Ngày 24/4, tại Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải tổ chức Hội nghị Tổng kết 5 năm thi hành Luật Đường sắt.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy cho biết, Luật Đường sắt 2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018. Đây là văn bản pháp lý quan trọng thể chế hóa kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với mọi hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt.
Luật đã có các quy định mới để phù hợp với yêu cầu phát triển của lĩnh vực đường sắt như xác định rõ vai trò chủ đạo của giao thông vận tải đường sắt trong hệ thống giao thông vận tải cả nước; vai trò của Nhà nước trong việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị.
Luật cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi và các cơ chế chính sách, ưu đãi hỗ trợ hơn nữa cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh đường sắt, phát triển công nghiệp đường sắt.
Bên cạnh đó, Luật đường sắt cũng thu hút mọi nguồn lực tham gia đầu tư, kinh doanh đường sắt, công nghiệp đường sắt; bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt; quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt; quản lý đất dành cho đường sắt; tạo cơ sở pháp lý quan trọng chuẩn bị cho việc phát triển đường sắt tốc độ cao trên trục bắc-nam.
"Nắn ray" phát triển đường sắt
Tuy nhiên, theo Phó Cục trưởng phụ trách Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) Trần Thiện Cảnh, Luật Đường sắt 2017 đến nay đã xuất hiện một số vấn đề mới phát sinh, một số tồn tại bất cập, cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu, sửa đổi.
Cụ thể, Luật Đường sắt 2017 đã có quy định về ưu tiên tập trung nguồn lực để đầu tư, phát triển, nâng cấp, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị và ưu tiên phân bổ nguồn ngân sách trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm với tỷ lệ thích đáng để bảo đảm phát triển đường sắt theo quy hoạch.
Nhưng thực tế việc bố trí kinh phí cho công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt chưa đáp ứng được nhu cầu. Nguồn vốn đầu tư dành cho phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn vốn doanh nghiệp và xã hội hóa còn hạn chế.
Bên cạnh đó, Luật Đường sắt 2017 khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện và bảo vệ lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư kinh doanh đường sắt; cho vay ưu đãi đối với đầu tư mua sắm phương tiện giao thông đường sắt; miễn thuế nhập khẩu đối với máy móc, phụ tùng, thiết bị thay thế.
Tuy nhiên, việc quy định cụ thể lại được điều chỉnh bằng các luật khác chưa có quy định hoặc có nhưng mâu thuẫn với Luật Đường sắt. Điều này dẫn đến thực tế các doanh nghiệp vận tải đường sắt vẫn chưa được hưởng nhiều ưu đãi. Ngoài ra, kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia chỉ đạt 40% nguồn kinh phí tính đủ định mức.
Ngành Đường sắt phát động phong trào "Đường tàu-Đường hoa"
Từ khi Luật Đường sắt 2017 có hiệu lực đến nay, chưa có kilomet đường sắt quốc gia nào được xây dựng thêm. Nguyên nhân theo các chuyên gia là do thiếu cơ chế chính sách mang tính đột phá để huy động nguồn lực cho phát triển, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt, nhất là đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao.
Một số chính sách về ưu đãi phát triển đường sắt, công nghiệp đường sắt, đào tạo phát triển nguồn nhân lực chưa được triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai chiến lược, quy hoạch, dự án đầu tư chưa thực sự chặt chẽ.
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức chấp hành phát luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đường sắt.
Do đó, trong Luật đường sắt mới cần bổ sung các chính sách về ưu đãi, hỗ trợ phát triển hạ tầng đường sắt nhằm thu hút các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước tham gia đầu tư. Quy định các chính sách ưu đãi, hỗ trợ kinh doanh vận tải đường sắt như: giá thuê đất đầu tư xây dựng công trình; thuế thu nhập doanh nghiệp;... nhằm thu hút các nguồn lực xã hội.
Đồng loạt thi công 3 dự án cải tạo nâng cấp đường sắt Bắc - Nam
Quy định các nội dung, danh mục công trình công nghiệp đường sắt được ưu đãi; bổ sung nội dung khuyến khích nội địa hóa, làm chủ công nghệ trong sản xuất, lắp ráp phương tiện giao thông đường sắt, bảo đảm phát triển phương tiện đồng bộ với phát triển hạ tầng.
Đặc biệt, cần bổ sung các quy định cụ thể về công tác đầu tư, xây dựng, quản lý, bảo trì, khai thác đường sắt tốc độ cao; quy định quy trình phối hợp trong quy hoạch, tiêu chuẩn xây dựng; phương pháp bảo đảm ngân sách và chủ thể xây dựng, phát triển kinh doanh đường sắt tốc độ cao.