Xây dựng chính quyền số, công dân số: Cơ hội, thách thức và thực tiễn tại Đắk Lắk

NDO - Tỉnh Đắk Lắk thực hiện mục tiêu xây dựng chính quyền số, công dân số; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Sử dụng công nghệ số để nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.
Cán bộ, công chức giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân ở Đắk Lắk.
Cán bộ, công chức giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân ở Đắk Lắk.

Thực tiễn xây dựng Chính quyền số ở Đắk Lắk

Theo đồng chí Trương Hoài Anh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk, việc xây dựng chính quyền số, công dân số mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra một số thách thức.

Trong thời gian qua, tận dụng các cơ hội và nỗ lực vượt qua các khó khăn thách thức trong công tác xây dựng chính quyền số, công dân số tại tỉnh Đắk Lắk đã mang lại một số kết quả nhất định.

Về chính quyền số, xây dựng chính quyền số là một trong những mục tiêu quan trọng mà tỉnh Đắk Lắk hướng tới, trong đó tập trung hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành, triển khai thực hiện nhiệm vụ...

Qua đó, làm đổi mới căn bản hoạt động của bộ máy chính quyền, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Cụ thể, về thể chế, Đắk Lắk đã ban hành Nghị quyết của Tỉnh ủy, các kế hoạch, văn bản chỉ đạo nhằm xây dựng Chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và năm 2024.

Hàng năm, tỉnh đã tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia và Ngày Chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk năm 2024 nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số cũng như thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân nhằm bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.

Các tin bài về các hoạt động chuyển đổi số của tỉnh thường xuyên được cập nhật trên Cổng thông tin điện tử về chuyển đổi số của tỉnh, chuyên mục về chuyển đổi số trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và các cơ quan đơn vị trên địa bàn tỉnh.

Kênh truyền thông “Chính quyền điện tử tỉnh Đắk Lắk” đã được xây dựng từ năm 2017 và đã có trên 27.000 người quan tâm và theo dõi. Kênh truyền thông “Chính quyền điện tử tỉnh Đắk Lắk” đăng tải các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước và của tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của Nhân dân mọi lúc, mọi nơi. Kênh truyền thông “Chính quyền điện tử tỉnh Đắk Lắk” không chỉ để tiếp nhận phản hồi, góp ý của người dân và doanh nghiệp mà còn là một công cụ để cung cấp dịch vụ công, nộp hồ sơ trực tuyến…

Về hạ tầng số, mạng truyền số liệu chuyên dùng của tỉnh được mở rộng với 235 điểm đảm bảo về kỹ thuật, an toàn thông tin phục vụ việc kết nối, liên thông 4 cấp từ Trung ương đến tỉnh và đến tất cả các sở, ban, ngành; 15 UBND huyện, thị xã, thành phố; 184 UBND xã, phường, thị trấn.

Trung tâm dữ liệu của tỉnh đã triển khai ứng dụng công nghệ điện toán đám mây để nâng cao năng lực, có hạ tầng lưu trữ dữ liệu riêng (duy trì vận hành) để lưu trữ, phục vụ phát triển các nền tảng, dữ liệu của các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Nền tảng, tích hợp chia sẻ dữ liệu tỉnh (LGSP): thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu các phần mềm, cơ sở dữ liệu của tỉnh đến các bộ, ngành Trung ương thông qua Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP). Kết quả: Đã kết nối đến Nền tảng tích họp chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP) với 17 dịch vụ; kết nối nội tỉnh thông qua Nền tảng LGSP với 8 dịch vụ.

Hệ thống Hội nghị họp trực tuyến: được đầu tư, nâng cấp mở rộng và triển khai từ tỉnh đến 15 huyện, thị xã, thành phố, 184 xã, phường, thị trấn với tổng số 218 điểm cầu và tổ chức 113 hội nghị trực tuyến của Trung ương đến UBND tỉnh, của Trung ương chuyển tiếp đến cấp huyện; giữa UBND tỉnh với UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Xây dựng chính quyền số, công dân số: Cơ hội, thách thức và thực tiễn tại Đắk Lắk ảnh 1

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk Trương Hoài Anh phát biểu tại kỷ niệm 20 năm thành lập Sở.

Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành: đã được triển khai bảo đảm liên thông 4 cấp chính quyền. 100% các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố,

UBND các xã, phường, thị trấn đã ứng dụng Phần mềm quản lý văn bản và điều hành của tỉnh vào công tác chỉ đạo, điều hành và gửi, nhận văn bản điện tử liên thông giữa các cơ quan trong tỉnh, liên thông với các bộ, ngành Trung ương qua trục liên thông văn bản quốc gia.

Đến nay, 100% các cơ quan Nhà nước các cấp của tỉnh đã thực hiện việc gửi, nhận văn bản điện tử, tỷ lệ văn bản điện tử ký số đạt trên 96%. Ứng dụng chứng thư số, chữ ký số được triển khai đến 100% cơ quan nhà nước của tỉnh, từ cấp tỉnh đến cấp xã. Đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ cấp phát 8.245 bộ Chứng thư số cho tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh: Triển khai đồng bộ và kết nối với Hệ thống được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.

Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính được xây dựng và đưa vào vận hành tại địa chỉ: http://dichvucong.daklak.gov.vn và được triển khai đến 100% các sở, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh.

Đến tháng 11/2024, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đã tích hợp, kết nối và cung cấp 1.686 dịch vụ công trực tuyến của tỉnh trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; kết nối, chia sẻ thông tin dữ liệu với Hệ thống đánh giá Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp của Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Hệ thống phần mềm lõi triển khai cho DAKLAK IOC kết nối, chia sẻ dữ liệu với các ứng dụng để quản lý và giám sát các dịch vụ, bước đầu thực hiện tổng hợp dữ liệu, theo dõi giám sát để hỗ trợ công tác chỉ đạo điều hành.

Các hệ thống Phản ánh hiện trường, Giám sát An ninh trật tự và An toàn giao thông phải kết nối với hệ thống phần mềm lõi để cung cấp dữ liệu phục vụ các dịch vụ giám sát và điều hành.

Hệ thống thu thập dữ liệu từ các hệ thống phần mềm chuyên ngành, phân tích đánh giá các chỉ tiêu của các lĩnh vực phục vụ các dịch vụ giám sát và điều hành.

Phát triển công dân số, xã hội số ở Đắk Lắk

Hiện nay, việc xây dựng xã hội số được hình thành dựa trên phát triển công dân số. Theo đó, nhiều tiện ích, cơ sở hạ tầng được các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm đầu tư xây dựng, triển khai phục vụ phát triển công dân số.

Về việc cung cấp dịch vụ công đến người dân, doanh nghiệp trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, đến tháng 11/2024 có 29.971 giao dịch thanh toán trực tuyến, với tổng số tiền hơn 33 tỷ đồng; trong đó giao dịch thành công hơn 15 tỷ đồng, không thành công gần 18 tỷ đồng.

100% hồ sơ thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp được tiếp nhận, giải quyết trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Đắk Lắk đã được nâng cấp và hoàn thiện kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân. Tổng số tài khoản trên kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh là 233.176 tài khoản. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Đắk Lắk đã hoàn thành việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng Dịch vụ công quốc gia để phục vụ việc chia sẻ, tái sử dụng dữ liệu đã được số hoá trong toàn quốc thống nhất, hiệu quả.

Về kênh tương tác giữa chính quyền và người dân, tỉnh đã xây dựng và chạy trên nền tảng ứng dụng di động và nền tảng Zalo với mục tiêu trở thành kênh giao tiếp tổng hợp chính thức và duy nhất cho việc trao đổi thông tin giữa chính quyền và người dân, doanh nghiệp; nhằm xây dựng nền hành chính phục vụ hiện đại, hiệu quả.

Bên cạnh đó, ứng dụng còn cho phép người dân tra cứu các tiện ích cơ bản như:

Thủ tục hành chính, thông tin quy hoạch. Ngoài ra, người dân có thể tạo phản ánh trên ứng dụng cho chính quyền xử lý và theo dõi tiến độ cũng như hiệu quả công việc của chính quyền.

Đến thời điểm hiện tại, ứng dụng đã có hơn 50.000 lượt tải và cài đặt ứng dụng cho phiên bản trên điện thoại thông minh; 16.434 lượt sử dụng cho phiên bản trên nền tảng ứng dụng Zalo. 10.254 phản ánh và 49.080 lượt người dân đăng ký.

Trên địa bàn tỉnh có 184 điểm phục vụ của mạng bưu chính công cộng có kết nối Internet băng rộng cố định.

Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh và bộ phận một cửa các huyện, thị xã, thành phố đã cung cấp điểm giải đáp thắc mắc và hỗ trợ người dân về chuyển đổi số và công nghệ số. Tỷ lệ các cơ sở y tế từ cấp xã trở lên có kết nối hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa đạt 60%.

100% ngân hàng trên địa bàn đã cung cấp các dịch vụ tài chính - ngân hàng điện tử đến các đối tượng là người dân. Tỉnh có trên 80% người dân độ tuổi từ 15 tuổi trở lên đã có tài khoản ngân hàng để thực hiện giao dịch.

Công an tỉnh đã thực hiện cấp danh tính số cho khoảng 80% dân số đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh.

Các cơ sở giáo dục đã ứng dụng phần mềm quản lý nhà trường vào việc kết nối giữa nhà trường và phụ huynh.

Những hạn chế cần khắc phục và định hướng phát triển Chính quyền số, công dân số

Xây dựng chính quyền số, công dân số: Cơ hội, thách thức và thực tiễn tại Đắk Lắk ảnh 2

Các cá nhân nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk do có thành tích xuất sắc trong dịp Kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số của tỉnh, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai xây dựng Chính quyền số, phát triển công dân số, xã hội số của tỉnh vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục:

Một là, hạ tầng số, các nền tảng số chưa hoàn thiện, việc kết nối, chia sẻ các hệ thống từ TW tới địa phương chưa đáp ứng nhu cầu đặt ra.

Hai là, một số cơ quan, đơn vị và địa phương chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của chuyển đổi số.

Ba là, sự tham gia, vào cuộc của doanh nghiệp, người dân còn hạn chế.

Bốn là, nguồn nhân lực số, năng lực số cho chuyển đổi số còn chưa đáp ứng được nhu cầu cả về số lượng, chất lượng; phường, xã chưa có cán bộ phụ trách công nghệ thông tin nên việc triển khai các ứng dụng, dịch vụ công nghệ thông tin còn gặp nhiều khó khăn.

Năm là, công tác an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Sáu là, sự quan tâm bố trí kinh phí đầu tư cho chuyển đổi số chưa đúng mức.

Bảy là, trình độ sử dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của người dân còn hạn chế nên việc tiếp cận, cài đặt sử dụng các nền tảng số còn gặp nhiều khó khăn.

Để phát huy kết quả đạt được, hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu của tỉnh, trong thời gian tới, UBND tỉnh Đắk Lắk đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cụ thể như sau:

Thứ nhất là tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu qủa quản lý nhà nước, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.

Thứ hai là tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của tỉnh; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực phục vụ quá trình chuyển đổi số.

Thứ ba là tỉnh sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công vào xây dựng hạ tầng số tập trung, thống nhất đảm bảo hạ tầng và an toàn bảo mật để phục vụ chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh.

Thứ tư là triển khai đồng bộ mạng băng thông rộng chất lượng cao trên địa bàn toàn tỉnh, phát triển mạnh mẽ mạng di động 5G, nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại di động thông minh.

Thứ năm là tăng cường hợp tác công tư, hợp tác với các doanh nghiệp và tổ chức tư nhân để phát triển các ứng dụng và dịch vụ công dân số, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm và nguồn lực.

Thứ sáu là tạo điều kiện cho sự tham gia của công dân, tạo ra các cơ chế và kênh thông tin để khuyến khích sự tham gia của công dân trong việc sử dụng và đóng góp ý kiến vào các dịch vụ và quyết định của chính quyền.

Thứ bảy là bảo vệ thông tin cá nhân, phát triển các biện pháp bảo vệ thông tin cá nhân và quyền riêng tư của người dân khi sử dụng các dịch vụ công dân số.

Thứ tám là hoàn thiện Dự án xây dựng hạ tầng chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030.