Xây dựng nếp sống văn minh nơi làng lên phố

Bài 3: Chắt lọc và bồi đắp những giá trị

Thuận lợi khi đi sau, nhìn thấy rõ những cái được và cả những cái chưa được, các huyện đang trong quá trình lên quận của Hà Nội đã có bước chuẩn bị dài hơi để trở thành đô thị. Quyết tâm "giữ bằng được" của cả hệ thống chính trị và sự chung tay của người dân không chỉ giúp chắt lọc, giữ gìn những nét đẹp của nếp làng, mà còn tiếp nhận những yếu tố để hướng tới một đô thị văn minh.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân huyện Gia Lâm tích cực cải tạo cảnh quan, môi trường, xây dựng nếp sống văn minh, sẵn sàng lên quận.
Người dân huyện Gia Lâm tích cực cải tạo cảnh quan, môi trường, xây dựng nếp sống văn minh, sẵn sàng lên quận.

Dù văn hóa làng xã có những nét đẹp, nhưng không phải mọi sinh hoạt, tập quán đều phù hợp cuộc sống đô thị. Do đó, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải thực hiện một công cuộc kiến tạo văn hóa mới trên nền truyền thống.

Chú trọng "giữ cũ"

Ba năm nay, ngày nào anh Lê Văn Thái cũng đi hơn 20 km từ nhà ở xã Liên Hà (huyện Ðông Anh) để đến cơ quan ở quận Hoàn Kiếm. "Trước đây, mình mua nhà ở nội thành để đi làm cho gần, cuối tuần mới về quê chơi. Nhưng gần đây, cả vợ chồng cùng hai con đều thích ở quê hơn, không chỉ được gần ông bà, họ hàng, mà còn có không gian khang trang, thoáng đãng, tha hồ thể dục thể thao", anh Thái chia sẻ. Câu chuyện của anh Thái không phải là hiếm khi Ðông Anh thay đổi từng ngày về hạ tầng, nhưng trong ứng xử của người dân vẫn có nét hồn hậu, mộc mạc.

Khi Ðông Anh trở thành quận, những nét đẹp truyền thống sẽ có nguy cơ phai nhạt. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ðông Anh Nguyễn Thị Tám chia sẻ: "Nhận rõ thách thức này, từ năm 2017, huyện đã ban hành đề án bảo tồn, phát huy giá trị các bộ môn văn hóa, thể thao truyền thống; Ðại hội Ðảng bộ huyện Ðông Anh khóa 29 xây dựng Chương trình số 04 về phát triển văn hóa, xây dựng người Ðông Anh thanh lịch, văn minh, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị giai đoạn 2020-2025. Ðây là những cơ sở quan trọng để cả hệ thống chính trị của huyện cùng vào cuộc gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống. Song song với đó là xây dựng hạ tầng văn hóa. Năm 2022, Huyện ủy tiếp tục xây dựng, triển khai Nghị quyết chuyên đề số 250 với mục tiêu "5 có, 3 không", trong đó yêu cầu các thôn, tổ dân phố đều có nhà văn hóa; có công viên mini, các điểm sinh hoạt cộng đồng; có sân bóng đá cho thanh, thiếu niên... Ðây chính là hạ tầng cho việc kết nối cộng đồng, gìn giữ văn hóa truyền thống".

Tương tự, huyện Gia Lâm chuẩn bị cho quá trình lên quận từ rất sớm. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Dương Xá Tô Hữu Vịnh cho biết: "Xác định xây dựng thành quận là đòi hỏi tất yếu nên chúng tôi đã có quá trình chuẩn bị lâu dài. Các tiêu chí xây dựng nông thôn mới được nâng cao một bước, gắn với phát triển thành đô thị. Vậy yếu tố văn hóa-con người thì thế nào? Cấp ủy, chính quyền Dương Xá chú trọng đến những "điểm" kết nối cộng đồng. Ðàn ông thì thường tham gia các hoạt động ở đình làng, phụ nữ thì hay đi chùa. Tôn tạo di tích giúp người dân giữ gìn văn hóa, giữ gìn nét đẹp thôn quê. Cùng với đó là chú trọng tổ chức lễ hội ở các thôn, làng. Các lễ hội đều tổ chức những đêm văn nghệ của cộng đồng. Từ quá trình luyện tập, biểu diễn mà mọi người thêm gắn bó, tình làng nghĩa xóm được duy trì".

