Xây dựng nếp sống văn minh nơi làng lên phố

(Tiếp theo và hết) (★) Bài 4: Nhận diện, triển khai những giải pháp bền vững
Còn vài năm nữa mới lên quận, nhưng huyện Hoài Đức cũng sớm chuẩn bị cho mô hình "làng trong phố".
Còn vài năm nữa mới lên quận, nhưng huyện Hoài Đức cũng sớm chuẩn bị cho mô hình "làng trong phố".

Thật khó tìm một hình mẫu chung cho tất cả các địa phương trong tiến trình đô thị hóa, bởi mỗi nơi đều có nét văn hóa truyền thống riêng. Tuy nhiên, khi các cấp ủy đảng, chính quyền vào cuộc, xác định rõ mục tiêu, chắc chắn sẽ có những giải pháp để giữ gìn hồn cốt của nếp làng khi lên phố; đồng thời kiến tạo những giá trị mới của văn minh đô thị tại những ngôi làng xưa, với đích đến cuối cùng là xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Qua tìm hiểu tại nhiều địa phương, cả những nơi đô thị hóa nhanh khiến cho hạ tầng quá tải, văn hóa truyền thống mai một dần; hay những địa phương đã và đang làm khá tốt nhiệm vụ khó này, chúng tôi thấy vấn đề khó khăn không phải là nguồn lực.

Làm tốt từ công tác quy hoạch

Thực tế không ít quận, không ít phường giờ có điều kiện hơn, người dân cũng giàu hơn, sẵn sàng đầu tư mạnh tay, nhưng có những điều đã qua đi không bao giờ trở lại được, nhất là về cảnh quan, nét văn hóa ứng xử của người dân.

Theo Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương, việc chuyển đổi từ huyện sang quận, từ xã và thị trấn sang phường không chỉ là những vấn đề về hạ tầng, mà quan trọng là lối sống, nếp sống của người dân; đi cùng với đó là công tác quản lý đô thị, gìn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống.

Người dân sẽ là chủ thể thực sự trong việc xây dựng nếp sống văn hóa từ hộ gia đình, tổ dân phố. Các hoạt động trợ giúp, vai trò của chính quyền tác động hỗ trợ rất quan trọng, nhưng phải huy động được người dân, sức dân tham gia.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám cho rằng: “Việc tổ chức tốt các phong trào văn hóa, thể thao quần chúng giúp kết nối các thế hệ, giữa làng này với làng kia và cả cộng đồng. Ông cha đã để lại truyền thống lịch sử, văn hóa, cả di tích vật thể và phi vật thể, rồi được quan tâm về nguồn lực mà không đẩy văn hóa lên được thì đúng là thật có lỗi”.

Bên cạnh việc đầu tư, hoàn thiện thiết chế văn hóa, để tiếp nối truyền thống, huyện Đông Anh xây dựng tập bài giảng “Giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng huyện Đông Anh” để đưa vào các trường học.

Thông qua việc giảng dạy, học tập và tổ chức cuộc thi tìm hiểu lịch sử địa phương, học sinh, đoàn viên, thanh niên, giáo viên và nhân dân nâng cao ý thức cộng đồng trong xây dựng quê hương. Rút kinh nghiệm từ chính xã Kim Chung khi dân số tăng nhanh, gây áp lực lên hạ tầng xã hội, Đông Anh đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho một số địa phương khác được dự báo sẽ đô thị hóa nhanh trong thời gian tới như Xuân Canh, Đông Hội, Uy Nỗ...

Bên cạnh việc làm tốt công tác quy hoạch, huyện sẽ tập trung quản lý tốt quy hoạch, kiên quyết không điều chỉnh quy hoạch, nhất là quỹ đất dành cho giáo dục, văn hóa, y tế để vừa đáp ứng yêu cầu phát triển, vừa không xảy ra tình trạng quá tải.

Trong khi đó, lãnh đạo quận Long Biên chia sẻ, quận xác định việc xây dựng được nếp sống văn minh đô thị và vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống không thể làm trong một, hai năm là được ngay, mà luôn phải coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, xuyên suốt.

Quận không ôm đồm, mà chọn trọng tâm, trọng điểm, không cần vấn đề quá to tát, thậm chí có năm chỉ tập trung mỗi việc vận động người dân “thu gom rác đúng nơi quy định, đúng giờ giấc” để tuyên truyền, vận động. Giờ việc ấy thành nếp rồi, giúp cho từng ngõ phố đều sạch sẽ, khang trang.

