Đón dòng vốn FDI dịch chuyển sang Việt Nam

Năm 2024 được dự báo là điểm khởi đầu của làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lần thứ tư vào Việt Nam. Nhiều địa phương đã chủ động chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để sẵn sàng đón dòng vốn ngoại, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất linh kiện ô-tô tại Công ty TNHH Pim Vina (FDI Hàn Quốc) ở Khu công nghiệp Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Ðịnh. (Ảnh TTXVN)
Sản xuất linh kiện ô-tô tại Công ty TNHH Pim Vina (FDI Hàn Quốc) ở Khu công nghiệp Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Ðịnh. (Ảnh TTXVN)

Sự dịch chuyển các chuỗi sản xuất toàn cầu, nhất là trong các ngành công nghệ lõi, công nghệ chíp, công nghệ của tương lai đang mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam thu hút vốn FDI công nghệ cao. Quý I/2024, Việt Nam tiếp tục đón nhận 6,17 tỷ USD vốn FDI trong 17/21 ngành kinh tế, tăng 13,4% so cùng kỳ.

Thu hút dự án công nghệ cao

Trong buổi làm việc với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Ðoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đến làm việc tại Bắc Kinh và Thượng Hải cuối tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Ðào cho biết, hiện nay, một số chuỗi sản xuất của Trung Quốc như dệt may, đồ gia dụng, đồ gỗ… đã chuyển sang Việt Nam. Ðầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng, nhất là trong lĩnh vực điện tử. Nhiều doanh nghiệp phụ trợ của Trung Quốc cung cấp sản phẩm cho các hãng điện tử lớn toàn cầu như Samsung, Apple cũng đặt nhà máy ở Việt Nam sau khi khảo sát tại những quốc gia cạnh tranh khác.

Trong xu thế chuyển dịch đó, Tập đoàn Quanta Computer Inc (Ðài Loan-Trung Quốc) quyết định xây dựng nhà máy sản xuất máy tính thứ 9 trên thế giới tại khu công nghiệp Mỹ Thuận, tỉnh Nam Ðịnh với quy mô vốn đăng ký 120 triệu USD, công suất 4,5 triệu sản phẩm/năm trong giai đoạn 1. Quanta Computer là một trong những nhà sản xuất máy tính lớn nhất thế giới, chuyên lắp ráp MacBook cho Apple.

Ðể đón “đại bàng” về xây tổ, ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực HÐND tỉnh Nam Ðịnh cho biết trước đó, tỉnh đã chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện về quỹ đất hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế; nguồn nhân lực; hạ tầng năng lượng; phát triển công nghiệp phụ trợ và luôn đồng hành với nhà đầu tư. Vì vậy, quy trình cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án được hoàn tất chỉ trong khoảng 24 giờ kể từ khi nhà đầu tư nộp hồ sơ hợp lệ và chỉ sau 15 ngày ký Thỏa thuận phát triển dự án.

Trong thực tế, việc hình thành hệ sinh thái hỗ trợ tại Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng để thu hút dòng vốn FDI đang dịch chuyển. Khi tìm hiểu cơ hội đầu tư tại một địa phương, nhà đầu tư nước ngoài thường xem xét yếu tố ưu tiên là đã có doanh nghiệp FDI lớn đầu tư tại địa phương đó hay chưa. Do đó, việc thu hút được “đại bàng” đến làm tổ hay động thái mở rộng quy mô sản xuất của các nhà đầu tư hiện hữu có ý nghĩa rất quan trọng. Tính đến quý I/2024, Nam Ðịnh có gần 170 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 4,1 tỷ USD.

Hiện đang có làn sóng đầu từ FDI mới vào Việt Nam. Trong chính sách hướng nam của Hàn Quốc, Việt Nam được xác định là vị trí số một về thu hút đầu tư, nhiều Biên bản ghi nhớ (MOU) giữa doanh nghiệp hai nước đã và đang được triển khai kể từ sau chuyến thăm chính thức của Tổng thống Hàn Quốc đến Việt Nam tháng 6/2023.

Ðỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Ðầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư)

Ðối với dòng đầu tư của Nhật Bản tuy có sự chững lại do đồng Yên mất giá nhưng Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản đánh giá nhiều doanh nghiệp nước này đang ấp ủ dự án đầu tư vào Việt Nam. Trong khi đó, Trung Quốc hiện nổi lên là một quốc gia đầu tư vào Việt Nam rất mạnh mẽ với nhiều dự án quy mô lớn thuộc tập đoàn tốp 10 thế giới đang chuẩn bị triển khai.

Cục trưởng Ðỗ Nhất Hoàng cũng khẳng định tiêu chí thu hút đầu tư của Việt Nam trong giai đoạn này là hướng đến công nghệ cao, công nghệ mới, không tiếp nhận dự án công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn ô nhiễm môi trường, thâm dụng lao động. Làn sóng đầu tư thứ tư dự kiến còn được bồi đắp bởi dòng vốn đầu tư của Mỹ khi rất nhiều đoàn doanh nghiệp đang khảo sát hệ sinh thái về chíp bán dẫn tại Việt Nam. Cũng trong giai đoạn này, nhiều đoàn doanh nghiệp châu Âu xúc tiến đầu tư vào Việt Nam và rất quan tâm đến chiến lược tăng trưởng xanh, hiện thực hóa cam kết giảm phát thải bằng 0 vào năm 2050.

Xây dựng đội ngũ doanh nghiệp nội địa mạnh

Thông tin đến nhà đầu tư về sự chuẩn bị của Việt Nam trước cơ hội đón làn sóng FDI mới, Cục trưởng Ðỗ Nhất Hoàng cho biết, Việt Nam đã và đang tập trung chuẩn bị quỹ đất sạch thông qua phát triển hệ thống hạ tầng khu công nghiệp; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đầu tư các nguồn điện mới, phát triển ngành dịch vụ logistics và nhất là đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.

“Trước đây, khi nhà đầu tư FDI vào Việt Nam muốn gặp giám đốc Sở để kiến nghị là rất khó, nhưng hiện nay hoàn toàn có thể đối thoại trực tiếp với lãnh đạo tỉnh. Các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh sẵn sàng gặp nhà đầu tư để tìm ra các phương án tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp”, Cục trưởng Ðỗ Nhất Hoàng chia sẻ.

Theo bà Phí Thị Hương Nga, Vụ trưởng Thống kê Công nghiệp và Xây dựng, Tổng cục Thống kê, kết quả thu hút FDI quý đầu năm 2024 đã khẳng định niềm tin của các doanh nghiệp nước ngoài vào môi trường đầu tư của Việt Nam và tiếp tục đưa ra các quyết định đầu tư mới cũng như mở rộng dự án hiện hữu. Các nhà đầu tư nước ngoài đã rót vốn vào 42 tỉnh, thành phố trong cả nước, cho thấy môi trường đầu tư Việt Nam được cải thiện, hấp dẫn với nhiều ưu thế vượt trội. Ðáng lưu ý, nhiều dự án lớn trong các lĩnh vực năng lượng như sản xuất pin, tế bào quang điện, các dự án sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng đã được đầu tư mới và mở rộng vốn.

Năm 2024 được dự báo là điểm khởi đầu của làn sóng đầu tư nước ngoài thứ tư vào Việt Nam. Nhiều địa phương đã chủ động chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để sẵn sàng đón dòng vốn ngoại, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ðể thu hút các dự án công nghệ cao, các chuyên gia kinh tế kiến nghị Chính phủ cần nâng cao tính cạnh tranh bằng cách tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, xây dựng khung chính sách khuyến khích đầu tư phù hợp khi áp dụng cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu từ ngày 1/1/2024.

Ðặc biệt, Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước để hình thành lực lượng doanh nghiệp nội địa mạnh, đủ sức tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, sản xuất của các doanh nghiệp FDI ở phân khúc có công nghệ cao, hình thành hệ sinh thái cho ngành công nghiệp bán dẫn.