Sau gần ba năm thực hiện các biện pháp hạn chế dịch bệnh nghiêm ngặt, vào tháng 12/2022, Trung Quốc đã chấm dứt chính sách Zero Covid vốn đã gây thiệt hại cho nền kinh tế nước này và kinh tế thế giới. Tình hình đang dần "đảo chiều" tại Trung Quốc khi các hoạt động kinh tế được phục hồi nhanh, đưa Trung Quốc trở lại thành động lực tăng trưởng quan trọng nhất của toàn cầu. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 5,2% trong năm 2023, tăng 0,8 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 10/2022. Đại diện thường trú IMF tại Trung Quốc Steven Barnett cho rằng, năm nay Trung Quốc sẽ đóng góp 30% tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Trong khi đó, mối lo kinh tế thế giới lâm vào suy thoái cũng đã được loại bỏ khi nền kinh tế số 1 thế giới là Mỹ có dấu hiệu hồi phục tốt. Thống kê cho thấy những tín hiệu mới đáng chú ý từ nền kinh tế này như số lượng đơn đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp theo tuần tính đến ngày 23/2 chỉ là 192.000 đơn, thấp nhất trong 53 năm qua; doanh số bán lẻ trong tháng 1 và hoạt động kinh doanh trong tháng 2 tiếp tục khả quan. Trong dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2023, IMF cho rằng mức tăng trưởng GDP của Mỹ có thể đạt 1,4%, tăng từ mức dự báo 1% được đưa ra hồi tháng 10/2022. Cũng theo IMF, Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đạt tăng trưởng tương tự, với mức tăng trưởng năm 2023 được dự báo là 0,7%, so với mức dự báo 0,5% hồi tháng 10 năm 2022.
Một điểm đáng chú ý nữa là "bức tranh thương mại" toàn cầu đã sáng sủa hơn, nhất là sau khi đại dịch Covid-19 được đẩy lùi và chuỗi cung ứng toàn cầu đang được bình thường hóa trở lại. Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) tuần trước nhận định, thương mại toàn cầu vẫn ổn định và tăng trưởng tốt hơn so với dự báo được đưa ra năm 2022 do các nền kinh tế chịu ảnh hưởng của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine tìm được các nguồn cung ứng hàng hóa thay thế. Trong báo cáo vừa công bố, WTO cho biết tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2022 cao hơn mức dự báo 3% mà cơ quan này đưa ra hồi năm 2022.
Trước những tín hiệu mới tích cực như trên, IMF mới đây đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế theo hướng lạc quan hơn. Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới của IMF tháng 1 vừa qua, tăng trưởng toàn cầu ở mức 2,9% năm 2023, cao hơn so với dự báo đưa ra hồi tháng 10/2022 là 2,7%. IMF cho biết thêm kinh tế thế giới năm 2024 có thể sẽ tăng tốc nhẹ lên 3,1%. Nhà kinh tế trưởng của IMF Pierre-Olivier Gourinchas cho rằng rủi ro suy thoái đã giảm bớt và các ngân hàng trung ương đang đạt được tiến bộ trong việc kiểm soát lạm phát.
Dù kinh tế thế giới đã thấy "ánh sáng cuối đường hầm" trong những tháng đầu năm 2023, giới phân tích vẫn quan ngại về không ít khó khăn phía trước.
Tuy nhiên, dù kinh tế thế giới đã thấy "ánh sáng cuối đường hầm" trong những tháng đầu năm 2023, giới phân tích vẫn quan ngại về không ít khó khăn phía trước. Lạm phát dù đã giảm, song vẫn là mối lo đáng kể với các nền kinh tế trong năm 2023 này, nhất là sau khi "cỗ máy" kinh tế của Trung Quốc tăng tốc trở lại. Công ty quản lý tài sản UBS cho biết trong tuần nghỉ Tết Nguyên đán 20-27/1, số lượt đi lại ở Trung Quốc đã đạt mức tương đương 90% so với năm 2019, trước khi đại dịch bùng phát. Điều này sẽ phản ánh qua nhu cầu lớn hơn đối với xăng dầu và nhiên liệu máy bay ở Trung Quốc. Theo đó, UBS dự báo giá dầu ngọt nhẹ Mỹ WTI có thể tăng lên 107USD/thùng trong năm nay, cao hơn 40% so với mức giá hiện tại.
Tại Nhật Bản, Bộ Nội vụ và Truyền thông (MIC) vừa thông báo trong tháng 1/2023, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cơ bản của nước này tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 0,3% so với tháng trước đó. Đây là tháng thứ tư liên tiếp lạm phát ở Nhật Bản ở trên mức cao nhất trong 40 năm và là tháng thứ 17 liên tiếp chỉ số này tăng. Bên cạnh đó, cuộc chiến Nga-Ukraine vẫn nghiêm trọng và chưa có hồi kết cùng nợ công và các bất ổn khác của các nền kinh tế lớn cũng vẫn đe dọa cản bước tăng trưởng kinh tế toàn cầu.