Hội nghị có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo tỉnh Nghệ An và đại diện công an đến từ 63 tỉnh, thành phố.
Theo Báo cáo sơ kết của Bộ Công an, sau 1 năm triển khai thực hiện xây dựng thí điểm Công an phường điển hình, kiểu mẫu về an ninh trật tự và văn minh đô thị trên địa bàn toàn quốc cho thấy: Cấp ủy đảng, chính quyền từ cấp ủy đến cấp phường đều đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện rất nghiêm túc, bài bản.
Có 55 tỉnh, thành ủy đã và đang ban hành nghị quyết, chỉ thị, kết luận; 8 tỉnh đã ban hành chương trình, công văn, kế hoạch thực hiện; 29 ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố ban hành đề án xây dựng Công an phường điển hình, kiểu mẫu về an ninh trật tự và văn minh đô thị trên địa bàn toàn quốc. Các địa phương đã bố trí chuyển đổi trụ sở, tăng cường kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện cho Công an phường,…
Ngoài ra, Công an 63 địa phương đã bố trí, tăng cường đủ biên chế cho Công an phường xây dựng điển hình, kiểu mẫu theo quy định.
Mô hình dịch vụ công trực tuyến tại Công an phường Nghi Thu, thị xã Cửa Lò (Nghệ An). |
Kết quả 1 năm xây dựng thí điểm Công an phường điển hình, kiểu mẫu về an ninh trật tự và văn minh đô thị đạt được kết quả tốt. Bộ Công an giao chỉ tiêu mỗi tỉnh 1 công an phường, mỗi quận thuộc 5 thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng 1 Công an phường (tổng cộng 106 Công an phường trong năm 2023), tuy nhiên, đến nay các địa phương trên toàn quốc đã đăng ký 172 Công an phường (vượt chỉ tiêu 66 Công an phường).
Trong số 172 Công an phường, đã có 144 đơn vị đạt 20/22 tiêu chí Công an phường điển hình, kiểu mẫu. Nhiều Công an phường tiêu biểu như: Nhật Tân, Phú Thượng, Dịch Vọng Hậu (Hà Nội); Xuân An, Tam Hiệp, Bửu Long (Đồng Nai); Minh Tân (Yên Bái); Lộc Hòa, Thống Nhất (Nam Định); Suối Hoa (Bắc Ninh); Trường Thi, Hà Huy Tập, Hòa Hiếu, Quang Tiến, Long Sơn (Nghệ An)...
Báo cáo của Bộ Công an cũng chỉ ra, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, công tác xây dựng thí điểm Công an phường điển hình, kiểu mẫu về an ninh trật tự và văn minh đô thị cũng còn không ít tồn tại, hạn chế như: Công an nhiều địa phương còn chậm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền ban hành nghị quyết, đề án; thiếu quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện 22 tiêu chí; các thủ tục, cơ chế về kinh phí, quy hoạch quỹ đất, mua sắm thiết bị, phương tiện đòi hỏi phải có thời gian, thực hiện theo quy trình nên có ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng Công an phường điển hình, kiểu mẫu,…
Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Công an nhấn mạnh, việc xây dựng Công an phường điển hình, kiểu mẫu về an ninh, trật tự và văn minh đô thị có ý nghĩa rất quan trọng, là cơ sở, tiền đề để xây dựng một xã hội trật tự, kỷ cương, văn minh, hiện đại. Do đó, trách nhiệm xây dựng Công an phường điển hình, kiểu mẫu về an ninh trật tự và văn minh đô thị trước hết thuộc về cấp ủy, chính quyền các cấp, của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Mục tiêu đến năm 2025, mỗi tỉnh, thành phố đạt ít nhất từ 30%-50% Công an phường điển hình, kiểu mẫu về an ninh trật tự và văn minh đô thị đạt được mục; năm 2030 hoàn thành 100% điển hình, kiểu mẫu về an ninh trật tự và văn minh đô thị trên địa bàn toàn quốc. Về biên chế, ưu tiên những cán bộ trẻ, có năng lực chuyên môn nghiệp vụ, có kỹ năng công tác dân vận về công tác tại công an phường.
Cán bộ Công an phường Trường Thi (thành phố Vinh) chia sẻ về công tác chuyển đổi số của đơn vị. Phường Trường Thi là địa bàn trọng điểm của thành phố Vinh. |
Trước đó, các đại biểu về tham dự Hội nghị đã tham quan thực tế, trao đổi kinh nghiệm tại một số Công an phường, đơn vị xây dựng thí điểm phường điển hình, kiểu mẫu về an ninh trật tự và văn minh đô thị của tỉnh Nghệ An.