Xây dựng văn hóa tham gia giao thông

Trong câu chuyện hàn huyên đầu năm mới, chủ đề không uống rượu bia khi tham gia giao thông được nhiều người nhắc đến. Trong nếp nghĩ của đại đa số người dân hiện nay, việc đó không chỉ giúp bảo vệ tính mạng, tài sản của bản thân, gia đình mà còn góp phần xây dựng văn hóa giao thông văn minh, hiện đại.
0:00 / 0:00
0:00
Ý thức tham gia giao thông của người dân được nâng cao khi công tác kiểm tra, xử lý vi phạm được thực hiện quyết liệt, nghiêm minh.
Ý thức tham gia giao thông của người dân được nâng cao khi công tác kiểm tra, xử lý vi phạm được thực hiện quyết liệt, nghiêm minh.

Chưa năm nào trong những ngày Tết, số vụ tai nạn giao thông đường bộ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh lại giảm sâu trên cả ba tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương) như năm nay. Từ ngày 25/1 đến ngày 2/2/2025, trên toàn địa bàn thành phố chỉ xảy ra 13 vụ tai nạn giao thông, làm chết 4 người, làm bị thương 8 người.

So với cùng kỳ năm 2024 giảm 10 vụ (giảm 43%), giảm 7 người chết (giảm 64%), giảm 4 người bị thương (giảm 33%). Các lực lượng chức năng đã xử lý 2.381 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Vui hơn, trong những ngày Tết, số lượt người đến khám và cấp cứu do tai nạn giao thông đã giảm 32% so với năm 2024 (năm 2025 là 1.782 lượt, năm 2024 là 2.617 lượt).

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện tuyến cuối thường xuyên tiếp nhận các ca tai nạn giao thông nặng, Tết năm nay chỉ tiếp nhận 51 trường hợp. Ở quy mô cả nước, báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy, trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ, cả nước xảy ra 445 vụ tai nạn giao thông, làm chết 209 người, bị thương 373 người. So với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, giảm 258 vụ, giảm 126 người chết, giảm 232 người bị thương.

Có nhiều nguyên nhân tác động để có các con số đáng mừng nêu trên, song có thể thấy, từ khi Nghị định số 168/2024/NĐ-CP ngày 26/12/2024 (quy định về xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe) có hiệu lực đã tác động rất lớn đến ý thức, hành động của người tham gia giao thông.

Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 9,5 triệu phương tiện (ô-tô và xe máy) đang lưu hành. Tuy nhiên, nhờ sự quyết liệt của các cơ quan chức năng trong xử lý vi phạm cộng với sự đầu tư hiệu quả của hạ tầng giao thông cho nên trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, tình hình trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn thành phố được duy trì ổn định.

Thời điểm trước và sau kỳ nghỉ Tết, dù lưu lượng phương tiện tăng cao, nhất là tại các tuyến quốc lộ, khu vực cửa ngõ, bến xe, nhà ga, sân bay, bến phà... nhưng nhờ lực lượng Cảnh sát giao thông nêu cao tinh thần trách nhiệm, làm tốt công tác quán xuyến địa bàn, bố trí lực lượng để điều tiết, phân luồng giao thông cho nên không để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng kéo dài.

Tuy nhiên, để phát huy những tín hiệu tích cực này, nhất là xây dựng văn minh tham gia giao thông, bên cạnh công tác xử phạt nghiêm minh, việc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, nhất là trong trường học, trong các tầng lớp nhân dân là điều quan trọng, cần được đầu tư thực hiện bài bản, lâu dài.

Đồng thời, công tác đào tạo, sát hạch lái xe, hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm cần được nâng cao, chú trọng chất lượng hơn nữa. Mỗi cá nhân cần ý thức rõ trách nhiệm của bản thân, tự giác chấp hành luật giao thông, chung tay góp sức xây dựng văn hóa giao thông để mang lại sự an toàn không chỉ cho bản thân mà còn cho gia đình và cả xã hội.