Theo đồng chí Lê Hồng Đức, Phó chánh văn phòng Nông thôn mới tỉnh Nam Định, việc tăng cường liên kết doanh nghiệp và nhà nông đã mang lại hiệu quả rõ rệt về kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, đóng góp tích cực vào kết quả xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh.
Điển hình trong xây dựng chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo an toàn, chất lượng cao giữa doanh nghiệp với các hộ nông dân có thể kể đến là mô hình liên kết giữa Công ty TNHH Toản Xuân (huyện Ý Yên) với các hộ nông dân có diện tích cấy lúa lớn. Doanh nghiệp đóng vai trò tổ chức vùng nguyên liệu, kết nối sản xuất, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, quy trình canh tác và chịu trách nhiệm quản lý chất lượng sản phẩm.
Nhà nông phát huy trình độ, kinh nghiệm canh tác và sự thấu hiểu thổ nhưỡng, tạo nên sản phẩm lúa gạo đưa ra thị trường luôn có chất lượng ngon và ổn định, cho nên giá cao hơn gạo thông thường từ 20-30%. Nhiều hộ nông dân có diện tích sản xuất từ 30-50 mẫu cho thu nhập từ 200-300 triệu đồng/vụ.
Ông Trần Quốc Toản, Giám đốc Công ty TNHH Toản Xuân cho biết: Để có được nguồn gạo sạch cung ứng ra thị trường đều đặn, công ty đảm nhận khâu cung cấp giống, vật tư nông nghiệp; đồng thời cử cán bộ kỹ thuật cùng bám đồng, bám ruộng hướng dẫn quy trình kỹ thuật cho nông dân. Đến khi thu hoạch, công ty thu mua toàn bộ sản phẩm với mức giá cao hơn giá thị trường, từ đó giúp các hộ yên tâm sản xuất.
Đến nay, công ty đã có vùng nguyên liệu trong chuỗi liên kết gần 1.500 ha tại tất cả các huyện trong tỉnh. Sản lượng gạo sạch chất lượng cao đưa ra thị trường khoảng 4.000 tấn/năm; trong đó, 2 sản phẩm gạo của công ty đã được tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 4 sao và đang làm thủ tục đề nghị công nhận sản phẩm OCOP 5 sao.
Ngoài mô hình chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo giữa Công ty TNHH Toản Xuân và các hộ nông dân trồng lúa, đến nay, tỉnh đã xây dựng được 39 mô hình trong liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị; có thể kể đến như: Chuỗi liên kết giữa Công ty TNHH Cường Tân với các hộ nông dân; chuỗi liên kết sản xuất chế biến nông sản sấy của Công ty Minh Dương; chuỗi liên kết chế biến hải sản sau thu hoạch của Công ty Hùng Vương; mô hình tổ hợp tác liên kết sản xuất-tiêu thụ sản phẩm cá nuôi trên diện tích 200 ha ở huyện Nghĩa Hưng; mô hình liên kết chăn nuôi tiêu thụ thịt lợn sạch Minh Long; chuỗi liên kết chăn nuôi-chế biến-tiêu thụ sản phẩm thịt lợn sạch giữa Công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư Biển Đông với các trang trại, các hộ chăn nuôi có quy mô lớn...
Để thúc đẩy liên kết doanh nghiệp và nhà nông trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh đã quan tâm chỉ đạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua việc tổ chức các chương trình đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng cho lao động nông thôn. Các khóa học về kỹ thuật canh tác, quản lý sản xuất và áp dụng công nghệ hiện đại đã giúp nông dân nâng cao kiến thức, tăng cường hiệu quả sản xuất và tiếp cận các mô hình sản xuất tiên tiến; thí dụ như Hội Nông dân các cấp trong tỉnh trong 5 năm gần đây, đã trực tiếp và phối hợp tổ chức hơn 2.300 buổi tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho gần 285.000 lượt hội viên, nông dân.
Ngành nông nghiệp và các huyện, xã thuộc tỉnh chú trọng thúc đẩy hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp, thay đổi từ phương thức sản xuất nông nghiệp truyền thống sang ứng dụng khoa học-công nghệ để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường và đáp ứng nhu cầu thị trường. Nông dân được khuyến khích ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, phát triển các mô hình canh tác thông minh, tưới tiêu tự động, canh tác trong nhà lưới, nhà kính và quy trình sản xuất sạch, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 1.000 ha cây trồng được sản xuất theo hướng hữu cơ, sản xuất an toàn theo quy trình VietGAP hoặc tương đương; 75 vùng nuôi thủy sản tập trung, áp dụng phương thức nuôi bán thâm canh, nuôi thâm canh và siêu thâm canh theo tiêu chuẩn VietGAP, nuôi công nghệ cao, bảo đảm an toàn thực phẩm, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, không chỉ gia tăng giá trị kinh tế mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Đồng chí Nguyễn Văn Hữu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho rằng: Một trong những yếu tố quan trọng gia tăng liên kết doanh nghiệp và nhà nông chính là sự kết hợp nông nghiệp với công nghiệp chế biến nông sản. Toàn tỉnh hiện có gần 600 cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến nông sản như: Muối biển và các sản phẩm muối chế biến, thịt lợn đông lạnh, nước mắm, gạo xay xát, một số sản phẩm thủy, hải sản (ngao biển, tép moi, tôm biển)… Nhờ đó, không chỉ giảm tỷ lệ nông sản phải tiêu thụ dạng thô sau khi thu hoạch với giá trị thấp, có nguy cơ bị ép giá, mà còn từng bước chế biến sâu thành các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn, như thực phẩm đóng gói, nông sản sấy khô hay sản phẩm hữu cơ.
Một số sản phẩm nông sản chế biến của tỉnh đã tạo dựng được thương hiệu, định vị được tại các thị trường xuất khẩu có yêu cầu tiêu chuẩn khắt khe, trong đó có sản phẩm thịt ngao đóng hộp của Công ty Thủy sản Lenger Việt Nam, ngày càng thâm nhập sâu vào thị trường châu Âu và không ngừng khẳng định thương hiệu, danh tiếng trên trường quốc tế .