Ngày 27/3, Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa ra cảnh báo về triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới, theo đó trung bình tiềm năng tăng trưởng kinh tế toàn cầu giai đoạn 2022-2030 sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong ba thập kỷ là 2,2% mỗi năm, mở ra một "thập kỷ mất mát" cho nền kinh tế thế giới, trừ khi các nhà hoạch định chính sách áp dụng các sáng kiến mạnh mẽ để thúc đẩy nguồn cung lao động, năng suất và đầu tư.
Theo báo cáo của WB, tiềm năng tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại trên diện rộng và việc không thể đảo ngược quá trình này sẽ tác động sâu sắc đến khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm đói nghèo.
Tuy nhiên, WB cũng lưu ý những nỗ lực hợp tác để thúc đẩy đầu tư trong các lĩnh vực bền vững, cắt giảm chi phí thương mại, thúc đẩy tăng trưởng dịch vụ và mở rộng sự tham gia của lực lượng lao động có thể thúc đẩy tăng trưởng GDP tiềm năng thêm 0,7 điểm phần trăm, lên mức 2,9%.
Báo cáo của WB đánh giá các cuộc khủng hoảng liên tiếp những năm gần đây, như đại dịch Covid-19 và xung đột Nga-Ukraine, đã chấm dứt gần ba thập kỷ tăng trưởng kinh tế bền vững, làm gia tăng lo ngại về năng suất chậm lại, yếu tố cần thiết cho tăng trưởng thu nhập và tiền lương.
Do đó, tiềm năng tăng trưởng GDP trung bình của kinh tế toàn cầu được dự đoán sẽ giảm xuống 2,2% trong giai đoạn 2022-2030, từ mức 2,6% trong giai đoạn 2011-2021 và thấp hơn gần 33% so với mức 3,5% trong giai đoạn 2000-2010.
Đầu tư thấp sẽ làm tăng trưởng chậm lại ở các nền kinh tế đang phát triển, với mức tăng trưởng GDP trung bình của các nền kinh tế này giảm xuống 4% trong những năm còn lại của thập niên 2020, từ mức 5% trong giai đoạn 2011-2021 và 6% của giai đoạn 2000-2010.
Ngoài ra, năng suất có khả năng tăng ở mức chậm nhất kể từ năm 2000, tăng trưởng đầu tư trong giai đoạn 2022-2024 cũng sẽ chỉ bằng 50% so với tốc độ đã thấy trong 20 năm qua và thương mại quốc tế đang tăng trưởng với tốc độ chậm hơn nhiều.
Theo WB, để thay đổi quỹ đạo và thu hút thêm đầu tư, các nhà hoạch định chính sách nên ưu tiên kiềm chế lạm phát, bảo đảm ổn định khu vực tài chính và giảm nợ.
Tăng cường "đầu tư xanh" đối với giao thông vận tải, năng lượng, sản xuất và nông nghiệp thông minh, cũng như hệ thống đất và nước có thể thúc đẩy tăng trưởng tiềm năng lên tới 0,3% mỗi năm. Việc giảm chi phí liên quan đến vận chuyển, hậu cần và chính sách cũng có thể thúc đẩy thương mại.
Đẩy mạnh xuất khẩu các dịch vụ kỹ thuật số có thể giúp tăng cao năng suất, nâng cao tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ và những thành phần khác, từ đó nâng tốc độ tăng trưởng tiềm năng toàn cầu lên 0,2 điểm phần trăm mỗi năm vào năm 2030.
Tốc độ tăng trưởng GDP trung bình là một chỉ số của nền kinh tế toàn cầu, phản ánh tốc độ tăng trưởng dài hạn tối đa mà kinh tế toàn cầu có thể đạt được mà không gây ra lạm phát quá mức.