Có những địa bàn “lên phố” thành công. Nhưng cũng có những nơi hạ tầng quá tải, văn hóa truyền thống mai một, văn hóa ứng xử gặp nhiều thách thức.
Việc nhìn nhận hạn chế, rút kinh nghiệm từ những nơi chuyển từ làng lên phố thành công sẽ tạo ra những bài học quý báu trong xây dựng nếp sống văn minh cho không chỉ các địa phương chuẩn bị lên quận, mà cả những quận, huyện khác trên địa bàn.
Bài 1: Những trăn trở được - mất
Nhìn lại lịch sử, ngay cả những quận nội thành “cũ” của Hà Nội như: Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng... nhiều địa bàn xưa vốn là làng. Quá trình phát triển làng lên phố này diễn ra mạnh mẽ hơn trong những năm gần đây.
Làng lên phố kéo theo sự thay đổi có tính hệ thống, cả tích cực lẫn tiêu cực, từ hạ tầng, cơ cấu kinh tế đến mật độ, thành phần dân cư... và nhất là nếp sống văn hóa.
Ở nhiều địa bàn, trong khi cái hay, cái đẹp của nếp sống đô thị chưa kịp thâm nhập, thì nếp làng truyền thống đã bị phá vỡ, gây thách thức không nhỏ với việc xây dựng nét đẹp văn hóa người Hà Nội.
Quá trình đô thị hóa tại Hà Nội diễn ra thật sự mạnh mẽ trong vài chục năm trở lại đây. Trong quá trình phát triển ấy, nhiều nơi vốn là làng cổ, nay đã trở thành vùng lõi của đô thị.
Quy luật tất yếu của quá trình phát triển
Quận Ba Đình là một trong những địa bàn như thế. Ngay bên những con phố sầm uất, vẫn dễ dàng tìm thấy dấu tích của làng cổ năm xưa. Chỉ cách đường Hoàng Hoa Thám một quãng ngắn, sự tồn tại của cổng làng Đại Yên nhắc người ta về một nét xưa. Ngay bên chiếc cổng ấy, vẫn còn vài người bán các loại lá thuốc nam - nghề chính ở làng Đại Yên đã tồn tại mấy trăm năm.
Quận Ba Đình có một chuỗi các làng cổ liền nhau, tục gọi là “Thập tam trại”, tương truyền do Thành hoàng làng Lệ Mật (nay thuộc quận Long Biên) Nguyễn Quý Công đem con cháu lập nên. Địa bàn quận Đống Đa cũng gồm nhiều làng cổ. Được biết đến nhiều nhất là đất Kẻ Láng, với các làng Láng Thượng, Láng Trung, Láng Hạ; hay làng cắt tóc Kim Liên...
Càng những quận mới thành lập sau này, dấu ấn làng cổ càng rõ nét. Cầu Giấy nổi bật có Kẻ Cót, Kẻ Vòng... Quận Tây Hồ có các làng Nghi Tàm, Quảng Bá, Nhật Chiêu (Nhật Tân) ở phía bờ bắc hồ Tây, bờ nam nổi danh với Tổng Bưởi gồm các làng: Đông Xã, Yên Thái, Hồ Khẩu, Võng Thị, Trích Sài... chuyên nghề làm giấy và dệt lĩnh.
Quận Long Biên xưa gồm một thị trấn (Gia Lâm) và bao bọc chung quanh là những ngôi làng. Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng nhấn mạnh, ngay cả thị dân Hà Nội xưa cũng vốn là nông dân từ các nơi về làm ăn buôn bán rồi hình thành phố, phường. Ngày nay, mối quan hệ “phố - làng” và “văn minh đô thị - văn hóa làng” vẫn cứ tồn tại, hòa quyện với nhau, thậm chí còn đan xen chặt chẽ thể hiện qua kiến trúc, lối sống, hành vi ứng xử, lề thói.
Trong sự phát triển của đô thị, làng lên phố gần như là một quy luật. Đến Đông Anh, Gia Lâm những ngày này mới thấy sự hối hả chuẩn bị cho quá trình “lên phố”. Những con đường mới mở, những ngôi nhà mới xây và những hàng quán bám theo những tuyến đường mới nhộn nhịp khai trương đón khách. Những ngôi làng có hàng trăm, hàng nghìn năm tuổi ở Đông Anh, Gia Lâm đang chuẩn bị thành phố, thành phường trong nay mai.
Chuẩn bị lên quận, xã tôi có nhiều cái mới. Các tuyến đường chính được trải nhựa, mở rộng. Nước sạch đến từng nhà. Làng có thêm mấy công viên nhỏ.
