD, chủ yếu là tiêu thụ tôm thẻ chân trắng. Thị phần lớn về tôm sú, tôm sinh thái, tôm hữu cơ vẫn còn nhiều dư địa để Việt Nam tham gia xuất khẩu, nên Cà Mau chú trọng các mặt hàng tôm sú sinh thái, tôm sú hữu cơ.
Đây cũng là lợi thế để tôm Cà Mau nói riêng, khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung cạnh tranh về chất lượng sản phẩm với các loại tôm sản xuất ở một số nước trong khu vực như: Ecuador, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan... Tỉnh Cà Mau phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 60.000ha tôm rừng, tôm lúa được chứng nhận tiêu chuẩn tôm sạch quốc tế. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lê Văn Sử cho biết, đây là tiền đề để Cà Mau tiếp tục phát triển theo hướng nâng cao chất lượng đầu ra trong thời gian tới, tạo nên các sản phẩm tôm đặc thù trở thành thế mạnh xuất khẩu của địa phương.
Tại Bạc Liêu, Công ty chế biến xuất khẩu thủy sản Tấn Khởi là một doanh nghiệp lớn, đã giải quyết công ăn việc làm ổn định cho hơn 1.000 lao động nghèo tại địa phương. Tổng Giám đốc công ty Nguyễn Tấn Khởi chia sẻ: “Thời gian qua, các cấp chính quyền của tỉnh Bạc Liêu và thị xã Giá Rai luôn tạo mọi điều kiện giúp đỡ, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Chúng tôi phấn đấu nâng cao chất lượng đạt chuẩn quốc tế để xuất khẩu tôm đến các thị trường mới như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu... nhằm đưa ngành nuôi tôm Bạc Liêu có điều kiện phát triển mạnh mẽ, lâu dài, ổn định”.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, trong chiến lược quy hoạch ngành tôm, cần gia tăng diện tích nuôi quy mô trang trại nhằm tạo nguồn hàng ổn định, chủ động được về chất lượng, nhất là có giá thành tốt để cạnh tranh. Các địa phương cần chuyển đổi hợp lý diện tích nuôi tôm sú sang tôm thẻ chân trắng, bởi thế giới có nhu cầu tôm thẻ và công nghệ nuôi cũng đã đáp ứng. Ngành nông nghiệp cần tiếp tục quy hoạch các vùng nuôi tôm như tôm rừng, tôm-lúa đi kèm chứng nhận quốc tế bền vững, thể hiện được tính đặc thù vùng nuôi tạo ra nguồn sản phẩm hữu cơ riêng có ở đồng bằng sông Cửu Long, khác biệt so với các sản phẩm nuôi công nghiệp.