Phát huy vai trò nhân dân trong xây dựng nông thôn mới

Đi khảo sát thực tế và làm việc với lãnh đạo các địa phương trong tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải luôn nhấn mạnh mục tiêu cốt lõi của việc xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Để thực hiện được mục đích ấy, người đứng đầu cấp ủy tỉnh Cà Mau yêu cầu các địa phương phải thống nhất quan điểm lấy người dân làm chủ thể, làm trung tâm; người dân phải được bàn bạc, thống nhất, giám sát thực hiện, bảo đảm công khai, minh bạch.
0:00 / 0:00
0:00
Vùng quê huyện Đầm Dơi (tỉnh Cà Mau) có thêm nhiều tuyến đường nhỏ hẹp được đầu tư, nâng cấp, đất trống vùng mặn được phủ xanh rau màu.
Vùng quê huyện Đầm Dơi (tỉnh Cà Mau) có thêm nhiều tuyến đường nhỏ hẹp được đầu tư, nâng cấp, đất trống vùng mặn được phủ xanh rau màu.

Chung tay xây dựng nông thôn mới

Tiêu biểu trong cách tiếp cận trên để phát huy dân chủ cơ sở là việc thực hiện chủ trương mở rộng đường nhỏ hẹp vùng nông thôn trên địa bàn các xã của huyện được triển khai từ tháng 4/2022.

So với các huyện khác trong tỉnh Cà Mau, Đầm Dơi là địa bàn rộng, có đến 16 xã, thị trấn. Hệ thống sông ngòi chằng chịt gây trở ngại lớn trong việc đi lại của người dân, trong khi rất nhiều tuyến đường nông thôn trên địa bàn huyện chỉ rộng từ 1-1,5m, được đầu tư khá lâu đã hư hỏng, xuống cấp.

Tuy nhiên, để nâng cấp các công trình hư hỏng, góp phần hoàn thiện và nâng cao tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới là không dễ dàng, cần nguồn lực khá lớn.

Giải bài toán này, Đầm Dơi tổ chức họp dân, triển khai chủ trương của tỉnh về việc mở rộng lề đường đất đen các tuyến đường giao thông nông thôn theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", dân thụ hưởng...

Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Đầm Dơi Lê Tấn Phát chia sẻ: Tại các buổi họp dân ở cơ sở, lãnh đạo địa phương nói rõ tình hình thực tế, những khó khăn đang gặp phải về nguồn vốn và mong có sự chung tay góp sức từ nhân dân. Nếu khu vực nào người dân tự nguyện hiến đất và chuẩn bị sẵn mặt bằng thì sẽ được ưu tiên vốn để nơi đó đầu tư mở rộng đường, cứng hóa mặt đường.

Hầu hết những tuyến đường nông thôn được nâng cấp, mở rộng tại huyện Đầm Dơi do người dân tự nguyện hiến đất với tổng số đất hiến hơn 1 triệu mét vuông, tương đương khoảng 100 ha, giá trị quy ra tiền khoảng hơn 104 tỷ đồng.

Bằng sự chân thành, nói dân thấu, nói dân hiểu… từ các cấp chính quyền, phong trào chung tay mở rộng đường nông thôn trên địa bàn huyện Đầm Dơi nhanh chóng lan tỏa, nhận được sự chia sẻ, đồng thuận và ủng hộ từ các tầng lớp nhân dân.

Cũng nhờ đó mà từ năm 2022 đến nay, toàn huyện triển khai xây dựng mới và nâng cấp, mở rộng được hơn 300 công trình đường giao thông nông thôn, với tổng chiều dài hơn 320 km, tổng vốn đầu tư hơn 280 tỷ đồng.

Hầu hết những tuyến đường nông thôn được nâng cấp, mở rộng do người dân tự nguyện hiến đất với tổng số đất hiến hơn 1 triệu mét vuông, tương đương khoảng 100 ha, giá trị quy ra tiền khoảng hơn 104 tỷ đồng.

Đó là chưa tính công sức người dân bỏ ra để cơi nới đường đất đen hoặc bỏ tiền thuê cơ giới nâng cao trình mặt bằng con đường, gia cố lại hệ thống cống sổ tôm…, với giá trị quy ra tiền hàng chục tỷ đồng.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đầm Dơi Nguyễn Phương Bình đúc kết: "Nhờ có sự chung tay từ nhân dân mà hiện tại, hàng loạt tuyến lộ nhỏ vùng nông thôn của huyện được mở rộng từ 2,5-3,5m, lưu thông được bằng xe bốn bánh, người dân rất mừng và phấn khởi. Cũng nhờ đó mà đến thời điểm hiện tại, toàn huyện có đến 9/15 xã được công nhận nông thôn mới, trong đó có một xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao".

Thực tế việc xây dựng nông thôn mới tại Đầm Dơi luôn gắn liền với những chủ trương, bằng những hành động, việc làm thiết thực với mục tiêu vì lợi ích của người dân.

Ngoài phong trào mở rộng đường nông thôn, thời gian qua nhân dân các vùng nuôi trồng thủy sản nước mặn của huyện còn hưởng ứng mạnh mẽ phong trào tăng gia sản xuất: Giữ ngọt để lập vườn trồng rau, nuôi cá nước ngọt. Hưởng ứng phong trào, đến giữa năm 2024 vừa qua, toàn huyện có khoảng 50% số hộ gia đình (tương đương khoảng 22.000 hộ) xây dựng mô hình vườn rau, ao cá với tổng diện tích giữ ngọt trên vùng đất mặn hơn 2.200 ha, tăng gần gấp 3 lần so với trước.

