Sự kiện tiếp nối những giá trị sâu sắc và thông điệp mạnh mẽ từ bài viết “Tương lai cho thế hệ vươn mình” của Tổng Bí thư Tô Lâm nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2025).
Bài viết đã vạch ra tầm nhìn chiến lược, định hướng xây dựng một thế hệ thanh niên Việt Nam xuất sắc về trí tuệ, vượt trội về thể chất, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, sẵn sàng hội nhập và tỏa sáng trên trường quốc tế. Trong bài viết, Tổng Bí thư Tô Lâm gửi gắm niềm tin và kỳ vọng lớn lao vào thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước.
Hội thảo “Tương lai cho thế hệ vươn mình” quy tụ những chuyên gia hàng đầu, đại diện các cơ quan chức năng, nhà hoạch định chính sách, cùng các gương mặt tiêu biểu của thế hệ trẻ.
Các tham luận và ý kiến trao đổi tại hội thảo tập trung vào các nội dung: Nâng cao ý thức trách nhiệm trong thế hệ trẻ đối với giá trị văn hóa dân tộc; Xây dựng cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho thế hệ trẻ trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc trước những thách thức của toàn cầu hóa; Bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, lý tưởng, khát vọng cống hiến cho đất nước trong thế hệ trẻ; Tăng cường rèn luyện thể chất, nâng cao sức khỏe thanh niên, bảo đảm chất lượng “dân số vàng”; Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực giáo dục và thể thao...
![]() |
Từ những giá trị cốt lõi trong bài viết của Tổng Bí thư, các đại biểu và chuyên gia đã mang đến những phân tích sâu sắc, những góc nhìn mới mẻ xoay quanh bốn lĩnh vực then chốt: văn hóa, giáo dục, y tế và thể thao. Các đại biểu cùng nhau thảo luận, kiến tạo những giải pháp đột phá nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trẻ, khơi dậy tinh thần đổi mới sáng tạo, rèn luyện thể chất và bản lĩnh hội nhập, đồng thời gìn giữ những giá trị văn hóa cốt lõi của dân tộc.
Hội thảo “Tương lai cho thế hệ vươn mình” có sự đa dạng trong các chủ đề thảo luận và sự tham gia sôi nổi của các đại biểu. Những ý tưởng và giải pháp được nêu ra tại hội thảo được kỳ vọng sẽ đóng góp vào công tác định hướng chính sách, tạo sự chuyển biến trong xã hội bằng những hành động cụ thể để từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ, chuẩn bị cho một kỷ nguyên phát triển bền vững của đất nước.
Nhấn để xem nội dung mới nhất
/ Có lỗi xảy ra!.
Error code: 4
|
Sự cường thịnh của một quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào thế hệ trẻ
Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, thế hệ trẻ là tương lai của đất nước và sự cường thịnh của một quốc gia, dân tộc phụ thuộc rất nhiều vào thế hệ trẻ.
![]() |
Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo. (Ảnh: BÙI GIANG) |
Đồng chí cho biết, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến thế hệ trẻ, tạo cơ hội tốt nhất để thế hệ trẻ phát triển, thể hiện tài năng, trí tuệ, để thế hệ trẻ cống hiến cho đất nước trên tất cả các lĩnh vực. Thế hệ trẻ đã nỗ lực hết mình, tiên phong, dám nghĩ, dám làm, hết lòng cống hiến, phụng sự quốc gia, dân tộc.
Để lan tỏa mạnh mẽ thông điệp từ bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm về thế hệ trẻ, Báo Nhân Dân phối hợp Tập đoàn TH tổ chức Hội thảo với chủ đề “Tương lai cho thế hệ vươn mình”. Hội thảo vinh dự có sự tham gia của đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, các cơ quan chức năng, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và đại diện thế hệ trẻ.
Đồng chí Lê Quốc Minh bày tỏ hy vọng, các tham luận, ý kiến trao đổi tại hội thảo sẽ góp phần cùng Đảng, Nhà nước hoạch định những chủ trương, chính sách và các giải pháp, chương trình hành động để xây dựng thế hệ trẻ bản lĩnh, tiến bộ, xuất sắc về trí tuệ, vượt trội về thể chất và đậm đà bản sắc văn hóa trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc như mong muốn của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Để hội thảo mang lại hiệu quả thiết thực, đồng chí đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về một số vấn đề trọng tâm như: Làm thế nào để xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam giàu bản sắc dân tộc: yêu nước, nhân ái, sáng tạo, hội nhập mà không hòa tan? Việc bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, lý tưởng và khát vọng cống hiến trong thanh niên như thế nào trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc? Giải pháp nào để nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trẻ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, rèn luyện thể chất, bản lĩnh hội nhập và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc của thế hệ trẻ trong kỷ nguyên vươn mình?...
