Việt Nam đặc biệt coi trọng và nghiêm túc thực hiện UPR, một cơ chế thành công của Hội đồng nhân quyền dựa trên các nguyên tắc bình đẳng, đối thoại và hợp tác; coi đây vừa là nghĩa vụ của quốc gia thành viên Liên hợp quốc, đồng thời là cơ hội giới thiệu với cộng đồng quốc tế những chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người kể từ lần rà soát trước (năm 2014).
Hầu hết các nước phát biểu đã ghi nhận các thành tựu đạt được và khuyến khích Việt Nam tiếp tục các nỗ lực bảo đảm quyền con người, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm quyền của các nhóm dễ tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số; hoan nghênh và đánh giá cao sự nghiêm túc của Việt Nam trong việc thực hiện các khuyến nghị UPR đã chấp thuận tại chu kỳ II, cũng như việc xây dựng Báo cáo UPR chu kỳ III.
Tại Phiên đối thoại này, Việt Nam nhận được hơn 300 khuyến nghị từ các nước với nội dung rất đa dạng, đề cập tất cả các lĩnh vực về quyền con người. Các cơ quan liên quan của Việt Nam sẽ nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng các khuyến nghị nhận được để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Dự kiến, Việt Nam sẽ chính thức thông báo các khuyến nghị được chấp thuận tại khóa họp thường kỳ của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc vào tháng 6-2019”.
* Cùng ngày, trả lời câu hỏi của phóng viên về tiến trình Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp châu Âu (EVFTA), Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định:
“Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp châu Âu (EVFTA) là Hiệp định có ý nghĩa quan trọng, mang lại nhiều lợi ích cho người dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp của Việt Nam và Liên hiệp châu Âu. Trên tinh thần đó, hai bên tiếp tục nỗ lực hoàn tất các thủ tục để sớm ký chính thức, phê chuẩn và đưa Hiệp định đi vào triển khai”.