Huyện Thanh Trì cũng tập trung các biện pháp phát huy các giá trị truyền thống qua phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng để giữ lại những nếp làng, giữ lại những nét đẹp văn hóa của địa phương. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Huyện ủy chỉ đạo xây dựng và phê duyệt đề án "Tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, các lễ hội truyền thống trên địa bàn huyện Thanh Trì, giai đoạn 2021-2026" với tổng kinh phí 356,138 tỷ đồng. Hệ thống thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở cũng từng bước được hoàn thiện, hiệu quả; 15/15 xã đều bảo đảm tiêu chí về văn hóa trong xây dựng nông thôn mới nâng cao. Từ những hoạt động này, nét đẹp văn hóa làng quê được duy trì, đời sống văn hóa tinh thần nhân dân được cải thiện.

Tăng tốc "xây mới"

Văn hóa làng quê có nhiều nét đẹp. Song, không phải mọi yếu tố đều phù hợp cuộc sống đô thị. Song song với "giữ cũ", thì phải "xây mới". Năm 2017 là thời điểm hai quy tắc ứng xử được thành phố ban hành, huyện Ðông Anh đã tuyên truyền, vận động tích cực đến mọi tầng lớp nhân dân. Trưởng phòng Văn hóa huyện Ðông Anh Ðặng Giang Sơn chia sẻ: "Năm 2021, thành phố tổ chức cuộc thi trực tuyến "Tuyên truyền Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội", Ðông Anh đã tận dụng dịp này để đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng việc vận động toàn dân tham gia. Kết quả, Ðông Anh chiếm khoảng 1/8 tổng số bài thi toàn thành phố. Việc người dân tham gia giúp nhân dân hiểu hơn về các quy tắc ứng xử, từ đó, thẩm thấu vào hành động, lời nói".

Tại huyện Gia Lâm, cũng với triển khai các biện pháp gìn giữ văn hóa làng quê là xây dựng văn minh đô thị, triển khai quy tắc ứng xử nơi công cộng. Trong đó, cuộc thi "Giữ gìn ngõ phố, xanh, sạch, trang hoàng đường phố đẹp" do thành phố phát động được triển khai đến đến tất cả các thôn làng. Ðể tham gia cuộc thi, đầu tiên phải xây dựng, cải tạo các tuyến đường đẹp; tiếp đó, phải tập trung duy trì. Người dân nông thôn thường có thói quen tùy tiện trong sinh hoạt nhưng từ cuộc thi, những thói quen như tùy tiện vứt rác ra đường dần được loại bỏ. Nếp sống mới dần đi vào nền nếp.

Ðan Phượng là địa phương có cách làm sáng tạo nhất trong triển khai cuộc thi này, với tên gọi "Giữ gìn ngõ phố sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn". Huyện thành lập Ban Chỉ đạo các cấp, tổ chức chấm điểm cuộc thi theo từng tháng, từng quý. Toàn địa bàn thật sự chuyển mình khi không ai muốn bị tụt lại phía sau. Cảnh quan đẹp lên nhờ những tường hoa, bích họa, "nói không với rác thải". Ðặc biệt hơn, ý thức người dân thay đổi hẳn. Người dân không vứt rác bừa bãi, hạn chế lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, chủ động cải tạo, vệ sinh, giữ gìn cảnh quan. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ðan Phượng Ðào Thị Hồng cho biết: "Cuộc thi đã huy động được nguồn lực trong dân, nâng cao ý thức. Qua đó, cảnh quan nông thôn mới ở Ðan Phượng ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp". Ðây chính là tiền đề để Ðan Phượng phát triển thành quận trong thời gian tới.

Thời điểm "lên quận" đã cận kề với Ðảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Gia Lâm. Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm Ðặng Thị Huyền, đây đã là nhiệm kỳ thứ ba Ban Chấp hành Ðảng bộ huyện lựa chọn khâu đột phá là xây dựng kết cấu hạ tầng khung, xây dựng nếp sống văn minh đô thị. "Chúng tôi luôn xác định lên quận rồi thì không chỉ phát triển hạ tầng hiện đại, mà phải làm thế nào giữ được "chất" của Gia Lâm. Ðơn cử như hiện nay, tỷ trọng nông nghiệp của Gia Lâm chỉ còn khoảng 10% và huyện cũng hướng tới nông nghiệp sạch, sinh thái, chất lượng cao để giữ lại những khoảng xanh cho địa bàn, chứ không phải cứ đô thị hóa, công nghiệp hóa hết. Khi nông nghiệp sinh thái làm tốt cũng sẽ góp phần thúc đẩy du lịch, tạo việc làm và nâng cao chất lượng đời sống người dân".

Xây dựng, hình thành những nếp sống văn minh đô thị không phải là việc ngày một ngày hai. Nhưng con đường đó sẽ được rút ngắn lại, khi các địa phương biết tận dụng, phát huy nền tảng văn hóa tốt đẹp của làng quê.

(Còn nữa)
(★) Xem Trang Hà Nội, Báo Nhân Dân từ số ra ngày 1 và 4/8/2023.(Tiếp theo kỳ trước ) (★)