Việt Nam đủ điều kiện để làm một bếp ăn tử tế cho thế giới
Anh hùng Lao động Thái Hương, Nhà Sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH cho biết, Tập đoàn TH rất vui khi đồng hành cùng Báo Nhân Dân tổ chức hội thảo “Tương lai cho thế hệ trẻ vươn mình” hôm nay.
"Tôi rất quan tâm đến vấn đề “Thể chất khỏe mạnh, bản lĩnh vững vàng” mà hội thảo đặt ra và đây cũng là quan điểm của chúng tôi ngay từ những ngày đầu tiên thành lập Tập đoàn TH" - bà nêu ý kiến.
![]() |
Anh hùng Lao động Thái Hương, Nhà Sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH phát biểu tại hội thảo. Ảnh: THẾ DƯƠNG |
Theo bà Thái Hương, hiện nay, Việt Nam vẫn đang nằm trong nhóm các quốc gia và vùng lãnh thổ mà chiều cao trung bình còn thấp, đứng thứ 15 từ dưới lên trong số 201 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Bởi vậy, bà bày tỏ rằng, để dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc thì ngoài kinh tế ta cần chú ý tới sự “vươn mình” về chiều cao nói cách khác là tầm vóc của người Việt.
“Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân, song vẫn tồn tại nhiều vấn đề dinh dưỡng, đặc biệt ở lứa tuổi tiền học đường và học đường.
Theo WHO, một đời người có 6 giai đoạn: trong bụng mẹ, trẻ nhỏ, lứa tuổi học đường, thanh niên, người trưởng thành và người cao tuổi. Nhưng ta hãy chọn 1 giai đoạn được xem là lứa tuổi vàng đó là từ 2-12 tuổi, bởi khoảng 86% chiều cao và thể chất của một đời người phát triển ở giai đoạn này. Như vậy, việc đầu tư về thể lực và trí lực cho lứa tuổi vàng này là vô cùng quan trọng và cấp thiết để không bỏ lỡ cơ hội phát triển quý giá trong vòng đời, là nền tảng cho thể chất khỏe mạnh của tuổi trẻ”, bà Thái Hương chia sẻ.
Ngoài vấn đề kinh tế, chúng ta phải vươn mình về chiều cao, nâng cao vị thế của người dân Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Bà Thái Hương
Bà Thái Hương bày tỏ, sau sự cố sữa nhiễm melamine có nguy cơ gây chảy máu thận hàng triệu trẻ em năm 2008 và khi đó thị trường sữa Việt Nam 92% là sữa bột pha lại chủ yếu nhập khẩu, từ đó, bà suy nghĩ tới việc phải dấn thân vào ngành sữa, bởi phải có ai đó làm sữa tươi vì khoa học đã chứng minh, sữa tươi là nguồn cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể: chất đạm (đầy đủ các acid amin), chất béo, chất đường bột, các vitamin và khoáng chất. Đặc biệt, sữa tươi là nguồn cung cấp can-xi giúp hệ xương phát triển vững chắc.
“Thương hiệu TH true MILK ra đời trong 1 bối cảnh như vậy và chúng tôi đã kiên tâm không ngừng nghỉ để lập nên 1 dự án, đưa những người thầy giỏi nhất về công nghệ chăn nuôi, trồng trọt, chế biến, logistic theo 1 quy trình khép kín từ đồng cỏ đến bàn ăn, xây dựng 1 thương hiệu chuẩn mực về 5 giá trị cốt lõi: Vì hạnh phúc đích thực, Vì sức khỏe cộng đồng, Hoàn toàn từ thiên nhiên, Thân thiện với môi trường Tư duy vượt trội, Hài hòa lợi ích. Đưa khoa học công nghệ và khoa học quản trị đan xen vào nhau tạo ra năng suất lao động cao nhất, chi phí giá thành hợp lý và chất lượng sản phẩm quốc tế ngay trên đồng đất Việt Nam”, bà Thái Hương nói.
Bà cũng cho biết thêm: Sau sữa, TH bắt đầu đi vào ngành thực phẩm sạch với quyết tâm làm “một người nội trợ tử tế” và với triết lý “Một đồng y tế dự phòng bằng 1 tỷ chữa bệnh”.
![]() |
Ảnh: BÙI GIANG |
Để đạt được mục đích như kỳ vọng, bà Thái Hương mong muốn cần phải ra đời một bộ luật là “Luật Dinh dưỡng học đường” để đưa ra những tiêu chuẩn cho bữa ăn học đường, từ đó bảo vệ trẻ em, cải thiện tầm vóc và sức khỏe thế hệ tương lai.
