Theo Ban Chỉ đạo 389, hoạt động buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm và gian lận thương mại trên địa bàn ngày càng phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau. Các đối tượng lợi dụng dịch vụ chuyển phát, giao hàng nhanh; tập kết hàng hóa tại nhà riêng, các nhà ở bỏ trống tại các khu đô thị, các khu chung cư cao tầng..., gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng.
Bên cạnh đó, sự bùng nổ của dịch vụ công nghệ thông tin cùng nhu cầu mua bán của người dân qua môi trường mạng internet ngày càng cao nên các hành vi gian lận trên môi trường thương mại điện tử ngày càng phổ biến. Một số doanh nghiệp chưa quan tâm nhiều đến công tác chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Bên cạnh đó, một số bộ phận lực lượng chức năng chưa chuyên sâu về nghiệp vụ; trang bị phương tiện còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ về đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chưa chặt chẽ, dẫn tới nội dung quy định còn mâu thuẫn, gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ việc.
Phó Trưởng phòng PC03 (Công an TP Hà Nội) Cao Văn Lộc nêu rõ, để công tác đấu tranh chống buôn lậu đạt hiệu quả cao hơn, các lực lượng chức năng cần phối hợp ngăn chặn tội phạm ngay từ các cửa khẩu biên giới, hạn chế tối đa hàng hóa thẩm lậu qua các cửa khẩu biên giới vận chuyển về Hà Nội; tăng cường công tác trao đổi thông tin.
Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia Đặng Văn Dũng đề nghị, cần tập trung phối hợp thông tin về hàng hóa nhập lậu, sàng lọc đối tượng để ngăn chặn và xử lý kịp thời; ký quy chế phối hợp hoạt động với các tỉnh, thành phố có lượng hàng hóa về Hà Nội lớn để chia sẻ thông tin kịp thời.
Phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo 389 chủ động xây dựng và thực hiện các biện pháp đấu tranh có hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, phòng ngừa các vi phạm gây bất ổn cho thị trường.
Các đơn vị khẩn trương triển khai thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin nhanh, chính xác; tăng cường công tác phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng chức năng. Từ đó, đưa ra các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, toàn diện, kiên quyết ngăn chặn, triệt phá tận gốc các đường dây buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, chuyển giá trốn thuế.