Phóng viên: Xin ông cho biết về vai trò của vỉa hè trong du lịch đô thị?
Ông Phùng Quang Thắng: Tâm lý khách du lịch rất thích dừng chân vỉa hè bởi ở vỉa hè người ta sẽ chứng kiến được cuộc sống, văn hóa địa phương rất sinh động, chân thực. Nói cách khác, vỉa hè còn là nơi góp phần quảng bá các đặc sản, các nét văn hóa của địa phương.
Ở bất kỳ đâu, vỉa hè cũng có sức hút rất lớn để khách du lịch tiêu thời gian, mà tiêu thời gian là tiêu tiền. Khi du khách có không gian để dừng chân lâu hơn, cảm giác tốt hơn, hưởng thụ không gian văn hóa thì có khả năng chi tiêu nhiều hơn. Do đó chúng ta nên biến vỉa hè thành không gian văn hóa, chứ không phải chỉ đơn thuần là chỗ để mọi người di chuyển.
Phóng viên: Vậy theo ông, làm thế nào để dung hòa được chức năng là không gian di chuyển và không gian ngắm phố, thưởng thức đặc sản địa phương của vỉa hè?
Ông Phùng Quang Thắng: Trước tiên, cần nhấn mạnh rằng vỉa hè phải được ưu tiên số 1 cho người đi bộ, ưu tiên thứ 2 là các dịch vụ công cộng như có thể đặt ghế ngồi nghỉ, biển-bảng chỉ dẫn, nhà vệ sinh công cộng,… rồi mới đến việc bán hàng, làm kinh tế.
Ở nhiều khu vực đông khách, nếu vỉa hè có đủ độ rộng thì có thể phát triển kinh tế vỉa hè. Làm kinh tế vỉa hè tốt thậm chí còn có tác dụng giúp cho người dân có ý thức trang trí mặt tiền của các dãy phố, tòa nhà. Những con phố đẹp đương nhiên sẽ hút khách, cả địa phương và quốc tế.
Đã là kinh tế thì tất cả các bên tham gia phải cùng có lợi. Phải làm cho tất cả mọi người đều hiểu được điều này. Người dân có lợi, nhà nước có lợi, khách hàng có lợi nhưng cần phải dựa trên một nền tảng gồm các tiêu chí:
Thứ nhất, tạo ra cảnh quan tốt, phát triển bền vững. Không thể có chuyện làm kinh tế nhưng hàng quán khiến góc phố, con đường trở nên xấu đi, ô nhiễm. Cảnh quan tốt không chỉ tạo ra môi trường tốt cho người dân đô thị mà còn tăng sức hấp dẫn của du lịch đô thị, du khách tăng giúp tăng nguồn thu.
Thứ hai, phải phù hợp điều kiện thực tế. Không thể chỗ nào cũng giống chỗ nào. Nó phải ứng dụng linh hoạt từng khu vực, từng con đường, từng góc phố. Phải đánh giá được những cái mình có, và khi cho việc kinh doanh diễn ra ở khu vực đó thì sẽ thế nào. Những khu vực vỉa hè có thể làm kinh tế thì nhà nước cho thuê, tiền thu từ vỉa hè đó để đầu tư vào dịch vụ công cộng khác.
Làm kinh tế vỉa hè thì phải có quy hoạch và quản lý quy hoạch tốt, duy trì được quy hoạch đó... Không phải chỗ nào cũng cấm, nhưng không phải chỗ nào cũng cho phép.
Do đó cần phải có sự nghiên cứu rất kỹ lưỡng về mọi mặt, đánh giá toàn bộ, tối ưu, nhưng không phải bằng mọi giá, và phải theo quan điểm phát triển bền vững. Nói chung, làm kinh tế vỉa hè thì phải có quy hoạch và quản lý quy hoạch tốt, duy trì được quy hoạch đó. Mà để làm được điều này thì cần có đội ngũ nhân lực để đánh giá, không nên chạy theo dư luận. Không phải chỗ nào cũng cấm, nhưng không phải chỗ nào cũng cho phép.