Bà khẳng định: “Trong hội thảo hôm nay, chúng tôi muốn nói rằng Việt Nam đủ điều kiện để làm một bếp ăn tử tế cho thế giới, trước hết chúng ta hãy làm một bếp ăn tử tế cho người Việt và cho lớp trẻ một nguồn dinh dưỡng tốt nhất như tham luận trên”.
Do đó, để bảo đảm cho mỗi một người có một thể chất khỏe mạnh ngay từ hôm nay, bằng mọi cách ta phải thúc đẩy, ra được “Luật Dinh dưỡng học đường” và để có được “Thể chất khỏe mạnh và bản lĩnh vững vàng” với một phẩm hạnh anh hùng trong một dân tộc anh hùng, lớp trẻ sẽ đứng trước những thành tựu khoa học của Thế giới, sẽ là rường cột, sẽ là lực lượng nòng cốt.
“Tôi và tập đoàn TH cũng nguyện làm một nội trợ tử tế để góp phần nhỏ bé hoàn thành sứ mệnh mà người đứng đầu đã đưa ra, đó là khát vọng dân tộc như trong bài viết “Tương lai của thế hệ vươn mình”, Tổng Bí thư đã viết: “Trong suốt tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước, thanh niên - thế hệ trẻ luôn giữ vị trí quan trọng, được ví như rường cột quyết định sự hưng thịnh của dân tộc”… và ‘Thể chất khỏe mạnh và bản lĩnh vững vàng’”, bà Thái Hương phát biểu.
Tuổi trẻ Việt Nam lấy tình yêu nước, bản sắc văn hóa dân tộc làm nền tảng
Đề cập về vấn đề thế hệ trẻ Việt Nam với việc giữ gìn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc trong kỷ nguyên mới, PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đã dẫn dắt những câu chuyện về truyền thống tuổi trẻ của nhiều danh nhân kiệt xuất trong lịch sử dân tộc ta và nhấn mạnh: "Tuổi trẻ Việt Nam lấy tình yêu nước, bản sắc văn hóa dân tộc làm nền tảng, nội lực, khát vọng để vươn mình trong kỷ nguyên mới".
![]() |
PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: THẾ DƯƠNG |
Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết “Tương lai cho thế hệ vươn mình”, đã khẳng định: “Trong suốt tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước, thanh niên - thế hệ trẻ luôn giữ vị trí quan trọng, được ví như rường cột quyết định sự hưng thịnh của dân tộc. Trong mọi thời kỳ cách mạng từ khi có Đảng lãnh đạo đến nay, thanh niên luôn là lực lượng tiên phong, đóng vai trò nòng cốt, từ đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước đến công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế-xã hội”.
Tổng Bí thư viết tiếp: “Trong giai đoạn mới hiện nay, vai trò của lực lượng thanh niên càng trở nên quan trọng. Thanh niên là trụ cột để đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới, là nguồn lực chủ yếu để xây dựng và phát triển lực lượng sản xuất mới, đồng thời là đội ngũ tiên phong tham gia các lĩnh vực mới. Thanh niên là chủ nhân tương lai của đất nước, là nhân tố quan trọng trong xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam”.
Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ những cơ hội và cả thách thức mà những người trẻ cần nắm bắt để có nhận thức và hành động đúng đắn, sáng tạo: “Trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam phải đối mặt với nguy cơ mai một đáng kể. Hiện tượng giao lưu, hội nhập văn hóa trên quy mô toàn cầu mang lại nhiều lợi ích về kinh tế và xã hội nhưng cũng đồng thời tạo ra những thách thức lớn trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Các xu hướng văn hóa ngoại lai, nếu không được tiếp nhận một cách tỉnh táo và có chọn lọc, có thể làm lu mờ, thậm chí làm xói mòn những nét đẹp vốn có của văn hóa dân tộc.
Một trong những biểu hiện rõ ràng nhất của vấn đề này chính là sự thay đổi trong lối sống và tư duy của giới trẻ. Nhiều thanh niên ngày nay dễ dàng tiếp nhận những giá trị mới, hiện đại từ bên ngoài mà ít quan tâm đến các giá trị truyền thống của dân tộc. Sự phổ biến của các phương tiện truyền thông, mạng xã hội và giải trí quốc tế khiến cho nhiều người trẻ ngày càng xa rời những giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc, như các loại hình nghệ thuật truyền thống, lễ hội dân gian, ẩm thực truyền thống, và cả những giá trị đạo đức, tinh thần đoàn kết cộng đồng vốn là nét đẹp riêng của người Việt.
