Trong quy hoạch, ngoài nâng cấp, cải tạo 7 tuyến đường sắt hiện có (dài 2.440km) để khai thác hiệu quả; còn tập trung đầu tư xây dựng mới 16 tuyến, tổng chiều dài 4.802km; đến năm 2050, xây dựng mới 25 tuyến, dài 6.354km.
Ðối với các tuyến đường sắt đô thị, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng các dự án theo quy hoạch được phê duyệt nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải công cộng; các địa phương khác cũng đang nghiên cứu đề xuất mạng lưới đường sắt đô thị trong quy hoạch tỉnh.
Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải thừa nhận, kinh phí đầu tư đường sắt rất lớn, trong khi nguồn lực ngân sách nhà nước còn hạn chế, hiệu quả tài chính đầu tư đường sắt thấp nên khó thu hút vốn từ xã hội hóa.
Do đó, để sớm mở rộng và hiện đại hóa mạng lưới đường sắt, Bộ Giao thông vận tải mong muốn các cấp ủy đảng, chính quyền, nhân dân các địa phương đồng thuận, ủng hộ trong quá trình lập quy hoạch tỉnh, nghiên cứu quy hoạch khu đô thị, khu công nghiệp, cảng biển, cảng cạn, trung tâm logistics,... gắn kết với các khu ga để phát huy hiệu quả, tạo nguồn lực đầu tư phát triển đường sắt,...