Nhờ tăng gia sản xuất đạt hiệu quả, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện tăng từ 29 triệu đồng (thời điểm năm 2014) lên 58 triệu đồng/người vào cuối năm 2023; hộ nghèo từ hơn 3.300 giảm chỉ còn 961 hộ (2,2%), cận nghèo từ hơn 1.800 giảm còn 812 hộ (1,86%), theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2021-2025.

Dân đồng thuận việc gì cũng xong

Với phương châm "được lòng dân thì việc gì cũng làm được", thời gian qua, chính quyền xã Trần Thới (huyện Cái Nước) huy động sự vào cuộc của nhân dân, chung tay khắc phục thành công tình trạng sạt lở đất trầm trọng ven tuyến sông Lộ Xe (ấp Mỹ Hòa), chiều dài hơn 3 km.

Theo Trưởng ấp Mỹ Hòa Phan Trường Hận, tuyến đường 3m ven sông Lộ Xe trước đó có sự đóng góp đối ứng 30% từ nhân dân, nên khi phát động làm kè chống sạt lở, bảo vệ lộ nhằm bảo vệ thành quả của người dân ai cũng đồng thuận. Nếu làm kè cứng thì tốn quá nhiều tiền nên chủ trương của xã và ấp là vận động người dân, trồng cây mắm, cây đước ven tuyến sông để chống sạt lở, phù hợp với điều kiện thực tế.

Sau khi đi tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm ở một số vùng lân cận, lãnh đạo xã Trần Thới vận động nhân dân ấp Mỹ Hòa thực hiện và nhân rộng mô hình "kè mềm" bằng cây mắm với phương châm "tự lực, tự cường". Tuy đồng thuận cao nhưng công việc khởi đầu gặp không ít trở ngại, vì trước hết phải làm hàng rào bằng cây gỗ để bao ví phía vòng ngoài, giúp bảo vệ cây mắm non bên trong.

Với phương châm "được lòng dân thì việc gì cũng làm được", thời gian qua, chính quyền xã Trần Thới (huyện Cái Nước) huy động sự vào cuộc của nhân dân, chung tay khắc phục thành công tình trạng sạt lở đất trầm trọng ven tuyến sông Lộ Xe (ấp Mỹ Hòa), chiều dài hơn 3 km.

Nhưng khi người dân trong ấp mang cây mắm con đem trồng thì nhiều cây bị chết. Không bỏ cuộc, người dân ấp Mỹ Hòa tiếp tục trồng lại cây nhưng cũng gặp cảnh cũ tái diễn, trong khi sạt lở đang từng ngày phương hại con đường dọc tuyến sông Lộ Xe.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Trần Thới Lê Văn Vũ cho biết: "Trong lúc gần như bế tắc, vài cô chú lớn tuổi đã hiến kế với cán bộ xã và ấp. Muốn cây mắm bám rễ, phát triển thì trước tiên phải giữ được trái mắm nảy chồi.

Theo cách đó, cũng làm kè cây bên ngoài nhưng bên trong phải bố trí thêm những lớp lưới giúp giữ trái mắm, để rễ mắm cắm đất, bám đất mới phát triển nhanh được". Lắng nghe, tiếp thu và thực hiện theo ý kiến đóng góp của người dân, chỉ trong thời gian ngắn hơn 3 km tuyến dân cư ven sông Lộ Xe đã phủ kín kè mắm xanh tốt, không chỉ cải thiện được tình trạng sạt lở mà đất còn lấn thêm theo chân rễ mắm vững chãi ra phía sông, có đoạn hiện đã thành rừng cây.

Ông Phạm Văn Sơn, người dân cố cựu ở Mỹ Hòa, hào hứng: "Cán bộ ở cơ sở gần gũi, chịu khó lắng nghe, học hỏi và tiếp thu nên nhân dân trong ấp mới chung sức, chung lòng để có được những thành quả trong việc chống sạt lở, bảo vệ lộ nông thôn".

Không chỉ chung tay làm đường, bảo vệ đường nông thôn, nhân dân ấp Mỹ Hòa còn hiến 500 m2 đất, đối ứng 50% trong tổng số 200 triệu đồng, góp nhiều ngày công lao động… để xây dựng trụ sở ấp khang trang. Tuyến đường "Thắp sáng đường quê" hơn 2 km trong ấp người dân cũng đóng góp kinh phí làm trụ đèn, góp phần bảo đảm an toàn, an ninh trật tự.

"Nhờ đồng thuận của nhân dân mà Trần Thới đã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới. Trong đó, Mỹ Hòa là một trong những ấp tiên phong về vai trò chung tay, vào cuộc của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới. Toàn ấp có 166 hộ thì hiện không còn hộ nghèo nào" - ông Vũ khoe.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Cà Mau khóa 16 đặt mục tiêu đến cuối năm 2025, toàn tỉnh có khoảng 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao), và có từ hai huyện trở lên đạt chuẩn nông thôn mới.

Đến nay, Cà Mau đã có 63/82 xã được công nhận xã nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 76,8%. Hiện tỉnh có bốn huyện phấn đấu "về đích" để được công nhận huyện nông thôn mới vào năm 2025. Các chỉ tiêu này hoàn toàn có thể thực hiện được, bởi Cà Mau đang phát huy tốt vai trò chủ thể nhân dân, sự đồng thuận, ủng hộ từ nhân dân.