Đắk Nông tăng cường giải pháp liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, hiện nay sản xuất nông nghiệp tỉnh Ðắk Nông phần lớn còn mang tính tự phát, thiếu tính bền vững, sản xuất chưa mang tính hàng hóa; chưa tham gia vào các chuỗi liên kết.
0:00 / 0:00
0:00
Ký kết hợp tác giữa các hợp tác xã, Hội nông dân tỉnh với các doanh nghiệp trong nước về liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Ký kết hợp tác giữa các hợp tác xã, Hội nông dân tỉnh với các doanh nghiệp trong nước về liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Hoạt động xúc tiến chưa mang tính đột phá; việc tổ chức các chương trình kết nối giao thương, năng lực kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp còn hạn chế, vẫn còn tình trạng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước… Ðể hỗ trợ người sản xuất kết nối tiêu thụ sản phẩm, Ðắk Nông đã tăng cường các giải pháp "tiếp sức" để sản phẩm nông nghiệp địa phương vươn xa, có chỗ đứng ổn định trên thị trường trong nước và thế giới.

Quyết liệt hành động để tiếp sức

Ðắk Nông có tổng diện tích tự nhiên gần 651.000 ha; trong đó, diện tích đất sản xuất nông nghiệp gần 380.000 ha (chiếm 58,4%), nông nghiệp được xác định là 1 trong 3 trụ cột kinh tế. Hiện nay có 4 sản phẩm chủ lực là cà-phê, tiêu, điều và cao-su về cơ bản đã có thị trường xuất khẩu chính ngạch ổn định tại các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ðắk Nông, tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế nội tỉnh chuyển dịch đúng hướng (năm 2022 chiếm 37,64% và năm 2023 chiếm 37,11%); tốc độ tăng trưởng luôn duy trì ở mức khá (năm 2022 đạt 5,21% và năm 2023 ước đạt 8,4%). Quy mô sản xuất nông nghiệp ngày càng mở rộng và ổn định với 23 sản phẩm chủ lực, ngành hàng thế mạnh, ngành hàng tiềm năng dần khẳng định vị thế trên thị trường. Cụ thể, nếu so sánh trên phạm vi quốc gia, diện tích sản xuất cà-phê đứng thứ 3 cả nước; diện tích sản xuất hồ tiêu đứng đầu; các ngành hàng cây ăn quả như sầu riêng đứng thứ 5, bơ đứng thứ 3, mắc-ca đứng thứ 4.

Sản xuất nông nghiệp được cơ cấu lại và chuyển biến theo hướng sản xuất hàng hóa, liên kết theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, gắn với thị trường và thích ứng biến đổi khí hậu. Hiện đã có 93 sản phẩm của 79 chủ thể đạt chứng nhận OCOP ở các thứ hạng; các ngành chức năng đã hỗ trợ đưa lên sàn thương mại điện tử gần 700 sản phẩm (trong đó có 93 sản phẩm OCOP). Tổng số hộ sản xuất nông nghiệp đã được số hóa thông tin là hơn 111 nghìn hộ, đạt hơn 92,8%. Kinh tế tập thể có chuyển biến tích cực; số lượng hợp tác xã tiếp tục tăng và đa dạng loại hình sản xuất, chất lượng hoạt động ngày càng được nâng cao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp, nông thôn…

Ðể triển khai thực hiện hoạt động kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông sản, Ðắk Nông đã ban hành Kế hoạch xúc tiến thương mại địa phương giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch đổi mới phương thức kinh doanh, tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch đưa sản phẩm nông nghiệp, thế mạnh và chất lượng của tỉnh vào tiêu thụ tại các siêu thị trong nước… Hằng năm, các sở, ngành, địa phương của tỉnh cũng đã thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước; hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm; tổ chức kết nối cung cầu, tham gia hội nghị, hội chợ.