Phóng viên: Thưa ông, như chúng ta đều thấy, tại khu phố cổ Hà Nội, vỉa hè rất nhỏ, thậm chí có phố không có vỉa hè, nhưng khách hàng (cả khách du lịch) vẫn yêu cầu chủ hàng xếp bàn ra vỉa hè. Rõ ràng lỗi lấn chiếm không phải chỉ do từ phía người bán hàng?
Ông Phùng Quang Thắng: Như tôi đã nói ở trên, tâm lý khách du lịch vốn rất thích ngồi vỉa hè và cả khách địa phương cũng vậy, bởi vỉa hè là không gian thoáng, mở, thiên nhiên mà ai cũng yêu thích. Ở nhiều đô thị lớn trên thế giới, nhất là những đô thị du lịch nổi tiếng, kinh nghiệm của họ là khi quy hoạch phố thì cũng quy hoạch luôn cả chỗ để sử dụng dịch vụ ngoài trời.
Thí dụ ở thủ đô Paris (Pháp), chính quyền cho phép các cửa hàng được mở thêm phần bạt ra phía ngoài với quy chuẩn về diện tích, màu sắc và khách chỉ ngồi trong khu vực vỉa hè có bạt che, không tràn ra phía ngoài phần được quy định.
Chính quyền Paris cho phép các cửa hàng được mở thêm phần bạt ra phía ngoài, khách chỉ ngồi trong khu vực vỉa hè có bạt che. (Ảnh: MINH DUY) |
Đó là ý thức của tất cả mọi người khi tham gia vào kinh tế vỉa hè.
Vì vậy, ở đây, tôi cho rằng chúng ta cần phải đào tạo cả người sử dụng, tức là đào tạo cả người bán hàng và cả khách hàng. Nếu khách có ý thức thì sẽ kiên quyết không sử dụng dịch vụ của những hàng quán vi phạm, tự nhiên khi đó người bán hàng sẽ không thể lấn chiếm, làm trái quy định.
Hiện nay, trình độ người dân, du khách đang nâng cao hơn trước, nên không quá khó để họ thực hiện đúng quy định khi sử dụng dịch vụ ở vỉa hè. Thí dụ trong du lịch trải nghiệm, chúng tôi cũng phải huấn luyện lại du khách để bảo đảm môi trường, tuân thủ quy định bảo đảm an toàn và du khách hoàn toàn tuân theo các chỉ dẫn.
Huấn luyện người sử dụng dịch vụ cho đúng cũng sẽ tạo ra một động lực chung để người cung cấp dịch vụ làm đúng.
Làm kinh tế vỉa hè thì phải có quy hoạch và quản lý quy hoạch tốt, duy trì được quy hoạch đó. (Ảnh minh họa: T.LINH) |
Phóng viên: Hiện vẫn diễn ra tình trạng lực lượng chức năng vừa đi khỏi thì các hàng lại bày tràn hết vỉa hè, vậy theo ông có thể giải quyết được tận gốc vấn đề?
Ông Phùng Quang Thắng: Ngoài các quy định, nâng cao ý thức của tất cả mọi người, tôi cho rằng điều quan trọng nhất là cần có quản lý thực tế. Muốn quản lý thực tế thì cần áp dụng công nghệ. Áp dụng công nghệ ở đây như là việc sử dụng mã QR trong quản lý người bán hàng về thuế, phí, bảo đảm an toàn thực phẩm, cháy nổ.
Có thể dùng camera như camera giao thông để phát hiện người lấn chiếm vỉa hè, vi phạm hành lang an toàn. Những người vi phạm ở đây là cả người bán hàng và khách hàng. Theo dõi trên camera để nhắc nhở, nếu tái phạm có thể xử phạt ngay tại chỗ.
Việc áp dụng công nghệ vào quản lý, xử lý vi phạm lấn chiếm vỉa hè vừa giúp giảm nhân lực quản lý, vừa tạo ra bộ mặt đô thị văn minh trong mắt du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!