Tệ nạn xã hội, tỷ lệ phạm tội trong giới trẻ ngày càng diễn biến phức tạp và đang len lỏi vào đời sống của một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên, làm suy yếu nòi giống của dân tộc”.
![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Đại hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam lần thứ IX. Ảnh: DUY LINH |
Theo PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, đó là những nhận định khoa học, thẳng thắn, định hướng xác đáng, rõ ràng, cả những dự báo, cảnh báo cần thiết, cấp thiết. Đảng, Nhà ước khẳng định quan điểm coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là nguồn sức mạnh nội sinh, là động lực to lớn để phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội; con người luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong mọi chiến lược phát triển đất nước; khâu đột phá đầu tiên và rất quan trọng là đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó, tầng lớp trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ, giới trẻ là đội ngũ nhiều tiềm năng, tài năng đóng góp to lớn.
Trong 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 thì “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc có vai trò hết sức quan trọng".
Cần chăm lo xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhằm khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”.
“Từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam; xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”.
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm, năng lực của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp về vị trí, vai trò của văn hóa, văn nghệ, khoa học, công nghệ, về đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, giới trẻ trong phát triển bền vững đất nước.
Hướng các hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học, văn học, nghệ thuật vào việc xây dựng con người, nhất là thế hệ trẻ, có thế giới quan khoa học, nhân sinh quan tiến bộ, nhân văn, đề cao các giá trị chân - thiện - mỹ.
Nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức cho những người trẻ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao, có mặt phức tạp của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, của kinh tế tri thức và xã hội học tập. Quan tâm giáo dục nghệ thuật, nâng cao năng lực thẩm mỹ cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.
Đầu tư cho việc đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu, tài năng về khoa học, công nghệ, văn học, nghệ thuật; bảo đảm quyền tự do sáng tạo trong khuôn khổ pháp luật. Phát triển nguồn nhân lực ngành khoa học, công nghệ, văn hóa, văn nghệ, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực trẻ.
Xây dựng chính sách đào tạo và sử dụng cán bộ trẻ trong các ngành khoa học, công nghệ, văn hóa, nghệ thuật. Tiếp tục xây dựng, bổ sung, hoàn thiện chế độ, chính sách đãi ngộ đặc thù đối với trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân trẻ, lao động trẻ.
Hỗ trợ đào tạo các ngành kỹ thuật, công nghệ và nghệ thuật khó, hiếm, đỉnh cao, bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đáp ứng nhu cầu tiếp nhận, hưởng thụ của người tiêu dùng trong và nghệ thuật truyền thống. Phát triển thị trường khoa học, công nghệ, văn hóa, nghệ nước. Cải thiện điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ khoa học, công nghệ, văn hóa, văn nghệ, nâng cao hiệu quả việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ và các quyền liên quan, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.
Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các ngành công nghiệp văn hóa gắn với ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại; nâng cao hàm lượng khoa học kỹ thuật trong chuỗi sản xuất sản phẩm, dịch vụ của các ngành công nghiệp văn hóa; phát triển mạng lưới doanh nghiệp, trong đó hình thành một số tập đoàn lớn về công nghiệp văn hóa ở các lĩnh vực truyền thông, biểu diễn nghệ thuật, điện ảnh, phát thanh và truyền hình, xuất bản, du lịch văn hóa, phần mềm và các trò chơi trực tuyến.
Tạo mọi điều kiện cho sự tìm tòi, sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ, phản ảnh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước.
Không ngừng bồi dưỡng phẩm chất, khát vọng cống hiến của thế hệ trẻ
Trình bày tham luận với chủ đề “Bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, lý tưởng và khát vọng cống hiến của thế hệ trẻ góp phần xây dựng thế hệ vươn mình”, đồng chí Nguyễn Thái An - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn cho biết, trong bài viết của mình, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: “Hướng tới năm 2045, dấu mốc trọng đại kỷ niệm 100 năm thành lập nước, chúng ta đặt ra mục tiêu chiến lược là phải trở thành một nước phát triển, có thu nhập cao. Để đạt được điều đó, Việt Nam cần có một thế hệ trẻ không chỉ xuất sắc về trí tuệ mà còn vượt trội về thể chất, giàu bản sắc văn hóa, đủ khả năng cạnh tranh và sánh vai với các cường quốc năm châu, khẳng định vị thế đất nước trên trường quốc tế”.