Ðắk Nông đã thực hiện việc hỗ trợ các đơn vị sản xuất sản phẩm nông nghiệp thế mạnh, chất lượng của tỉnh đi nghiên cứu thị trường, kết nối giao thương đưa hàng hóa vào tiêu thụ tại các siêu thị. Bên cạnh đó, tỉnh còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm, thương hiệu, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm hàng hóa dài hạn và ổn định, có khối lượng lớn; đồng thời tạo lập mối liên kết bền vững trong hoạt động sản xuất chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa nhà cung cấp và nhà tiêu thụ nhằm ổn định thị trường đầu ra một cách bền vững, giúp các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Ðắk Nông mở rộng và phát triển sản xuất, mở ra hướng đi mới trong việc liên kết để sản phẩm hàng hóa của địa phương xuất hiện ngày càng nhiều tại các kênh phân phối hiện đại…

Giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững

Theo lãnh đạo Sở Công thương Ðắk Nông, để nông sản của tỉnh rộng đường tiêu thụ cần triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về phát triển nông nghiệp trên địa bàn; tăng cường liên kết, xây dựng vùng sản xuất có quy mô lớn, phù hợp từng loại nông sản, xây dựng chuỗi giá trị bền vững cho các loại sản phẩm nông nghiệp từ khâu sản xuất đến khâu tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu.

Bên cạnh thị trường các nước thành viên CPTPP, EVFTA và ASEAN, tỉnh cần cơ cấu lại thị trường xuất khẩu cho từng loại sản phẩm theo hướng đa dạng hóa thị trường, không phụ thuộc vào thị trường truyền thống; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xúc tiến thương mại, tổ chức đa dạng các hoạt động xúc tiến trực tuyến nhằm thúc đẩy tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; hướng dẫn các doanh nghiệp chủ động nâng cao năng lực xúc tiến thương mại, phát triển và quảng bá thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, phát triển sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng, hàm lượng chế biến hàng xuất khẩu.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ngô Xuân Ðông cho biết: Ðể ngành nông nghiệp Ðắk Nông phát triển bền vững, đa giá trị, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng nội tỉnh, thời gian tới phải tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng; trong đó quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu quy mô lớn, sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn, chất lượng cao; ưu tiên các ngành hàng chủ lực, cây ăn trái, rau củ quả và hoa các loại; đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, lấy hợp tác xã làm nòng cốt, cầu nối quan trọng để hình thành và phát triển liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, giữa người dân và các doanh nghiệp. Tỉnh tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ bằng nhiều hình thức nhằm đa dạng kênh tiêu thụ, giảm khâu trung gian và nâng cao giá trị gia tăng; đẩy mạnh và quyết liệt chuyển đổi số trong nông nghiệp để giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, tạo lập môi trường thông thoáng thu hút đầu tư.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ðắk Nông Lê Trọng Yên, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản triển khai, thực hiện các nghị quyết của Trung ương và địa phương về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Tỉnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trong đó, có Kế hoạch số 766/KH-UBND ngày 13/12/2022 về việc phát triển ngành hàng cây ăn quả, rau chủ lực và thế mạnh của địa phương tỉnh Ðắk Nông đến năm 2030. Tỉnh phấn đấu mục tiêu hình thành và phát triển các vùng sản xuất cây ăn quả, rau chủ lực gắn với ngành chế biến rau quả của tỉnh, phát triển hiệu quả, an toàn và bền vững, đáp ứng yêu cầu sản xuất và nhu cầu thị trường tiêu thụ; áp dụng công nghệ tiên tiến với các vùng sản xuất rau quả tập trung, sản lượng hàng hóa lớn; sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, có giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh cao đối với thị trường trong nước và xuất khẩu.

"Thời gian tới, Ðắk Nông đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Trung ương và địa phương; thực hiện các đề án, Chương trình mục tiêu quốc gia, tăng cường các giải pháp liên kết, xây dựng vùng sản xuất có quy mô lớn, phù hợp cho từng loại nông sản, xây dựng chuỗi giá trị cho các loại sản phẩm nông nghiệp một cách bền vững; tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư đẩy mạnh đổi mới công nghệ, thiết bị, cơ giới hóa, tự động hóa dây chuyền chế biến nông sản để tạo ra sản phẩm có chất lượng, mẫu mã phong phú đáp ứng yêu cầu của thị trường", Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nhấn mạnh.