Dòng vốn FDI chảy mạnh

Gam màu sáng của bức tranh kinh tế Việt Nam quý I/2024 có phần đóng góp lớn của khu vực doanh nghiệp có vốn trực tiếp nước ngoài (FDI).
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Bumjin Electronics Vina (Khu công nghiệp Đông Mai, Quảng Yên, Quảng Ninh). Ảnh | KHÁNH AN
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Bumjin Electronics Vina (Khu công nghiệp Đông Mai, Quảng Yên, Quảng Ninh). Ảnh | KHÁNH AN

Ðiểm đến hàng đầu thu hút đầu tư

Đầu tháng 4/2024, Công ty TNHH Nước giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam (Suntory PepsiCo Việt Nam) đã khởi công xây dựng nhà máy thứ 6 tại Khu công nghiệp Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 300 triệu USD, đây sẽ là nhà máy có quy mô lớn và hiện đại nhất của Tập đoàn trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Ông Jahanzeb Khan, Tổng Giám đốc điều hành Suntory PepsiCo Việt Nam cho biết, dự kiến, nhà máy này sẽ được vận hành bằng năng lượng tái tạo, như nhiên liệu sinh khối và năng lượng mặt trời, giúp giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính xuyên suốt hoạt động sản xuất; cho ra đời các sản phẩm có bao bì được làm từ 100% nhựa tái sinh, song hành với việc ứng dụng các sáng kiến nhằm tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên trong sản xuất. “Dự án là bước tiến mạnh mẽ của Công ty trong việc cùng hiện thực hóa các cam kết bền vững của Chính phủ Việt Nam”, ông Jahanzeb Khan nhấn mạnh.

Có thể nói, sau cam kết Việt Nam sẽ thực hiện mục tiêu mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP 26 (Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu), nhiều tập đoàn lớn đã lựa chọn Việt Nam là điểm đến của các kế hoạch tăng trưởng xanh, kinh tế xanh.

Cách đây hơn một tháng, đoàn 80 doanh nghiệp Hà Lan đã đến Việt Nam, mang theo các kế hoạch chuyển giao công nghệ, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực đóng tàu, cảng biển, chất bán dẫn, năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, cung cấp vật liệu tham gia đề án xây dựng 1 triệu nhà ở xã hội... Tương tự, các doanh nghiệp châu Âu khác, nhất là doanh nghiệp Đức, Bỉ cũng tìm kiếm cơ hội từ cam kết net zero của Việt Nam.

Đáng nói là, dù là các ngành truyền thống hay các ngành công nghệ cao, Việt Nam đều đang được nhắc đến ở vị trí hàng đầu về địa điểm đầu tư. Thông tin được ông Thạch Thụy Kỳ, Trưởng đại diện Văn phòng kinh tế văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam chia sẻ tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Đài Loan (Trung Quốc) 2024.

Dẫn kết quả từ một cuộc khảo sát, ông Thạch Thụy Kỳ cho biết, Việt Nam và Philippines được bình chọn là điểm đến hàng đầu cho dòng vốn đầu tư vào các ngành truyền thống. Còn trong các ngành điện tử công nghệ cao, Việt Nam là lựa chọn đầu tiên, sau đó mới đến Indonesia, Ấn Độ hay Philippines.

Và những kế hoạch phía trước

Hầu hết các tập đoàn điện tử lớn của Đài Loan (Trung Quốc) như Foxconn, Wistron, Qisda, Pegatron, Compal, Quanta... đều đã đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, để tiếp tục thu hút mạnh mẽ hơn dòng vốn đầu tư, bài toán thiếu điện, xây dựng cơ chế nhằm giảm thiểu tác động của thuế tối thiểu toàn cầu, đồng thời tích cực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong các ngành điện tử, bán dẫn... đang được các doanh nghiệp đặt ra.

Ông CY Huang, Chủ tịch sáng lập Liên minh Ảnh hưởng Đông Nam Á cho rằng, trong dài hạn, các doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) đang tính tới việc hợp nhất các nhà cung cấp thượng nguồn và hạ nguồn để giảm chi phí và nâng cao hiệu quả. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp tính tới việc chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam. “Khi đó, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực sẽ là yếu tố tiên quyết”, ông CY Huang nhấn mạnh.