![]() |
Đồng chí Nguyễn Thái An - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn trình bày tham luận. (Ảnh: THẾ DƯƠNG) |
Đó cũng là những yêu cầu mới của thực tiễn cách mạng đặt ra và đòi hỏi tổ chức Đoàn phải không ngừng bồi dưỡng phẩm chất, khát vọng cống hiến của thế hệ trẻ, để thanh niên tiếp nối lý tưởng của các thế hệ cha anh, góp sức xây dựng đất nước trong kỷ nguyên vươn mình.
Để thực hiện được sứ mệnh quan trọng mà Đảng và đồng chí Tổng Bí thư đã tin tưởng giao phó, đồng chí Nguyễn Thái An nhấn mạnh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cần không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động. Hoạt động của Đoàn phải đặt thanh niên làm trung tâm, làm chủ thể; phong trào phải thực chất hơn; kết quả công tác phải cụ thể hơn và gắn chặt với nhiệm vụ chính trị của đất nước.
Bên cạnh đó, phương thức tổ chức hoạt động của Đoàn phải bắt kịp với xu hướng, nhu cầu, thị hiếu của thanh niên, khơi sức thanh niên cống hiến cho đất nước, hỗ trợ kịp thời những nhu cầu thiết thân để thanh niên phát triển toàn diện; cán bộ đoàn, hội phải là những tấm gương sáng, truyền cảm hứng, quy tụ thanh niên; tổ chức Đoàn phải được xây dựng vững mạnh từ cơ sở, huy động được sức mạnh ngay tại chỗ, ngay từ địa bàn, mở rộng mặt trận đoàn kết tập hợp thanh niên…
![]() |
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: BÙI GIANG-KHẮC ANH |
“Đội ngũ cán bộ Đoàn, cán bộ Hội phải là những người nhiệt huyết, “lo trước thanh niên, vui sau thanh niên, gian khổ thì đi trước, hưởng thụ thì đi sau, có khả năng hoạch định, tổ chức các phong trào cách mạng thiết thực, hiệu quả”, gắn bó và thật sự có uy tín trong thanh niên; phải là những người dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung”, đồng chí Nguyễn Thái An lưu ý.
Trách nhiệm của cả cộng đồng cho thể chất học đường
Ông Nguyễn Nho Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Học sinh sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định bảo đảm dinh dưỡng học đường và tăng cường các hoạt động thể lực là nhiệm vụ quan trọng, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, gia đình, nhà trường và xã hội để góp phần vào sự phát triển thể lực, tầm vóc, trí tuệ con người và nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, học sinh.
![]() |
Ông Nguyễn Nho Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Học sinh sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại hội thảo. Ảnh: THẾ DƯƠNG |
Học sinh được hưởng thụ bữa ăn học đường với các thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cân đối, phù hợp trong trường học không những giúp các em nâng cao sức khỏe, giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh lý rối loạn dinh dưỡng như thiếu vi chất dinh dưỡng, suy dinh dưỡng, thừa cân béo phì và các bệnh không lây nhiễm mà còn xây dựng thói quen dinh dưỡng lành mạnh.
Bên cạnh đó các em được kết hợp vui chơi, vận động phù hợp với nhu cầu sở thích và lứa tuổi qua các hoạt động giáo dục thể chất, giáo dục ngoài giờ, các trò chơi trải nghiệm sẽ tạo môi trường gắn kết, giúp các em phát triển hài hòa thể chất, tinh thần.
Chất lượng dân số vàng sẵn sàng cho kỷ nguyên mới
Chia sẻ tại hội thảo, Tiến sĩ Phạm Vũ Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết, công tác dân số đã đạt được nhiều thành tựu rực rỡ đã góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
![]() |
Tiến sĩ Phạm Vũ Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế). |
Tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công, nước ta đã đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 và giữ được mức sinh chung quanh mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc; duy trì mức độ gia tăng dân số phù hợp hằng năm, quy mô dân số đạt hơn 100 triệu người.
Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực, dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh và Việt Nam đã bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007, tạo ra những lợi thế to lớn cho quá trình phát triển kinh tế, xã hội. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Dân số đã có sự phân bố hợp lý hơn, gắn với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Việt Nam là một trong số các quốc gia thực hiện thành công Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ vào năm 2015 và tiến tới thực hiện thành công Chương trình nghị sự của Liên hợp quốc về phát triển bền vững đến năm 2030.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, Tiến sĩ Phạm Vũ Hoàng cho biết, công tác dân số hiện nay đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: Xu hướng mức sinh xuống thấp, chênh lệch đáng kể giữa các vùng, đối tượng; Mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn ở mức cao; Già hóa dân số nhanh, sớm trở thành quốc gia dân số già; Chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng dân số chậm được cải thiện; Quản lý di cư và phân bố dân số còn bất cập, việc tiếp cận những dịch vụ cơ bản của người di cư còn hạn chế.
