Hệ lụy với kinh tế toàn cầu

Cuối tuần qua, thành viên điều hành Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Christopher Waller đã cảnh báo rằng FED có thể phải nâng lãi suất lên mức cao hơn dự kiến nếu tình hình các vấn đề liên quan “chưa thể hạ nhiệt”. Điều đó cho thấy nền kinh tế số một thế giới vẫn đối mặt khó khăn và động thái này sẽ gây nhiều hệ lụy cho nền kinh tế toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
Trụ sở Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) ở Washington, DC. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trụ sở Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) ở Washington, DC. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cảnh báo trên được đưa ra sau khi một báo cáo công bố vào tháng 2 cho thấy số lượng việc làm tại Mỹ bất ngờ tăng mạnh, trong khi lạm phát giảm chậm hơn so với dự báo. Giảm từ giữa năm ngoái, song gần đây lạm phát chưa khả quan như dự kiến. Các số liệu thống kê chỉ ra rằng mục tiêu đưa lạm phát xuống mức 2% sẽ đạt được muộn hơn, tức là mất nhiều thời gian hơn so với dự báo cách đây 1-2 tháng.

Tháng 12/2022, các quan chức của FED tuyên bố sẽ duy trì lãi suất trung bình ở mức 5,1% trong năm 2023, con số vốn đã cao hơn dự kiến. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, FED có thể tiếp tục tăng lãi suất cao hơn mức kể trên. Theo ông Waller, nếu số việc làm có xu hướng đi xuống như cuối năm ngoái, lạm phát giảm mạnh, ông sẽ ủng hộ nâng lãi suất lên 5,1-5,4%.

Trước khi ông Waller tiết lộ các thông tin kể trên, hôm 22/2, FED đã công bố biên bản cuộc họp tháng 1/2023 cho biết, các thành viên cho rằng việc tăng lãi suất là cần thiết. Báo chí Mỹ tiết lộ, mặc dù đa số đồng ý việc tăng 0,25 điểm phần trăm, nhưng một vài thành viên muốn tăng lãi suất tới 0,5 điểm phần trăm, thể hiện quyết tâm lớn hơn nữa trong “cuộc chiến chống lạm phát”. Theo các chuyên gia, FED có khả năng tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm vào tháng 3/2023, sau đó là một vài lần nữa để đưa lãi suất quỹ lên mức cao nhất là 5,25-5,5%. Nếu rơi vào khoảng giữa của mục tiêu đó, thì lãi suất sẽ ở mức cao nhất kể từ năm 2001.

Giới phân tích cho rằng, việc FED tiếp tục tăng lãi suất không phải là tin vui với kinh tế Mỹ cũng như kinh tế toàn cầu, bởi động thái này sẽ gây nhiều hệ lụy. Một khi lãi suất tăng quá nhanh hoặc quá cao, nền kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái. Bộ Thương mại Mỹ mới đây cũng đã bày tỏ lo ngại rằng, các đợt tăng mạnh lãi suất đầu năm ngoái có nguy cơ dẫn tới suy giảm kinh tế trong năm nay.

Giới phân tích cho rằng, việc FED tiếp tục tăng lãi suất không phải là tin vui với kinh tế Mỹ cũng như kinh tế toàn cầu, bởi động thái này sẽ gây nhiều hệ lụy.

Mối lo FED tăng mạnh lãi suất còn lớn hơn với các nền kinh tế đang phát triển, nhất là những nước nghèo. Kết quả nghiên cứu của các chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng, cứ 1% lãi suất mà FED tăng thêm thì ba năm sau đó sẽ làm giảm tăng trưởng ở các nền kinh tế đang phát triển 0,8% (so với mức 0,5% ở các nền kinh tế phát triển). Nhìn lại lịch sử các lần FED tăng mạnh lãi suất trong quá khứ cũng có thể thấy động thái này gây tổn thương cho các nền kinh tế đang phát triển cao hơn nhiều so với Mỹ và các nền kinh tế phát triển.

Trong những năm 1970 khi FED tăng lãi suất thì các nền kinh tế, như Mexico, Ba Lan, Hàn Quốc và Chile ngay lập tức bị ảnh hưởng nặng nề, sau đó tạo nên khủng hoảng kinh tế đẩy một số nước Mỹ Latin rơi vào “thập kỷ mất mát” với nợ nần, nghèo đói gia tăng. Sau đó, việc FED tăng lãi suất năm 1994 cũng gây ra một cuộc khủng hoảng khác ở Mexico và đẩy kinh tế nhiều nước Mỹ Latin đối mặt khủng hoảng…

Trong năm 2023, nếu FED tiếp tục tăng lãi suất như cảnh báo, hầu hết các ngân hàng trung ương phải bước vào “cuộc đua lãi suất” nhằm cân bằng tỷ giá. Hệ lụy là lãi suất trên toàn cầu cần tiếp tục được nâng lên thêm ít nhất 2% nữa trong năm 2023. Theo đó, dòng vốn đầu tư và tăng trưởng ở các nền kinh tế lớn sẽ chậm lại khiến xuất khẩu của nhiều nước đang phát triển khó khăn vì nhu cầu đối với hàng xuất khẩu sụt giảm.

Bên cạnh đó, lãi suất của USD tăng mạnh khiến đồng tiền này tăng giá dẫn đến “gánh nặng nợ” của các nước nghèo (vay nợ bằng USD) cũng gia tăng. Trong khi đó, đồng nội tệ của các quốc gia nghèo, các nước đang phát triển mất giá khiến chi phí nhập khẩu lương thực, thực phẩm, phân bón tăng mạnh.

Kinh tế toàn cầu đang chập chững phục hồi sau “cơn bạo bệnh” mang tên Covid-19. Trong bối cảnh đó, việc FED nâng lãi suất cần được thực hiện đồng thời với các biện pháp trợ giúp đi kèm dành cho các nền kinh tế đang phát triển, đặc biệt là các nền kinh tế có thu nhập thấp, nợ công cao, lệ thuộc vào nhập khẩu lương thực và năng lượng.