Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông, từ năm 2017 - 10/2023, toàn tỉnh có 26 trường hợp mắc uốn ván sơ sinh, trong đó có 5 trường hợp tử vong.
Trung bình mỗi năm có từ 3-6 ca mắc bệnh rải rác ở các huyện khiến Đắk Nông nhiều năm liền không đạt tiêu chí loại trừ uốn ván sơ sinh cấp huyện. Cụ thể, năm 2018 và 2020 huyện Đăk Glong không đạt, tiếp theo là huyện Krông Nô không đạt do có ca bệnh vào các năm 2020 và 2022; huyện Đăk Mil không đạt năm 2019 và năm 2023, Tuy Đức không đạt tiêu chí loại trừ uốn ván cấp huyện do có ca bệnh và có trường hợp tử vong do uốn ván.
Từ đầu năm đến ngày 25/10 năm nay, toàn tỉnh ghi nhận 5 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 1 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, số bệnh nhân mắc uốn ván sơ sinh tăng 2 trường hợp.
Bản đồ dịch tễ cho thấy, các địa phương xuất hiện ca bệnh uốn ván trong 5 năm qua chủ yếu ở các huyện Tuy Đức (7 ca), Krông Nô (6 ca), Đăk Glong (5 ca) và Đăk Mil (4 ca). Tại những địa phương này, các trường hợp mắc bệnh cũng chủ yếu ghi nhận tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tập trung chủ yếu tại 15/71 xã, phường toàn tỉnh.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông tổ chức điều tra, thống kê, tư vấn tiêm vaccine phòng ngừa uốn ván sơ sinh cho phụ nữ người đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. |
Huyện Tuy Đức được xem là điểm nóng về uốn ván sơ sinh khi có 7/26 trường hợp mắc bệnh trong giai đoạn qua, số ca bệnh tập trung chủ yếu tại địa bàn xã Đăk Ngo với 6 ca mắc, trong đó có 1 trường hợp tử vong.
Đặc điểm của vùng rốn dịch bệnh uốn ván sơ sinh tỉnh Đắk Nông là đông đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống khó khăn, giao thông đi lại trắc trở, tỷ lệ phụ nữ mang thai tiêm chủng uốn ván thấp…
Toàn xã Đăk Ngo có 13 thôn/bản, với 206 hộ dân thuộc 22 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào H’Mông chiếm gần 50% dân số toàn xã. Bản xa nhất cách trung tâm xã hơn 20km, trong đó hơn một nữa là đường đất lầy lội, mùa mưa hầu như không thể đi lại vì bùn đất trơn trượt, ngập lún. Vì vậy, hầu hết phụ nữ đến kỳ đều sinh con tại nhà và do bà mụ vườn hoặc người thân đỡ đẻ. Hàng năm chỉ khoảng 60% phụ nữ mang thai tiêm vaccine phòng uốn ván. Vào trung tuần tháng 10 vừa qua đã xảy ra ca tử vong bé gái sơ sinh 10 ngày tuổi, người H’Mông và cũng là trường hợp thứ 3 tử vong do uốn ván sơ sinh tại Đăk Ngo.
Trước đó, bệnh nhi được mẹ sinh tại nhà do bà nội đỡ đẻ, được cắt rốn, cột rốn bằng kéo và sợi chỉ khâu quần áo chưa được sát khuẩn và không băng rốn. Kết quả điều tra, khảo cứu cho thấy, quá trình mang thai người mẹ không tham gia tiêm chủng vaccine phòng uốn ván.
Bệnh uốn ván thường xuất hiện ở những địa bàn có tỷ lệ người dân tham gia tiêm chủng thấp; ý thức về chăm sóc sức khỏe hạn chế; tồn tại nhiều tập tục sinh hoạt lạc hậu; vệ sinh môi trường không bảo đảm.
Bên cạnh đó, tình trạng di cư ngoài quy hoạch dẫn đến sự tích lũy đối tượng hằng năm không được tiêm chủng phòng bệnh. Theo đánh giá của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông, đa số các trường hợp mắc bệnh có mẹ là người dân tộc H’Mông và M’Nông với tuổi đời còn rất trẻ. Nhóm mẹ dưới 21 tuổi chiếm 70%, thiếu kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản. Khi mang thai, hầu hết không tiêm hoặc tiêm không đủ mũi vaccine phòng uốn ván, trong đó100% bà mẹ có con bị uốn ván sơ sinh đều không tiêm đủ mũi vaccine phòng uốn ván trong suốt thai kỳ. Hơn 96% trường hợp mắc bệnh đều là các ca sinh tại nhà, do mụ vườn hoặc người thân chưa được tập huấn về sinh đẻ an toàn đỡ đẻ. Trẻ sinh ra được cắt rốn và cột dây rốn bằng vật dụng như kéo, dao, tre nứa… không được vô khuẩn sát trùng theo đúng quy trình khoa học. Đây là nguyên nhân trực tiếp khiến trẻ bị vi khuẩn uốn ván tấn công thông qua vết cắt dây rốn. Khi xâm nhập vào cơ thể trẻ, vi khuẩn gây bệnh sẽ tiết ra độc tố phá vỡ hồng cầu, tạo các cơn co giật và co thắt cơ thanh quản khiến trẻ không thở được và tử vong nhanh chóng.