Nhưng thực tình, khi lên phố, chúng tôi vẫn còn nhiều băn khoăn. Bởi nhiều nơi, khi lên phố thấy cảnh lộn xộn, không biết mình rồi có như thế hay không?
Ông NGUYỄN VIẾT TOÀN (xóm Mới, thôn Xuân Trạch, xã Xuân Canh, huyện Đông Anh)
Những nỗi lo có thực
Giấy khai sinh của anh Nguyễn Trọng Tiến vẫn ghi nơi sinh là xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì. Nhưng bây giờ, nơi anh sinh ra, lớn lên, gắn bó trở thành phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai. Nhưng không phải lúc nào anh cũng thấy vui vì mình thành “công dân đô thị”.
“Nhà cửa xây dựng ngoài kiểm soát, hạ tầng không đáp ứng được sự gia tăng nhanh chóng về dân số, cho nên thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc, ô nhiễm môi trường. Trước kia làng quê thanh bình thì nay hàng quán lộn xộn, loa đài mở bừa bãi, nhiều khi rất ồn ào. Tôi vẫn hay nhớ về không gian làng quê hồi còn bé”, anh Tiến cho biết.
Ngoài sự thay đổi về “bề nổi” ấy, có những thứ đã âm thầm diễn ra. Cái quý nhất ở làng quê là tính cộng đồng, là tình làng nghĩa xóm tối lửa tắt đèn có nhau. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi rất nhanh. Người nhập cư ồ ạt đổ về với số lượng lớn đem theo “lối sống mới”. Văn hóa bản địa bỗng nhiên “yếu thế” so với “văn hóa mới”.
Trăn trở của anh Tiến là có thật, bởi từ chỗ có vài nghìn dân, bây giờ dân số Thịnh Liệt là khoảng 40 nghìn người, chưa kể người tạm trú tại những chung cư mini cho thuê. Nhưng so với Thịnh Liệt, dân số phường Hoàng Liệt còn “khủng” hơn, với khoảng 90 nghìn dân. Sự quá tải này đi kèm với nhiều hiệu ứng tiêu cực về văn minh đô thị, văn hóa ứng xử.
Quận Nam Từ Liêm có thể coi là một trong những địa bàn có tốc độ đô thị hóa mạnh nhất của Thủ đô. Một thời, Nam Từ Liêm được kỳ vọng trở thành vùng đất “đáng sống”, nhưng bây giờ mọi thứ đã thay đổi. Lên quận khiến nhiều người dân ở phường Mễ Trì “đổi đời” khi cơ hội làm ăn mở ra.
Hàng chục hộ dân xây chung cư mini cho thuê, mỗi tháng thu lời vài chục triệu đồng. Lên phố khiến hạ tầng thay đổi, với việc có thêm đường to, hè lớn. Nhưng bên cạnh những sự “hào nhoáng” ấy là nhiều khu dân cư ngột ngạt.
Ông Ngô Công Đồi (phố Mễ Trì Thượng, phường Mễ Trì) cho biết: “Bây giờ không còn ai nhận ra làng cũ. Không gian ngột ngạt, bức bối. Đi bộ nhiều khi cũng phải lách vì hàng dài xe máy, ô-tô xuôi ngược cả ngày. Người các nơi về ăn nói bừa bãi. Nhiều khi bản thân nghe cũng thấy buồn nhưng chẳng biết làm sao”.
Hệ lụy về văn hóa xảy ra là tất yếu khi thành phần dân cư phức tạp. Đáng chú ý, các cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa rất khó đến được với các đối tượng thuê nhà.
Tại những địa bàn đang ngấp nghé “lên quận”, trong khi nếp làng tốt đẹp vơi đi thì những tiêu cực của đô thị hóa tràn đến.
Huyện Đông Anh có sự chuẩn bị kỹ càng về xây dựng văn hóa chuẩn bị lên quận.
Song thực tế, ở một số địa bàn cũng gặp khó khăn, nhất là những địa bàn người dân nhập cư đến cư trú đông, điển hình như xã Kim Chung, hiện số người thuê trọ lớn hơn cư dân của xã.
Việc vận động nhân dân xây dựng nếp sống văn hóa khó khăn. Nhu cầu lớn, nhiều dịch vụ mở ra. Khi mở dịch vụ thì nhà nào cũng muốn cạnh tranh, quảng cáo, nên tình hình văn minh đô thị ở đây khá phức tạp.
NGUYỄN THỊ MỸ LINH
Phó Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Đông Anh
(Còn nữa)