Với diện tích 22.408ha, Vườn quốc gia Cúc Phương có đặc trưng là rừng mưa nhiệt đới với hệ giá trị đa dạng sinh học cao, có nhiều loài động, thực vật quý hiếm có tên trong Sách đỏ.
Giám đốc Vườn quốc gia Cúc Phương, Nguyễn Văn Chính cho biết: ‘‘Vườn quốc gia Cúc Phương có nhiệm vụ chính là bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và các giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan; duy trì tác dụng phòng hộ, tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học, dịch vụ du lịch sinh thái và giáo dục môi trường.
Qua 60 năm xây dựng và phát triển, Vườn quốc gia Cúc Phương không ngừng phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn để bám rừng, bám dân, bám địa bàn gìn giữ nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá của quốc gia. Đây mãi là địa chỉ “xanh” để học sinh, sinh viên, các nhà khoa học, du khách trong nước, quốc tế đến nghiên cứu, học tập và thưởng ngoạn thiên nhiên.
Đến nay, Vườn quốc gia Cúc Phương trở thành một trong những đơn vị tiên phong trong việc nghiên cứu, triển khai các công trình nghiên cứu chuyên sâu phục vụ bảo tồn các loài quý hiếm, đặc hữu của Việt Nam như: Bảo tồn các loài linh trưởng quý hiếm, các loài thú ăn thịt và tê tê, các loài rùa; sưu tập và bảo tồn hơn 800 loài thực vật; cứu hộ hơn 4600 cá thể động vật và tái thả về tự nhiên hơn 1200 cá thể; là nơi cung cấp nguồn động vật sau cứu hộ để tái thả vào tự nhiên cho nhiều vườn quốc gia trong cả nước. Năm 2022 là năm thứ tư liên tiếp Vườn quốc gia Cúc Phương vinh dự được Tổ chức World Travel Awards vinh danh là Vườn quốc gia hàng đầu châu Á’’.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Quốc Trị, Thứ trưởng Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn biểu dương các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, viên chức và người lao động của Vườn quốc gia Cúc Phương, cùng các các cấp ủy, chính quyền địa phương trong vùng, các tổ chức quốc tế đã đóng góp vào sự phát triển chung của ngành lâm nghiệp Việt Nam.
Đồng chí đề nghị Vườn quốc gia Cúc Phương tập trung triển khai các giải pháp để bảo vệ rừng là gốc; chú trọng hơn nữa việc ứng dụng các tiện ích công nghệ trong bảo vệ rừng. Tích cực mở rộng các hoạt động nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học; coi trọng việc cứu hộ, bảo tồn các loài động thực vật nguy cấp, quý hiếm, loài đặc hữu để tái thả về tự nhiên. Khẩn trương xây dựng Đề án du lịch sinh thái theo quy định của pháp luật, nhằm huy động đầu tư, khai thác các tiềm năng, lợi thế tạo nguồn thu cải thiện điều kiện làm việc của người lao động.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Nguyễn Quốc Trị, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Vườn quốc gia Cúc Phương.
Dịp này, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình đã tặng kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp phát triển Nông nghiệp, nông thôn", tặng bằng khen cho một số tập thể, cá nhân của Vườn quốc gia Cúc Phương.