![]() |
Tại hội thảo, Tiến sĩ Phạm Vũ Hoàng chia sẻ về 2 vấn đề thách thức gồm: Xu hướng mức sinh xuống thấp, chênh lệch đáng kể giữa các vùng, đối tượng và nâng cao chất lượng dân số.
Ông nhấn mạnh: "Việc thực hiện đồng bộ, toàn diện và thành công chương trình, đề án, kế hoạch của Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Đảng sẽ giúp chúng ta chuyển đổi căn bản trọng tâm chính sách dân số sang dân số và phát triển, duy trì vững chắc mức sinh thay thế làm già hóa dân số chậm lại, duy trì được quy mô lực lượng lao động, tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng để tích lũy, tăng cường đầu tư và chuẩn bị cho già hoá dân số và dân số già trong tương lai, phân bố dân số hợp lý, chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng dân số được nâng cao tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước".
Cần đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành y tế
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Hưng, Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Y tế, Phó Trưởng Ban Công tác thanh niên ngành y tế chia sẻ, nghề y là một nghề đặc biệt, nhân lực ngành y tế phải đáp ứng yêu cầu cả về chuyên môn và y đức. Do đó, việc tuyển chọn, đào tạo, tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ và duy trì đội ngũ y, bác sĩ trẻ - thanh niên trong ngành y đóng vai trò then chốt trong việc cung cấp các dịch vụ y tế có chất lượng cho người dân đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.
![]() |
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Hưng, Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Y tế, Phó Trưởng Ban Công tác thanh niên ngành y tế. |
Để thực hiện mục tiêu đó, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Hưng cho rằng, chúng ta cần xây dựng hệ thống mạng lưới y tế rộng khắp, gần dân; được chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt về chuyên môn, nghiệp vụ theo ngành từ Trung ương tới địa phương trong phạm vi cả nước, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương.
Đồng thời, cần xây dựng đội ngũ cán bộ y tế "Thầy thuốc phải như mẹ hiền", có năng lực chuyên môn vững vàng, tiếp cận trình độ quốc tế. Nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi sản xuất, cung ứng dược phẩm, dịch vụ y tế.
"Trong phát triển ngành y tế, bên cạnh việc xây dựng hành lang pháp lý thống nhất; xây dựng mạng lưới y tế đồng bộ trong toàn quốc; đầu tư nguồn lực tài chính một cách thỏa đáng để ngành y tế có thể làm tốt việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Nhà nước còn phải xây dựng, đào tạo đủ và phân bổ hợp lý nguồn nhân lực cho cho ngành y tế để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của quần chúng nhân dân", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Hưng nói.
Hiện tại, cả nước có 214 cơ sở đào tạo nhân lực y tế, trong đó 66 cơ sở giáo dục đại học, 139 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, 9 Viện nghiên cứu có đào tạo tiến sĩ; trong đó theo phân cấp quản lý, Bộ Y tế quản lý 22 trường và viện.
Nhận thức rõ vai trò của nguồn nhân lực y tế đối với công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, theo Giáo sư Nguyễn Tuấn Hưng, Nhà nước đã có rất nhiều chính sách nhằm nâng cao số lượng và chất lượng của nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế và đã đạt được một số thành tựu đáng kể.
Mạng lưới các cơ sở đào tạo nhân lực y tế tiếp tục phát triển cả công lập và ngoài công lập, mở rộng các chuyên ngành đào tạo. Hiện tại, cả nước có 214 cơ sở đào tạo nhân lực y tế, trong đó 66 cơ sở giáo dục đại học, 139 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, 9 Viện nghiên cứu có đào tạo tiến sĩ; trong đó theo phân cấp quản lý, Bộ Y tế quản lý 22 trường và viện.
Số bác sĩ tốt nghiệp ước tính năm 2024 là 11.312; số dược sĩ tốt nghiệp ước tính năm 2024 là 7.453; số điều dưỡng đại học tốt nghiệp ước tính năm 2024 là 5.516.
