Xe đạp công cộng và xe buýt điện là hai trong nhiều nhiệm vụ lớn mà thành phố đã, đang và sẽ thực hiện mạnh mẽ thời gian tới. Trước đây, Thành phố Hồ Chí Minh đã nhiều lần thí điểm xe đạp công cộng. Đơn cử, năm 2016, Công an Quận 5 tổ chức cho cảnh sát khu vực đi làm bằng xe đạp nhưng thí điểm này chỉ được thực hiện trong thời gian ngắn.
Tương tự, năm 2018, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thí điểm dự án 100 chiếc xe đạp thông minh sử dụng năng lượng mặt trời để sinh viên di chuyển giữa các địa điểm.
Tháng 12/2021, Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam thí điểm đặt xe đạp cho thuê tại các điểm công cộng ở trung tâm thành phố. Tổng số 388 xe đạp được đặt tại 43 vị trí, bao gồm nhiều tuyến đường Quận 1 và Quận 3. Theo thống kê, từ tháng 12/2021 đến tháng 10/2023, dịch vụ này có hơn 298.600 khách đăng ký, thực hiện 475.805 chuyến.
Trung bình có 706 chuyến/ngày với tổng quãng đường hơn 2 triệu km (gần 3.000 km/ngày). Trước những tín hiệu tích cực mà Tập đoàn Trí Nam đang triển khai, Sở Giao thông vận tải đã có văn bản tham mưu để dự kiến mở thêm 16 vị trí mới ở Quận 1 và 11 vị trí mới ở quận Phú Nhuận, quận Gò Vấp. Điều này được khảo sát trên cơ sở nhu cầu sử dụng gia tăng của người dân, bảo đảm hiệu quả hoạt động liên thông của dịch vụ.
Các địa điểm ngành giao thông triển khai dịch vụ này cũng được tính toán để kết nối với mạng lưới tuyến xe buýt hiện hữu và tuyến đường sắt đô thị số 1, dự kiến vận hành năm 2024 để hướng đến mục tiêu góp phần tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn.
Ở nhiều quốc gia trên thế giới, xe đạp trở thành phương tiện gần gũi với người dân. Tại Đan Mạch, dù tiết trời nắng, mưa hay tuyết cũng rất dễ bắt gặp người dân nước này sử dụng xe đạp để đi lại. Cứ mười người thì có chín người dân Đan Mạch sở hữu một chiếc xe đạp. Còn tại Hà Lan, với dân số chỉ khoảng 17 triệu nhưng đất nước này có đến 23 triệu chiếc xe đạp. Tổng chiều dài làn đường dành riêng cho xe đạp khoảng 35 nghìn km.
Đối với Thành phố Hồ Chí Minh, nơi xe máy, ô-tô là lựa chọn “hàng đầu” để đi lại thì việc xây dựng văn hóa xe đạp là điều không hề dễ dàng. Tuy nhiên, nếu thành phố xây dựng chiến lược, lộ trình bài bản, đáp ứng được nhu cầu của người dân thì trong tương lai không xa, xe đạp có thể sẽ trở thành phương tiện được người dân tin dùng để di chuyển. Các chuyên gia cho rằng, với lượng khí thải của ô-tô, xe máy hiện nay (hơn 10 triệu phương tiện) thì đi lại bằng xe đạp là phương án cần được tính toán.
Đứng ở góc độ kết cấu hạ tầng, để người dân yên tâm đi xe đạp, các làn đường dành riêng cho xe đạp cũng phải được tính đến vì việc đi chung với xe máy, ô-tô như hiện nay là điều hết sức nguy hiểm. Việc khảo sát nhu cầu người dân trong sử dụng xe đạp cũng cần được thực hiện để thiết kế các tuyến, bến bãi đồng bộ nhằm tránh lãng phí khi thực hiện các dự án, chương trình liên quan.