Nhiều dư địa phát triển thương mại Việt Nam-Hàn Quốc

NDO - Tại tọa đàm “Thúc đẩy dòng vốn Hàn Quốc vào Việt Nam” tổ chức tại Hà Nội ngày 18/10, các chuyên gia, nhà quản lý và đại diện các doanh nghiệp đã đề xuất các gợi ý chính sách, định hướng để đẩy mạnh thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam thời gian tới, đặc biệt với các nhà đầu tư Hàn Quốc.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: TRUNG HƯNG
Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: TRUNG HƯNG

Sự kiện do báo Việt Nam News (Thông tấn xã Việt Nam) tổ chức, nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao 2 nước.

Điểm sáng thương mại, đầu tư

Phát biểu khai mạc hội nghị, bà Vũ Việt Trang, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, nhấn mạnh, ngoài việc trở thành đối tác kinh tế lớn nhất của Hàn Quốc trong khu vực ASEAN, Việt Nam còn là đối tác trọng tâm của Hàn Quốc trong Chính sách hướng Nam mới, với nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Hàn Quốc đang hoạt động, đầu tư hiệu quả.

Số liệu mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, vốn FDI đăng ký lũy kế từ Hàn Quốc trong giai đoạn từ năm 1988 đến tháng 9/2022 đã đạt hơn 80,5 tỷ USD với hơn 9.400 dự án đang có hiệu lực. Tính riêng 9 tháng đầu năm 2022, Hàn Quốc đứng thứ 2/97 quốc gia và vũng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 290 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 3,8 tỷ USD.

Hàn Quốc là đối tác đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam cả về tổng số vốn đăng ký và tổng số dự án đầu tư, với khoảng 9.500 dự án và hơn 80 tỷ USD vốn đăng ký.

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao hoạt động kinh doanh và đóng góp của doanh nghiệp FDI Hàn Quốc vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, đặc biệt đã có sự dịch chuyển mạnh mẽ của các nhà đầu tư Hàn Quốc từ các lĩnh vực gia công đơn thuần sang các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, dự án năng lượng, tài chính-ngân hàng, M&A và dịch vụ chất lượng cao trong thời gian vừa qua.

Ông Hoàng tin tưởng Hàn Quốc sẽ tiếp tục duy trì vị thế đối tác FDI hàng đầu của Việt Nam, và trong vòng 1 đến 2 năm tới, Việt Nam và Hàn Quốc hoàn toàn có thể hiện thực hóa “mục tiêu kép”, đưa kim ngạch thương mại song phương và tổng vốn đầu tư lũy kế cùng cán mốc 100 tỷ USD.

Ông Bae Yong Geun, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) khẳng định, Việt Nam là “tâm chấn” của làn sóng Hàn Quốc ở Đông Nam Á, là 1 điểm đến quan trọng với nhà đầu tư Hàn Quốc và 2 nước đã trở thành những quốc gia hợp tác chặt chẽ nhất trên thế giới.

Với dòng vốn đầu tư liên tục và ổn định vào Việt Nam, tính lũy kế đến năm 2021, Hàn Quốc đã đầu tư 74,6 tỷ USD vào 9.223 dự án, duy trì vị thế là nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam. Hơn 9.000 công ty Hàn Quốc đã vào Việt Nam và hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau như sản xuất, năng lượng, văn hóa, giáo dục và du lịch.

Nhiều dư địa phát triển thương mại song phương

Phó Chủ tịch KOCHAM đánh giá, sau khi Moody's nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam gần đây, các tổ chức tài chính quốc tế đang dự báo rằng Việt Nam sẽ đạt được mức tăng trưởng GDP 7% trong năm nay. Trong quý III/2022, GDP của Việt Nam tăng trưởng khoảng 14% so với cùng kỳ năm ngoái, ghi nhận mức tăng trưởng 2 con số, chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất, bất chấp lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu.

“Do Việt Nam là 1 thị trường mới nổi được thế giới quan tâm, đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam dự kiến ​​sẽ còn tăng hơn nữa. Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam dự kiến ​​đạt 8% trong năm nay, và khó có công ty nào ngần ngại khi đầu tư vào 1 quốc gia đang phát triển nhanh chóng như Việt Nam”, ông Bae Yong Geun khẳng định.

Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam dự kiến ​​đạt 8% trong năm nay, và khó có công ty nào ngần ngại khi đầu tư vào 1 quốc gia đang phát triển nhanh chóng như Việt Nam.