![]() |
Sau 10 năm triển khai, Dự án “Thí điểm đưa Bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)” đã tiếp nhận, đào tạo 803 bác sĩ đang công tác tại 155 huyện khó khăn, biên giới, hải đảo thuộc 39 tỉnh miền núi phía bắc, miền trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu long, trong đó đã bàn giao 504 bác sĩ cho 117 huyện khó khăn, biên giới thuộc 34 tỉnh; đang đào tạo 259 bác sĩ đang đào tạo tại các trường được Bộ Y tế giao nhiệm vụ, dự kiến sẽ bàn giao số lượng bác sĩ này cho các tỉnh trong năm 2025-2026.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Hưng cho rằng, nguồn nhân lực y tế là một trong những ưu tiên trong chính sách y tế mà Nhà nước Việt Nam phải đầu tư và có trách nhiệm chính.
Do đó, để phát triển nguồn nhân lực y tế, ông Hưng cho rằng chúng ta phải tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, hoàn thiện thể chế và các quy định pháp luật liên quan đến đặc thù đào tạo nhân lực y tế nhằm tạo môi trường pháp lý triển khai đổi mới đào tạo nhân lực y tế đáp ứng yêu cầu bảo đảm và nâng cao chất lượng nhân lực y tế, tiến tới hội nhập quốc tế.
Hai là, tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên.
Ba là, đổi mới chương trình và tài liệu đào tạo.
Bốn là, tăng cường cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ đào tạo.
Năm là, tăng cường chất lượng đào tạo thực hành.
Sáu là, chú trọng công tác kiểm định chất lượng đào tạo, xây dựng bộ tiêu chí kiểm định chất lượng giáo dục y tế đặc thù cho các ngành đào tạo nhân lực y tế bảo đảm chuẩn đầu ra trong đào tạo nhân lực y tế.
Bảy là, nâng cấp Dự án “Thí điểm bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn” thành Dự án của Chính phủ, qua đó một mặt vẫn tiếp tục đào tạo nhân lực y tế là bác sĩ cho các vùng khó khăn, mặt khác cần có các quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của đội ngũ thanh niên trong ngành y - bác sĩ trẻ mới tốt nghiệp.
"Bộ Y tế cũng đang tham mưu trình Chính phủ nhiều văn bản liên quan chế độ đãi ngộ của ngành y tế, ưu tiên đối tượng tuyển dụng là người trẻ ở điạ phương còn xa xôi", ông Hưng nói.
Xây dựng nền móng thể thao từ đào tạo trẻ: Hướng đi tất yếu cho tương lai
Đào tạo vận động viên trẻ năng khiếu không chỉ là nhu cầu khách quan mà còn là đòi hỏi cấp thiết trong chiến lược phát triển thể thao thành tích cao. Đây là nội dung được nhấn mạnh trong tham luận của ông Trương Minh Sang, huấn luyện viên trưởng đội tuyển Thể dục dụng cụ nam Quốc gia.
![]() |
Ông Trương Minh Sang, huấn luyện viên trưởng đội tuyển Thể dục dụng cụ nam Quốc gia trình bày tham luận. |
Ở nhiều quốc gia có nền thể thao phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, đào tạo vận động viên trẻ được đầu tư từ rất sớm, độ tuổi từ 6-12 đã là giai đoạn phát hiện và nuôi dưỡng tài năng. Theo thống kê của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC), 80% vận động viên giành huy chương Olympic được phát hiện năng khiếu trước tuổi 14 - con số đủ để cảnh tỉnh nếu Việt Nam muốn vươn tầm khu vực và thế giới, chúng ta không thể đứng ngoài cuộc.
Trong định hướng dài hạn, việc gắn thể thao với giáo dục chính là chìa khóa để phát triển bền vững. Mô hình kết hợp học văn hóa với rèn luyện thể thao không chỉ bảo đảm tương lai nghề nghiệp cho các vận động viên, mà còn giúp họ phát triển toàn diện, không bị lệ thuộc vào một lối đi duy nhất.
Không thể phủ nhận những kết quả đáng ghi nhận trong thời gian qua. Các trung tâm đào tạo lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đã bước đầu hình thành hệ thống phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu thể thao. Một số địa phương đã đưa mô hình lớp năng khiếu vào trường học phổ thông - bước đi tích cực trong việc sớm phát hiện và nuôi dưỡng tài năng.
Nhiều gương mặt trẻ tuổi đã gặt hái thành công trên đấu trường quốc tế: Nguyễn Huy Hoàng, Nguyễn Thị Ánh Viên giành Huy chương Vàng từ lứa tuổi thiếu niên; Hoàng Xuân Vinh ghi dấu ấn ở Olympic, Nguyễn Quang Huy khẳng định mình tại ASIAD. Một số môn thể thao trọng điểm như bơi lội, thể dục dụng cụ, canoeing, điền kinh… đã xây dựng được lộ trình đào tạo bài bản từ cấp thiếu nhi.
