Để giảm thiểu tối đa tác hại của túi ny-lon, rác thải nhựa trên địa bàn huyện, năm 2021, Huyện ủy Cô Tô đã phê duyệt Đề án “Huyện Cô Tô không có rác thải nhựa” nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên và nhân dân; thay đổi hành vi, thói quen trong việc quản lý, sử dụng rác thải nhựa; bảo đảm các mục tiêu chiến lược của Đảng, Nhà nước về quản lý và hạn chế rác thải nhựa, ngăn chặn việc phát sinh rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường; từng bước khắc phục, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn, bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của huyện một cách bền vững.
Theo đó, với mục tiêu xây dựng Cô Tô thành huyện đảo không rác thải nhựa, từ ngày 1/9, Cô Tô sẽ thí điểm quy định du khách không mang chai nhựa, túi ny-lon, các vật liệu có nguy cơ ô nhiễm môi trường khi đi du lịch tại Cô Tô; đồng thời, kêu gọi mỗi người dân trên đảo nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động chống rác thải nhựa bằng các hành động cụ thể, thiết thực.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô Nguyễn Việt Dũng cho biết, xây dựng Cô Tô thành huyện đảo không rác thải nhựa là hoạt động lâu dài, cần có các phương án hợp lý, triển khai đồng bộ và quyết liệt. Do đó, huyện kêu gọi sự chung tay, vào cuộc với sự quyết tâm cao nhất của cả hệ thống chính trị và nhân dân phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị-xã hội và lực lượng vũ trang xây dựng chế tài, cơ sở pháp lý để thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa; đẩy mạnh tổ chức tuyên truyền, quán triệt sâu rộng bằng nhiều hình thức trực quan tới nhân dân và du khách.
Huyện đảo Cô Tô sở hữu nguồn tài nguyên quý giá từ hệ sinh thái biển-đảo, núi-rừng nguyên sinh. Thời gian qua huyện đảo đã phát triển mạnh nhiều loại hình, sản phẩm du lịch phù hợp như du lịch biển đảo, du lịch sinh thái, du lịch khám phá... Do đó, bảo vệ môi trường, hạn chế những tác động tiêu cực của rác thải nhựa chính là hoạt động có ý nghĩa quan trọng, thiết thực để phát triển du lịch một cách bền vững, gắn phát triển với bảo tồn, phục hồi nguồn tài nguyên, qua đó tạo sự bứt phá cho kinh tế du lịch, bảo đảm sinh kế người dân, đồng thời giữ được cảnh quan, môi trường tự nhiên.