Trong các cuộc làm việc với Chính phủ cùng các bộ, ngành của Việt Nam gần đây, cộng đồng doanh nghiệp FDI có chung đề nghị “cần có các biện pháp để giải quyết vấn đề cấp điện không ổn định”. Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc (Kocham) bày tỏ: “Đối với các công ty Hàn Quốc mong muốn đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao, việc thiếu điện là một yếu tố quan trọng làm trì hoãn quyết định đầu tư của họ. Các công ty toàn cầu khác trong ngành công nghiệp công nghệ cao có thể gặp tình hình tương tự”.

Cụ thể hơn, các nhà đầu tư Nhật Bản tiếp tục chờ đợi khung pháp lý và các hướng dẫn thực hiện cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án phát triển điện lực, bao gồm quy định liên quan đến việc sử dụng vùng biển cho các dự án nhà máy điện gió ngoài khơi quy mô lớn, nới lỏng điều kiện cho Hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA) trong các dự án năng lượng tái tạo và xem xét cơ chế định giá hiện tại đối với sản xuất điện sinh khối/điện rác. Cùng với đó là đề nghị bảo đảm tiến độ triển khai Quy hoạch điện 8 và bảo đảm môi trường hấp dẫn “có khả năng huy động vốn” để thu hút vốn đầu tư dài hạn vào phát triển cơ sở hạ tầng...

“Chúng tôi kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ cấp giấy phép kinh doanh và các loại giấy phép khác. Chúng tôi cũng mong muốn được đóng góp ý kiến từ góc độ doanh nghiệp FDI trong quá trình sửa đổi các quy định về thuế, thí dụ như sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng và Thuế tối thiểu toàn cầu”, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) Kinoshita Tadahiro bày tỏ quan điểm.

Cơ hội đón dòng vốn mới

Quý I năm nay tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng sáng sủa của thu hút và giải ngân vốn FDI. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lũy kế đến ngày 20/3/2024, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam ước đạt 6,17 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ.

Giải ngân vốn FDI cũng đạt kết quả khả quan trong bối cảnh dòng vốn FDI quốc tế phục hồi chậm, với kết quả là 4,63 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giải ngân cao nhất cùng kỳ giai đoạn 2017-2024.

“Thu hút vốn FDI tăng trưởng tích cực trong bối cảnh Việt Nam ngày càng mở rộng quan hệ với nhiều đối tác lớn và xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng vẫn diễn ra. Thực tế đã khẳng định niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào triển vọng kinh tế Việt Nam”, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nhận định. Ông cũng nhắc tới dự báo phục hồi của hoạt động thương mại quốc tế và đầu tư FDI toàn cầu, với mức tăng lần lượt 2,3% và 2,4-3% so với năm 2023, khi lạm phát hạ nhiệt đáng kể, xuống mức khoảng 3,5-4% (từ mức 5,7% năm 2023) và nhiều nước sẽ nới lỏng tiền tệ trong năm nay. Đây là thời điểm cần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tập trung vào phát huy các động lực tăng trưởng truyền thống; khai thác tốt hơn các động lực tăng trưởng mới và cũng là xu thế tất yếu toàn cầu: kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, liên kết vùng.

Cụ thể, các cơ chế thử nghiệm - Sandbox, cơ chế thí điểm, đề án phát triển thị trường tín chỉ carbon, kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII, cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp FDI khi Việt Nam áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu... cần sớm được ban hành và thực thi. Cùng với đó là các chính sách thúc đẩy tăng trưởng của các đầu tàu kinh tế như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng nhằm tăng tính lan tỏa, cộng sinh.

Tất nhiên, không thể không nhắc đến các dự báo triển vọng năm 2024 đang kém sáng sủa hơn, khi các tổ chức quốc tế đánh giá kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, rủi ro khi các nền kinh tế lớn phục hồi chậm, thậm chí một số nền kinh tế có thể giảm tốc độ tăng trưởng (như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản...). Song, các chuyên gia cho rằng, đây là thời điểm để Việt Nam lựa chọn các dòng vốn FDI chất lượng, phục vụ cho giai đoạn phát triển dựa vào năng suất, chất lượng. Và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục là chìa khóa giúp mở ra những cơ hội tươi sáng hơn.