Việt Nam đã thực hiện thành công 86,7% các khuyến nghị UPR chu kỳ III

NDO - Việc thực hiện những khuyến nghị UPR đã đem lại những tín hiệu tích cực về mọi mặt trong đời sống xã hội cũng như bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh Hội thảo tham vấn dự thảo Báo cáo Quốc gia của Việt Nam theo cơ chế UPR chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền. (Ảnh: Hải Đăng)
Quang cảnh Hội thảo tham vấn dự thảo Báo cáo Quốc gia của Việt Nam theo cơ chế UPR chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền. (Ảnh: Hải Đăng)

Ngày 24/11, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội thảo tham vấn dự thảo Báo cáo Quốc gia của Việt Nam theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (Hội thảo). Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt chủ trì Hội thảo.

Hội thảo thu hút sự tham gia của đại diện các bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức phi chính phủ, đoàn thể xã hội trong nước và quốc tế; Quyền Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam và đại diện Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP).

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt cho biết, mặc dù chịu sự tác động sâu sắc của đại dịch Covid-19 trong việc thực hiện các khuyến nghị UPR, nhưng các bộ, ngành và các bên liên quan đã hợp tác chặt chẽ để triển khai các khuyến nghị cũng như xây dựng dự thảo Báo cáo. Đến nay, Việt Nam đã thực hiện được 86,7% khuyến nghị và 12,4% khuyến nghị đã hoàn thành một phần.

Việt Nam đã thực hiện thành công 86,7% các khuyến nghị UPR chu kỳ III ảnh 1

Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt phát biểu khai mạc Hội thảo. (Ảnh: Hải Đăng)

Theo đánh giá của ông Đỗ Hùng Việt, việc thực hiện những khuyến nghị UPR cũng đem lại những tín hiệu tích cực về mọi mặt trong đời sống xã hội cũng như bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân.

Việt Nam đã thực hiện 9 khuyến nghị của UNDP về giảm nghèo bền vững. Điều này góp phần tạo nên thành tựu Việt Nam nằm trong số 25 quốc gia giảm nghèo đa chiều thành công. Việt Nam cũng là một trong số ít các quốc gia nộp Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III.

Thông qua hội thảo lần này, Bộ Ngoại giao mong muốn lắng nghe những ý kiến đóng góp, xây dựng, tăng cường sự tham gia của các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức NGO, giới chuyên gia trong nước và người dân trong việc tham vấn dự thảo Báo cáo.

Điều này không chỉ góp phần hoàn thiện dự thảo Báo cáo mà còn thể hiện cam kết thực hiện các khuyến nghị UPR của Việt Nam, tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam thực hiện tốt hơn trong công tác bảo đảm và bảo vệ quyền con người.

Hội thảo cũng cho thấy các hướng ưu tiên và nhu cầu hợp tác của Việt Nam với các đối tác, không chỉ dừng lại ở Liên hợp quốc mà còn bao gồm đối tác từ quốc gia phát triển, đang phát triển, các tổ chức quốc tế.

Thứ trưởng đề xuất các cá nhân, tổ chức, cơ quan tham dự hội nghị chủ động cung cấp nội dung, thông tin về việc triển khai các khuyến nghị UPR cũng như kế hoạch trong thời gian tới.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Ramla Khalidi, Quyền Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam đã tích cực tham gia khuyến nghị UPR và hoàn thành các nghĩa vụ về phát triển bền vững.

Việt Nam đã thực hiện thành công 86,7% các khuyến nghị UPR chu kỳ III ảnh 2

Quyền Điều phối viên Liên hợp quốc tại Việt Nam Ramla Kalidi đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc hoàn thành các khuyến nghị UPR. (Ảnh: Hải Đăng)

Quyền Điều phối viên Liên hợp quốc nhận định “Kế hoạch Tổng thể thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III Việt Nam đã chấp thuận” đã đóng vai trò then chốt trong việc thực hiện các khuyến nghị.

Nhân dịp này, bà Ramla Khalidi cũng biểu dương về sáng kiến của Việt Nam trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền khi đề xuất và soạn thảo Nghị quyết kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Viên.

Quyền Điều phối viên Liên hợp quốc khẳng định Liên hợp quốc luôn tự hào là đối tác lâu dài của Việt Nam trong 46 năm qua và sẽ tiếp tục và cam kết hợp tác với Việt Nam, các quốc gia và các tổ chức quốc tế để bảo vệ hơn nữa quyền tự do và công lý cho tất cả mọi người.

Tại Hội thảo, Phó Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam Patrick Haverman đã đưa ra một số gợi ý trong việc xây dựng cấu trúc và nội dung dự thảo. Ông cho rằng Dự thảo đã nêu được những tiến bộ của Việt Nam về phòng, chống mua bán người, chỉ số chăm sóc sức khỏe…

Việt Nam đã thực hiện thành công 86,7% các khuyến nghị UPR chu kỳ III ảnh 3

Phó Đại diện thường trú UNDP Patrick Haverman đưa ra một số ý kiến góp ý cho dự thảo Báo cáo quốc gia. (Ảnh: Hải Đăng)

Theo Phó Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, dự thảo vẫn cần bổ sung các phân tích, đánh giá chi tiết và số liệu cụ thể. Dự thảo báo cáo cũng cần phân tích rõ hơn về những thách thức của Việt Nam trong việc hoàn thành các khuyến nghị UPR cũng như các giải pháp tháo gỡ những khó khăn đó.

Ông Patrick Haverman lưu ý dự thảo báo cáo cần phân tích chi tiết hơn về mối liên kết giữa các chính sách được Nhà nước Việt Nam triển khai với kết quả thực hiện, những tiến bộ đạt được trong thực tế.

Tại Hội thảo, các đại diện đến từ Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp đã trình bày quá trình triển khai các khuyến nghị UPR chu kỳ III theo nhiệm vụ được giao.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, tham gia ý kiến đối với hình thức, bố cục, các thông tin, số liệu liên quan, giải pháp và từng nội dung cụ thể của dự thảo Báo cáo theo đúng mục tiêu, yêu cầu của Ban tổ chức.Ban tổ chức đánh giá cao các ý kiến góp ý của các đại biểu đồng thời khẳng định Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các đại biểu, khẩn trương chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Báo cáo theo kế hoạch đã đề ra.