Ngoài ra, công tác quản lý thai sản tại các địa phương có nhiều ca bệnh cũng ghi nhận lỗ hổng khiến 85% trường hợp mắc bệnh có mẹ không được quản lý thai sản tại trạm y tế, gần 97% thôn bon ghi nhận ca mắc uốn ván sơ sinh có trạm y tế quản lý đối tượng phụ nữ có thai không đầy đủ theo đúng quy định, hơn 15% ca bệnh có mẹ không cư trú trên địa bàn do đi làm ăn xa, chỉ trở về khi sinh nở. Đây là lý do khiến quá trình mang thai người mẹ không được quản lý thai kỳ tại các cơ sở y tế, do đó không được tiêm phòng vaccine UV2+ cũng như theo dõi, chăm sóc sự phát triển của thai kỳ.
Cán bộ ngành y tế vượt suối thực hiện nhiệm vụ tiêm chủng và tuyên truyền đến đồng bào vùng sâu, vùng xa về kiến thức phòng ngừa uốn ván sơ sinh trên địa bàn. |
Những tồn tại nêu trên không chỉ là nguyên nhân dẫn đến việc mắc uốn ván sơ sinh, mà còn là nguy cơ tiềm ẩn mắc các bệnh truyền nhiễm do miễn dịch cộng đồng luôn đạt thấp. Do vậy, cùng với việc thực hiện tốt tiêm chủng vaccine phòng bệnh, cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức người dân về dịch bệnh, về lợi ích của tiêm vaccine, phổ biến lịch tiêm, cảnh báo tác hại của sinh con tại nhà khi không có cán bộ y tế.
Trưởng Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đắk Nông Nguyễn Ly Sắc cho biết, thời gian qua, ngành y tế các cấp đã rất nỗ lực trong việc giải quyết tình trạng xảy ra ca bệnh uốn ván sơ sinh tại một số địa bàn. Xác định tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh tối ưu, định kỳ hằng tháng, đơn vị chỉ đạo các trạm y tế rà soát kết quả tiêm uốn ván cho phụ nữ có thai, tổ chức tiêm bù, tiêm vét khi phát hiện trường hợp bỏ sót nhằm bao phủ việc tiêm vaccine phòng bệnh. Mặt khác, đối với những địa bàn ghi nhận ca bệnh, ngành y tế tổ chức ngay các đợt tiêm bổ sung, tiêm bù cho đối tượng phụ nữ tuổi sinh đẻ từ 15-35 tuổi, đồng thời tuyến trên tăng cường hỗ trợ tuyến dưới giám sát, quản lý đối với phụ nữ có thai theo đúng quy định.
Tuy nhiên, tại những địa bàn có đông người dân tộc H’Mông và M’Nông sinh sống, ý thức một bộ phận người dân về công tác tiêm chủng còn hạn chế, đời sống hàng ngày tồn tại nhiều tập tục lạc hậu với tư tưởng tự sinh tự diệt, không tin tưởng vào khoa học, e ngại tiếp xúc với cán bộ y tế vì bản thân lập gia đình khi chưa đủ tuổi kết hôn.
Đặc biệt, đồng bào H’Mông từ các tỉnh phía bắc vào Đắk Nông sinh sống, không khai báo với chính quyền địa phương dẫn đến cơ sở y tế không quản lý hết phụ nữ có thai hoặc trong độ tuổi sinh đẻ để có biện pháp cung cấp dịch vụ tiêm chủng vaccine phòng bệnh. Vấn đề này cần được các cấp chính quyền thực hiện chặt chẽ nhằm xóa bỏ hủ tục tảo hôn, làm giấy khai sinh, đăng ký thường trú. Qua đó, rà soát, thống kê dân cư làm cơ sở cho ngành y tế lập danh sách quản lý tiêm chủng và quản lý thai nghén được đầy đủ.
Đặc biệt, với những địa bàn khó khăn, chính quyền và các ban ngành chức năng cần xem xét gia tăng chính sách, chế độ đãi ngộ cho lực lượng y tế thôn/bon, tạo điều kiện hỗ trợ đồng thời làm động lực để họ phát huy vai trò, trách nhiệm trong thông tin, vận động tiêm chủng và quản lý thai nghén tại cộng đồng.
Theo khuyến cáo của ngành y tế, tất cả các lứa tuổi đều có thể mắc uốn ván, mặc dù tỷ suất không cao nhưng khi mắc bệnh thì không có biện pháp cứu chữa, khả năng tử vong rất cao. Tiêm vaccine phòng uốn ván là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất. Năm 2005, nước ta đã chính thức được Tổ chức Y tế thế giới công nhận đạt mục tiêu loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh trên quy mô toàn quốc. Đây là thành quả đáng ghi nhận. Việc duy trì thành quả là rất quan trọng, đòi hỏi sự thống nhất và chung tay của cả cộng đồng.