“Tôi cho rằng kinh nghiệm ở đây là phải làm tốt quy hoạch và kiên quyết theo quy hoạch. Nếu cứ xen cấy chung cư, nâng tầng tùy tiện tất yếu sẽ dẫn đến quá tải về dân cư, gây hệ lụy về văn hóa-xã hội, văn minh đô thị. Chính vì thế, dù đã đầu tư, nâng cấp rất nhiều trường học, nhưng quận vẫn còn quỹ đất riêng dành cho giáo dục, văn hóa, không để tình trạng quá tải xảy ra”, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Long Biên Ngô Mạnh Điềm cho biết và theo ông, khi hạ tầng “chuẩn”, đời sống được bảo đảm, chăm lo tốt thì ý thức của người dân cũng sẽ nâng lên.

Quyết tâm xây dựng những giá trị văn hóa

Là người tâm huyết với văn hóa Hà Nội suốt những năm qua, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa Thăng Long cho biết: “Việc làng lên phố hiện nay có những bất cập, thí dụ như có những sinh hoạt văn hóa làng quê không phù hợp được đưa vào đô thị, trong khi đó, có những nét đẹp lại không giữ được. Bởi vậy, việc lên phố không chỉ là xây dựng hạ tầng mà phải chú trọng nhân tố văn hóa-con người. Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể phải hướng dẫn người dân cần làm những gì để phát huy, rồi tiếp thu cái hay, cái đẹp. Song song với đó thì nhất định chú trọng yếu tố nghề nghiệp cho phù hợp. Kinh tế luôn luôn là yếu tố chi phối các hoạt động văn hóa, xã hội”.

Thực tế này đòi hỏi cả hệ thống chính trị cần nỗ lực hơn nữa. Khi làm việc với huyện Thanh Trì, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đã phân tích, huyện có hạn chế về hạ tầng giao thông; tốc độ đô thị hóa không theo quy hoạch làm gia tăng dân số cục bộ ở một số địa bàn, gây ra gánh nặng cho hạ tầng kỹ thuật của huyện; hạ tầng văn hóa, giáo dục còn hạn chế, nên đời sống văn hóa tinh thần còn khó khăn, chênh lệch.

Do đó, Thanh Trì cần dự báo việc gia tăng quy mô dân số khi lên quận, bởi việc lên quận sẽ tác động đến việc phân bổ dân cư, văn hóa, lối sống, nhất là các làng cổ. Ngoài ra, với truyền thống, bản sắc văn hóa đặc sắc của mình, huyện phải nghiên cứu để giữ gìn và phát huy, từ đó, tạo sự gắn kết cộng đồng.

Với đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, gìn giữ được cảnh quan, hồn cốt của quê hương khi đô thị hóa luôn là vấn đề trăn trở, được quan tâm.

Theo đồng chí, từ bài học kinh nghiệm là Nam Từ Liêm khi từ huyện lên quận, phát triển đô thị rất nhanh nhưng bình quân thu nhập vẫn thấp; thu ngân sách địa phương phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ đất đai.

Cho nên, đối với các huyện, trước hết là Gia Lâm, Đông Anh, sau này là Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng phải tập trung phát triển thương mại, dịch vụ, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nhất là phải khơi mở nguồn lực về văn hóa, trước hết là các di tích văn hóa, lịch sử, các lễ hội, làng nghề sẵn có.

Tôi nhớ khi mới về làm Bí thư Hà Nội, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore sang Việt Nam có gặp tôi.

Khi gặp, ông ấy nói, đã sang Việt Nam nhiều lần, thấy thành phố rất phát triển, nhưng mỗi lần sang, những gì xa xưa của Hà Nội cứ mất dần đi.

Từ những câu nói đó của bạn khiến mình phải suy nghĩ, phải làm những gì căn cơ hơn. Bởi nông thôn Hà Nội có nhiều thứ gắn với lịch sử, văn hóa. Bao nhiêu làng nghề, lễ hội, đình chùa, miếu mạo gắn với các giá trị phi vật thể nằm ở đây hết, nên không thể để đô thị hóa tùy tiện trong làng.

Đồng chí ĐINH TIẾN DŨNG

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội

Do đó, với hai quy hoạch của Thủ đô đang thực hiện rất quan trọng, gồm: Quy hoạch Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, đồng chí yêu cầu các cơ quan chức năng dứt khoát phải bảo đảm xây dựng Hà Nội với đặc trưng “Văn hiến-Văn minh-Hiện đại” như Bộ Chính trị đã yêu cầu.

(*) Xem Trang Hà Nội, Báo Nhân Dân từ số ra ngày 1, 4 và 8/8/2023.