Xây dựng nông thôn mới, cần quan tâm các tiêu chí "gần dân"

Tây Ninh phấn đấu đến cuối năm 2023, sẽ có 65 trong tổng số 71 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 25 trong tổng số 71 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, ba xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã giúp bộ mặt nông thôn Tây Ninh khởi sắc, tác động tích cực đến đời sống vật chất, tinh thần của người dân, tạo nền tảng ổn định chính trị-xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân tại một xã nông thôn mới thuộc huyện Tân Châu chăm sóc đàn gia súc.
Người dân tại một xã nông thôn mới thuộc huyện Tân Châu chăm sóc đàn gia súc.

Bộ mặt nông thôn khởi sắc

Theo Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh, thời gian qua, Ủy ban nhân dân tỉnh đã xây dựng và trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành nhiều chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, góp phần thay đổi lớn diện mạo toàn vùng nông thôn. Tính đến nay, Tây Ninh có 61 trong tổng số 71 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 85,9%; 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và hai xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Bình quân số tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh là 18 tiêu chí, đạt 94,7% so với kế hoạch.

Sớm nhất là thị xã Hòa Thành đã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2022. Hiện thành phố Tây Ninh và thị xã Trảng Bàng đang hoàn thiện hồ sơ để được công nhận. Dự kiến, đến năm 2025, tỉnh sẽ hoàn thành các mục tiêu: Có 71 xã đạt chuẩn nông thôn mới (100%), 37 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 9/9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Theo Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh, nhờ xây dựng nông thôn mới, tốc độ tăng trưởng GRDP tăng bình quân hằng năm của tỉnh duy trì ở mức 5%, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, GRDP bình quân đầu người từ 3.190 USD (năm 2020) tăng lên 3.690 USD (năm 2022), thu nhập bình quân đầu người được cải thiện; chính sách an sinh, phúc lợi xã hội được bảo đảm, kịp thời chăm lo cho đối tượng chính sách; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn năm 2022 còn 0,35%; tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,4%; hệ thống điện lưới nông thôn được quan tâm cải tạo và từng bước nâng cấp theo hướng an toàn, tin cậy, ổn định, bảo đảm mỹ quan.

Bên cạnh đó, hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn tiếp tục được đẩy mạnh đầu tư, nhất là hạ tầng giao thông. Tổng số km đường giao thông nông thôn được đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 là 4.237,76 km, tăng 1.094,96 km so với giai đoạn 2016-2020 (trong đó, đầu tư xây dựng mới 3.007,55 km, cải tạo, sửa chữa 1.230,206 km). Nhiều mô hình sản xuất được chuyển đổi theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có 68 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP.

Vẫn chưa sát thực tế

Tuy nhiên, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh, bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp giai đoạn 2021-2025 tăng số lượng chỉ tiêu, tiêu chí và mức độ yêu cầu đạt chuẩn, trong đó, một số chỉ tiêu, tiêu chí Trung ương quy định tỷ lệ quá cao, chưa sát với thực tế. Do đó, nhiều địa phương đã đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao ở giai đoạn trước, nhưng đến nay chưa đáp ứng yêu cầu của Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Qua khảo sát thực tế của Hội đồng nhân dân tỉnh, chỉ tiêu về tỷ lệ người dân tham gia và sử dụng ứng dụng khám, chữa bệnh từ xa; chỉ tiêu về tỷ lệ dân số có sổ khám, chữa bệnh điện tử;... chưa thể thực hiện được do hiện trên địa bàn tỉnh chưa triển khai thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử, phần mềm thống kê, quản lý tình hình sức khỏe, bệnh lý của người dân.

Bên cạnh đó, chỉ tiêu về trường học các cấp phải đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 1 và có ít nhất một trường đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 2, trong đó, các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông... có nhiều cấp học phải bảo đảm khối phòng học, khối hành chính quản trị; phải có các phòng chức năng, nhà đa năng phục vụ thể dục, thể thao, tuy nhiên, qua khảo sát, hầu hết các trường đã được xây dựng trước năm 2020 hoặc có quy mô nhỏ... vì vậy, so với bộ tiêu chí 2021-2025 để đánh giá thì không đạt.

Ðối với chỉ tiêu về tỷ lệ người dân ở xã nông thôn mới tham gia bảo hiểm y tế đạt từ 90% và xã nông thôn mới nâng cao từ 95% trở lên, nhiều địa phương thực hiện một cách đối phó, như vận động hỗ trợ mua thẻ Bảo hiểm y tế cho người dân theo thời gian ngắn (ba tháng, sáu tháng). Việc này, nhằm bảo đảm đạt chuẩn trong thời gian xét duyệt của Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Tây Ninh, cho nên kết quả sẽ không bền vững, việc duy trì gặp khó khăn. Hiện tỉnh chưa triển khai thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử, phần mềm thống kê, quản lý tình hình sức khỏe, tình trạng bệnh lý của người dân trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, hầu hết người dân khám bệnh bảo hiểm y tế có phân tuyến, ít khám ở trạm y tế xã, chủ yếu khám ở trung tâm y tế huyện; người không có bảo hiểm y tế, khi có bệnh sẽ lựa chọn đến trung tâm y tế huyện, các bệnh viện tuyến tỉnh hoặc trung ương, do đó, tỷ lệ dân số được quản lý sức khỏe tại xã không kiểm soát được.

Qua gần ba năm triển khai thực hiện bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, tỉnh Tây Ninh xác định có nhiều chỉ tiêu, tiêu chí cần được sửa đổi, cần kiến nghị với các bộ, ngành Trung ương xem xét điều chỉnh như: Dừng thực hiện chỉ tiêu về tỷ lệ dân số có sổ khám, chữa bệnh điện tử và tỷ lệ dân số được quản lý sức khỏe đối với bộ tiêu chí nông thôn mới; cần xem xét tỷ lệ người dân tham gia sử dụng ứng dụng khám, chữa bệnh từ xa và tỷ lệ dân số có sổ khám, chữa bệnh điện tử hơn 90% đối với bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao, do hiện nay ở vùng sâu, vùng xa hạ tầng viễn thông chưa được kết nối đồng bộ, người dân còn nghèo, thu nhập thấp, chưa đủ khả năng sử dụng điện thoại thông minh; người già, trẻ em không thể tiếp cận và sử dụng ứng dụng trên điện thoại.