Xóa huyện “trắng xã nông thôn mới” Tuy Đức

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở huyện biên giới Tuy Đức (Đắk Nông) đã được các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị tích cực, chủ động triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến nay, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đã góp phần tạo nên diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện Tuy Đức ngày càng khởi sắc…
0:00 / 0:00
0:00
Diện mạo mới xã An toàn khu Quảng Trực nơi biên giới huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông.
Diện mạo mới xã An toàn khu Quảng Trực nơi biên giới huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông.

Tuy Đức là một trong số 2 địa phương của tỉnh Đắk Nông thuộc diện 30a của cả nước, điều kiện kinh tế còn khó khăn, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ để đáp ứng nhu cầu phát triển, hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 44%, trình độ dân trí không đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Cùng với đó, quá trình triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Tuy Đức trong 3 năm đầu của giai đoạn 2021-2025 còn gặp nhiều khó khăn do phải đối mặt với tình hình kinh tế-xã hội bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Bộ tiêu chí mới mở rộng và nâng cao hơn nên việc thực hiện hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới gặp khó, một số tiêu chí chỉ mới đạt qua ngưỡng quy định, khi đối chiếu với quy định mới nhiều tiêu chí không bảo đảm.

Đến nay, trên địa huyện Tuy Đức chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới, số tiêu chí đạt bình quân trên địa bàn toàn huyện (theo bộ tiêu chí mới giai đoạn 2021-2025) là 7,6 tiêu chí/xã, giảm 4-5 tiêu chí/xã so bộ tiêu chí cũ, trong đó có 5 tiêu chí khó thực hiện nhất gồm: tiêu chí về giao thông, môi trường, thu nhập, hộ nghèo và cơ sở vật chất văn hóa.

Mặc dù xuất phát điểm thấp so với mặt bằng chung của tỉnh, song cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Tuy Đức đã nhanh chóng khắc phục khó khăn, sớm xác định rõ cách làm, từng bước triển khai xây dựng nông thôn mới phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.

Từ nguồn lực đầu tư của các Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tạo chuyển biến tích cực, toàn diện, nhất là công tác xóa đói giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Năm 2022, toàn huyện còn 4.624 hộ nghèo, chiếm 30,78% dân số. So với năm 2021, huyện giảm được 1.340 hộ nghèo, đạt 14,42%. Trong đó, huyện giảm 680 hộ nghèo là dân tộc thiểu số, đạt 20,39%; giảm 397 hộ nghèo dân tộc thiểu số tại chỗ, đạt 16,16%.

Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm xuống còn 18,78%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ còn 31,39%, thu nhập bình quân đầu người đạt 36 triệu đồng/người/năm, tiêu chí xây dựng nông thôn mới bình quân của toàn huyện đạt 14 tiêu chí/xã…

Chương trình xây dựng nông thôn mới cũng đã làm thay đổi diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện; kết cấu hạ tầng kỹ thuật, kinh tế-xã hội, hệ thống điện, đường, trường, trạm, cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa, công trình thủy lợi… được đầu tư cơ bản, đồng bộ và ngày càng hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân.

Bên cạnh những kết quả đạt được, chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Tuy Đức hiện vẫn còn một số hạn chế như:

Một số địa phương trong xây dựng nông thôn mới chủ yếu tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, chưa chú trọng đúng mức để phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập, phát triển văn hóa, cải thiện môi trường.

Việc xã hội hóa nguồn lực còn khó khăn do thu nhập của người dân nông thôn còn thấp, tỷ lệ hộ đồng bào, hộ nghèo cao, hằng năm vẫn phải dựa vào các khoản viện trợ từ các chương trình, dự án như Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Một bộ phận người dân còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, coi xây dựng nông thôn mới là trách nhiệm của tỉnh, huyện, chưa nhiệt tình tham gia thực hiện xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là các tiêu chí do người dân thực hiện như môi trường, nhà ở dân cư và hộ nghèo.

Địa bàn các xã trên toàn huyện tương đối rộng, nhiều vùng dân cư sống thưa thớt, không tập trung, nên khối lượng các công trình hạ tầng nông thôn cần được đầu tư xây dựng chiếm khối lượng lớn, phải mất thời gian dài mới hoàn thiện được. Phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng nông thôn mới chủ yếu dựa trên nền tảng phát triển nông nghiệp là chính, trong khi đó giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp còn ở mức thấp, sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, thiếu liên kết bền vững…

Trong giai đoạn 2023-2025, để nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đặc biệt đưa Tuy Đức thoát khỏi danh sách huyện trắng xã nông thôn mới, địa phương sẽ triển khai các giải pháp trọng tâm nhằm huy động mọi nguồn lực, đặc biệt tranh thủ nguồn vốn 3 Chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư cho các xã hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, theo phương châm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tiêu chí nào dễ làm trước, tiêu chí nào khó cần nhiều vốn đầu tư của Nhà nước làm sau.

Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Tuy Đức chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động "toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh".

Tổ chức ký kết và triển khai thực hiện có hiệu quả giao ước thi đua giữa các cơ quan, đơn vị, các địa phương trong xây dựng nông thôn mới; phát huy tính năng động, sáng tạo của các cấp chính quyền, đoàn thể ở cơ sở.

Thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tiếp tục phát triển toàn diện nông nghiệp đi vào chiều sâu, theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho nông dân; thành lập và củng cố, đổi mới hoạt động của các Hợp tác xã, Tổ hợp tác; phát triển đa dạng các hình thức kinh tế hợp tác ở nông thôn gắn sản xuất với chế biến tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm phát triển sản xuất bền vững, hiệu quả.

Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu trên địa bàn huyện có ít nhất 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới, huyện đã rà soát, đánh giá và lựa chọn xã Đăk Buk So là xã điểm trong công tác chỉ đạo, đồng thời tập trung ưu tiên mọi nguồn lực đầu tư cho xã nhằm sớm đưa xã Đăk Buk So trở thành xã nông thôn mới của huyện vào năm 2025.

Riêng trong năm 2024, tranh thủ nguồn vốn của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Tuy Đức sẽ ưu tiên tập trung nguồn vốn cho xã Đăk Buk So để hoàn thành các tiêu chí còn lại và các chỉ tiêu còn thiếu hụt so với quy định mới.

Trong xây dựng nông thôn mới, người dân đóng vai trò chủ thể và là đối tượng hưởng lợi trực tiếp từ chương trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, trong điều kiện thực tế đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn như Tuy Đức thì việc huy động sức dân để hoàn thành các tiêu chí là không khả thi.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, phấn đấu thoát khỏi danh sách huyện “trắng xã nông thôn mới”, ngoài sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự chung tay, góp sức của người dân Tuy Đức thì tỉnh Đắk Nông, các bộ, ngành Trung ương cần tiếp tục quan tâm hơn nữa, đồng thời ưu tiên phân bổ nguồn lực cho huyện Tuy Đức để có thêm kinh phí đầu tư xây dựng các công trình thiết yếu, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương…