Đặt mục tiêu cao trên hành trình không có điểm kết thúc, tỉnh cương quyết chấn chỉnh, chỉ đạo từng địa phương nghiêm túc "trả nợ" các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, tiếp tục củng cố, phát triển các tiêu chí ngày càng bền vững, đưa khu vực nông thôn thực sự trở thành vùng quê đáng sống.
Cần sớm chấm dứt "nợ" các tiêu chí
Một trong bốn chỉ tiêu quan trọng đến nay chưa đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ 11 đề ra cho cả nhiệm kỳ 2020-2025 là số huyện, xã được công nhận nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, nếu cố gắng thì có thể đạt được về số lượng, tuy nhiên, hiện nay vẫn tồn tại nghịch lý tỷ lệ số huyện, xã đạt nông thôn mới nâng cao ngày càng tăng nhưng còn "nợ" nhiều tiêu chí, như: Điện chưa đủ, nước sạch chưa đủ cho dân, đường còn thiếu.
Đáng lưu ý, trong lúc toàn tỉnh đang chật vật phấn đấu tăng mức thu nhập bình quân chạm đến con số 186 triệu đồng/người vào năm 2025 theo mục tiêu Nghị quyết, nhưng đến thời điểm này còn thiếu tới 29 triệu đồng/người/năm. Người đứng đầu Đảng bộ tỉnh cho rằng, nỗ lực nâng cao thu nhập cho người nông dân thì sẽ góp phần thúc đẩy thu nhập bình quân chung của cả tỉnh.
Giải quyết vấn đề "nợ" tiêu chí nông thôn mới nâng cao để đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng tốt hơn, do đó, các huyện họp bàn cuối năm cần rà soát kỹ các tiêu chí năm 2024 và xây dựng chỉ tiêu năm 2025 sao cho bảo đảm mục tiêu đặt ra của nhiệm kỳ này, nhất là để thu nhập của người dân nâng cao, đời sống thật sự thịnh vượng.
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, giai đoạn 2021-2024, toàn tỉnh đã huy động, đầu tư nguồn vốn hơn 280 tỷ đồng và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho lĩnh vực xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; nhưng một số tiêu chí như cấp nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung xuống đến cấp xã hay giao thông nội đồng còn thiếu hụt ở những nơi điều kiện vị trí địa lý kém thuận lợi.
Do vậy, đề xuất Hội đồng nhân dân tỉnh bổ sung nguồn ngân sách tương đối lớn hỗ trợ cho các huyện hiện còn chậm trong triển khai về đầu tư hệ thống nước sạch, điều chỉnh và bổ sung hỗ trợ thủy lợi cho huyện nông thôn mới kiểu mẫu; đề nghị Hội đồng nhân dân thống nhất cho Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng nghị quyết hỗ trợ cho doanh nghiệp cung cấp nước máy về vốn vay lãi suất ưu đãi để khuyến khích tham gia đầu tư.
Thách thức đối với Đồng Nai trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu thời điểm hiện tại là những xã còn lại chưa về đích đều thuộc diện có điểm xuất phát thấp. Nơi vùng sâu, vùng xa có vẻ "hụt hơi" về đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn do khả năng kinh tế của nhà nông khó tham gia đủ nguồn kinh phí đối ứng theo tỷ lệ quy định.
Thí dụ như huyện Tân Phú, Bí thư Huyện ủy Trần Quang Tú cho biết: Đặc thù địa bàn rộng, các tuyến đường cần đầu tư đều dài, cần nguồn vốn lớn. Mật độ dân cư thưa thớt, khiến mức đóng góp kinh phí đối ứng/hộ dân khá cao, trong khi thu nhập người dân thấp hơn mức bình quân chung toàn tỉnh. Những xã này đang còn "nợ" tiêu chí về nước sạch, hạ tầng giao thông, trường học và nếu không có sự quyết tâm cao thì khó hoàn thành vào năm 2025 theo lộ trình vạch ra ban đầu: "Việc huy động nguồn nội lực trong nhân dân cùng Nhà nước xây dựng nông thôn mới nâng cao rất khó, nhất là để làm hạ tầng giao thông nông thôn. Địa phương kiến nghị tỉnh nên xem xét cho một số xã như Nam Cát Tiên, Tà Lài, Phú Lập để người dân đóng góp 5%, ngân sách nhà nước 95%, nhằm hoàn tất tiêu chí này", ông Tú nêu ý kiến.
Quyết tâm cao, hành động đi vào chiều sâu
Lũy kế đến nay, toàn tỉnh Đồng Nai có một huyện chính thức được công nhận huyện nông thôn mới nâng cao (Xuân Lộc), 110/120 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt hơn 91% mục tiêu; trong số này có 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, đã hoàn thành mục tiêu đến năm 2025.
Đồng Nai đang trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hồ sơ thẩm định hai huyện đề nghị xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong năm 2024 (Định Quán, Thống Nhất). Ngoài ra, hai huyện khác đang chờ thẩm tra hồ sơ hoàn thành Bộ tiêu chí quốc gia huyện nông thôn mới nâng cao (Vĩnh Cửu, Cẩm Mỹ). Dự kiến, trong quý IV/2024, toàn tỉnh có thêm bốn xã nông thôn mới nâng cao và sáu xã nông thôn mới kiểu mẫu được thẩm định.
Mới đây, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đã có đợt giám sát về tình hình xây dựng nông thôn mới toàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; qua đó, chỉ ra bất cập tồn tại là một số địa phương tuy đạt chuẩn, nhưng còn có tiêu chí, chỉ tiêu tính bền vững chưa cao. Việc bố trí nguồn vốn trực tiếp xây dựng nông thôn mới còn gặp nhiều vướng mắc. Qua khảo sát ngẫu nhiên một số địa phương, phong trào xây dựng nông thôn mới bị chững lại, trong đó có nguyên nhân một số lãnh đạo của một số huyện, sở, ngành lơ là so với giai đoạn trước đó.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra đến năm 2025, toàn tỉnh có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, ít nhất năm huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và huyện Xuân Lộc đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu là thử thách không nhỏ đặt ra đối với tỉnh Đồng Nai.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Võ Tấn Đức yêu cầu các sở, ngành, địa phương thực hiện tốt các giải pháp phù hợp xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, chú trọng vào bốn nội dung tăng thu nhập cho người dân, kiểm soát môi trường nông thôn, tăng tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch, quy hoạch và quản lý quy hoạch, tạo không gian phát triển cho người dân. Song song với rà soát, đánh giá và kiên quyết tháo gỡ những tiêu chí còn vướng mắc, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở sớm bắt tay vào chuẩn bị xây dựng chương trình nông thôn mới cho giai đoạn 2026-2030, hướng tới nhiều tiêu chí thiết thực như hệ thống thoát nước, công viên, nhà để xe, nhà vệ sinh công cộng…