Phó Chủ tịch KOCHAM Bae Yong Geun

Từ góc độ địa phương, bà Vũ Kim Chi, Phó Trưởng Ban thường trực Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh Quảng Ninh, cho biết, với định hướng tập trung phát triển công nghiệp-dịch vụ, du lịch, Quảng Ninh đã áp dụng nhiều bài học kinh nghiệm từ nghiên cứu quá trình phát triển kinh tế-xã hội của Hàn Quốc. Tỉnh tiếp tục xác định rõ chiến lược hợp tác, thu hút đầu tư và phát triển thương mại Hàn Quốc là trọng tâm trong định hướng phát triển.

Trong lĩnh vực đầu tư, trên địa bàn tỉnh có 12 dự án FDI có nguồn vốn đầu tư từ Hàn Quốc còn hoạt động với tổng số vốn là 123,5 triệu USD, đứng thứ 9/21 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Quảng Ninh, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: công nghiệp chế biến, chế tạo; nông lâm nghiệp; dịch vụ ăn uống; bán buôn, bán lẻ; giải trí, truyền thông; giáo dục-đào tạo.

Kim ngạch xuất nhập khẩu sang thị trường Hàn Quốc của doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh năm 2021 đạt 19,8 triệu USD và 6 tháng đầu năm 2022 đạt 7,2 triệu USD. Theo bà Vũ Kim Chi, những con số trên thể hiện kết quả hợp tác giữa Quảng Ninh với các địa phương, nhà đầu tư, doanh nghiệp Hàn Quốc thời gian qua còn rất nhiều dư địa phát triển.

Tuy nhiên, đại diện phía Hàn Quốc cũng chỉ ra một số khó khăn, hạn chế được phản ánh từ các công ty Hàn Quốc, thí dụ như chi phí sản xuất, bao gồm chi phí nhân công, đang tăng đáng kể so với trước đây, bên cạnh những bất ổn địa chính trị toàn cầu cũng khiến việc đầu tư vào Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, sự điều chỉnh các quy định và tốc độ cấp giấy phép trong quá trình đầu tư cũng còn hạn chế.

Nhấn mạnh những chính sách ưu đãi và hỗ trợ nhất quán từ Chính phủ Việt Nam là cần thiết, đại diện các công ty Hàn Quốc cũng cho rằng, nếu vấn đề này được giải quyết, sẽ có thêm nhiều công ty Hàn Quốc tăng cường đầu tư vào Việt Nam.

Ông Yoon Chang Woo, Tổng Giám đốc Posco Việt Nam, doanh nghiệp với hơn 30 năm đầu tư tại Việt Nam, đánh giá cao sự hỗ trợ của chính quyền sở tại, đặc biệt trong giai đoạn Covid-19 để cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Cũng theo ông Yoon, các tỉnh miền nam cần phát triển nguồn cung nhân lực và cơ sở hạ tầng chủ chốt để đón sóng đầu tư trong tương lai. Dự kiến, có thêm nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư vào Việt Nam, do đó cần các điều kiện đầu tư tốt hơn, trong đó cần khắc phục các hạn chế về nhân lực và cơ sở hạ tầng.

Là một trong những nhà đầu tư nước ngoài có mặt sớm tại Việt Nam, từ năm 1997, Deep C hoạt động trong lĩnh vực phát triển tổ hợp khu công nghiệp. Theo ông Koen Soenens, Giám đốc Kinh doanh và Tiếp thị của Deep C, công ty này sẽ tiếp tục mở rộng thêm các khu công nghiệp mới để đón thêm “đại bàng”, trong khi cũng sẽ bảo đảm các tiêu chuẩn bền vững.

Ông Soenens đánh giá, với lợi thế ổn định chính trị và kinh tế trong bối cảnh quốc tế phức tạp, cùng nguồn lao động trẻ dồi dào, có nhiều hiệp định thương mại tự do ký kết với nhiều đối tác, và tốc độ tăng trưởng GDP từ 7-8% mơ ước với nhiều nước, Việt Nam hoàn toàn có lợi thế để thu hút thêm dòng vốn đầu tư quốc tế, trong đó có Hàn Quốc.

Đồng tình với những khó khăn, hạn chế đã được phía doanh nghiệp Hàn Quốc nêu ra, đại diện Deep C khuyến nghị, chính quyền các cấp cần cải thiện thêm 1 bước về thủ tục hành chính, hạn chế hồ sơ, giấy tờ rườm rà, tốn nhiều thời gian, đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam.