Xây dựng bộ tiêu chí để lựa chọn dự án và đánh giá hiệu quả đầu tư nước ngoài

NDO - Cần có các điều khoản quy định về điều kiện, tiêu chí lựa chọn dự án FDI nhằm tạo hành lang pháp lý để các địa phương chủ động xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư trước khi quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Ngày 23/5, Viện Nghiên cứu Đầu tư quốc tế (ISC) phối hợp Đại sứ quán Australia tại Hà Nội tổ chức hội nghị nghiệm thu và công bố kết quả nghiên cứu xây dựng hai bộ tiêu chí về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam.

Đó là Tiêu chí về thẩm định dự án FDI thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và tiêu chí giám sát, đánh giá hiệu quả FDI trên địa bàn tỉnh.

Tham dự hội nghị có hơn 100 đại biểu đại diện cho các cơ quan liên quan ở Trung ương và địa phương, các tổ chức quốc tế, Hiệp hội doanh nghiệp tại Việt Nam và nhiều học giả, chuyên gia về đầu tư quốc tế.

Tiến sĩ Ngô Công Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên ISC cho biết, để xây dựng hai bộ tiêu chí nói trên, ISC đã tổ chức đoàn công tác đến làm việc với các cơ quan chức năng của nhiều địa phương và tổ chức ba hội thảo tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để xin ý kiến chuyên gia, các bộ, ngành và các địa phương trong cả nước.

Bộ tiêu chí thẩm định Đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án FDI sẽ hỗ trợ Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan chức năng cấp tỉnh thực thi dễ dàng hơn nhiệm vụ rà soát, xử lý lựa chọn dự án đầu tư, rút ngắn thời gian thẩm định và trả lời nhà đầu tư nước ngoài khi xem xét hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư.

Bộ tiêu chí giám sát, đánh giá hiệu quả FDI trên địa bàn cấp tỉnh cung cấp công cụ hữu hiệu để tỉnh ủy và chính quyền tỉnh giám sát, đánh giá đúng vị trí, vai trò và đóng góp của khu vực FDI đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương cũng như kết quả đạt được các mục tiêu đã đặt ra trong việc hợp tác đầu tư với nước ngoài.

Theo Tiến sĩ Phan Hữu Thắng, Chủ tịch ISC, những năm gần đây Việt Nam chuyển sang thu hút FDI thế hệ mới có chất lượng và hiệu quả cao hơn. Khu vực FDI đã phát triển nhanh và đạt được những thành công nhất định, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, việc thu hút và sử dụng FDI thời gian qua còn một số hạn chế, bất cập. Đó là liên kết và hiệu ứng lan tỏa năng suất và công nghệ của khu vực FDI đến khu vực trong nước còn thấp; tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện thấp so với vốn đầu tư đăng ký.

Ngoài ra còn có tình trạng một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chưa tuân thủ nghiêm túc quy định của pháp luật Việt Nam về bảo vệ môi trường; một số doanh nghiệp FDI còn có hành vi chuyển giá.

Xây dựng bộ tiêu chí để lựa chọn dự án và đánh giá hiệu quả đầu tư nước ngoài ảnh 1

Những năm gần đây Việt Nam chuyển sang thu hút FDI thế hệ mới có chất lượng và hiệu quả cao hơn.

Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có các điều khoản quy định về điều kiện, tiêu chí lựa chọn dự án FDI nhằm tạo hành lang pháp lý để các địa phương chủ động xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư trước khi quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, các tiêu chí quy định về lựa chọn dự án FDI phân tán ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau nên khi áp dụng vào thực tế có thể dẫn đến sai sót, lọt lưới các dự án không mong muốn.

Các báo cáo về FDI hiện nay chủ yếu đánh giá FDI dựa trên các chỉ tiêu kết quả thu hút và sử dụng FDI cũng như đóng góp của khu vực FDI cho nền kinh tế. Chưa có bộ tiêu chí đầy đủ đánh giá hiệu quả FDI thống nhất ở các cấp, các ngành, các địa phương làm căn cứ cho việc giám sát, đánh giá hiệu quả thu hút và sử dụng FDI trên phạm vi quốc gia cũng như trong từng địa phương.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Cosimo Thawley, Tham tán công sứ, Trưởng đại diện khu vực Đông Nam Á Bộ Ngân khố Australia, đánh giá cao kết quả nghiên cứu của các chuyên gia ISC và tin tưởng rằng, hai Bộ tiêu chí về FDI mà ISC đề xuất sẽ là các công cụ hữu ích hỗ trợ Lãnh đạo và các cơ quan chức năng cấp tỉnh thực thi nhiệm vụ tốt hơn, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài ở các địa phương theo tinh thần Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị Khóa XII Đảng Cộng sản Việt Nam.