Về mặt chính sách, nhiều văn bản quan trọng đã được ban hành, tiêu biểu như Quyết định số 1189/QĐ-TTg ngày 15/10/2024 phê duyệt Chiến lược phát triển thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, hay Thông tư 86/2020/TT-BTC quy định chế độ dinh dưỡng đặc thù cho huấn luyện viên và vận động viên thành tích cao. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các địa phương xây dựng chính sách hỗ trợ đội ngũ huấn luyện viên, vận động viên khi tham gia tập huấn, thi đấu trong và ngoài nước.
![]() |
Vận động viên bắn súng Trịnh Thu Vinh góp mặt tại hội thảo. |
Những “điểm nghẽn” cần tháo gỡ
Theo huấn luyện viên Trương Minh Sang, dù đã có những bước đi tích cực, song công tác đào tạo vận động viên trẻ năng khiếu vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Trong đó, nổi bật là ba nhóm vấn đề: hạ tầng, tư duy và nguồn lực con người.
Thứ nhất, hạn chế về cơ sở vật chất. Nhiều trung tâm huấn luyện chưa đáp ứng được yêu cầu về điều kiện tập luyện hiện đại, đặc biệt thiếu khu hồi phục, trị liệu chuyên biệt. Đặc biệt, khu vực phía Bắc gặp bất lợi về thời tiết khắc nghiệt - mùa đông rét dưới 10 độ, mùa hè nắng nóng trên 35 độ - ảnh hưởng lớn đến giáo án huấn luyện. Việc thiếu trang thiết bị y tế như máy siêu âm, điện xung... cũng khiến công tác chăm sóc chấn thương chưa bảo đảm.
Thứ hai, rào cản về tâm lý. Một bộ phận vận động viên trẻ vẫn còn tâm lý e dè, thiếu tự tin khi thi đấu quốc tế, chưa phát huy tối đa năng lực. Đây là vấn đề không chỉ mang tính cá nhân mà còn liên quan đến hệ thống đào tạo tâm lý thể thao chưa được chú trọng đúng mức.
Thứ ba, thiếu hụt đội ngũ chuyên gia trình độ cao. Nhiều huấn luyện viên giỏi tập trung ở đội tuyển quốc gia, ít tham gia huấn luyện trẻ. Trong khi đó, việc đào tạo huấn luyện viên kế cận chưa đồng bộ, chưa có lộ trình dài hơi mang tính kế thừa.
Thứ tư, rủi ro từ việc bỏ học sớm. Một bộ phận vận động viên trẻ buộc phải dừng học văn hóa để tập trung tập luyện. Khi không thể theo đuổi thể thao chuyên nghiệp, họ gặp khó khăn trong việc tái hòa nhập cộng đồng, thiếu nền tảng học vấn để chuyển hướng sự nghiệp.
![]() |
Giải pháp: Đầu tư đồng bộ, chiến lược dài hạn
Trên cơ sở phân tích thực tiễn, ông Trương Minh Sang đề xuất một số giải pháp:
- Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hiện đại, đặc biệt là khu hồi phục, trị liệu tại các trung tâm huấn luyện trọng điểm. Ứng dụng công nghệ thể thao trong huấn luyện và điều trị chấn thương.
- Hợp tác với các cơ sở y tế, bệnh viện tư nhân để trang bị máy móc hiện đại và đào tạo nhân sự chuyên sâu về vật lý trị liệu thể thao.
- Tổ chức lớp học về tâm lý thi đấu nhằm xây dựng bản lĩnh cho vận động viên, giúp họ vượt qua rào cản tâm lý, hình thành tư duy của người chiến thắng.
- Tuyển chọn và đào tạo huấn luyện viên trẻ tại các quốc gia có nền thể thao tiên tiến, đồng thời gửi vận động viên tiềm năng đi đào tạo dài hạn ở nước ngoài để tạo sự kế thừa liên tục.
- Gắn trách nhiệm giáo dục văn hóa với đào tạo thể thao, bảo đảm vận động viên trẻ hoàn tất chương trình phổ thông, tạo nền tảng phát triển bền vững ngay cả khi không theo đuổi con đường thể thao chuyên nghiệp.
Xây dựng cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho thế hệ trẻ trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc trước những thách thức của toàn cầu hóa
PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nêu rõ, chúng ta đang trong một giai đoạn được gọi là kỷ nguyên vươn mình, và chắc chắn thanh niên là thế hệ đóng vai trò quan trọng trong kỷ nguyên này.
PGS, TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh, chúng ta đang tiến đến kỷ nguyên vươn mình, chúng ta cần một thế hệ thanh niên vươn mình, trong đó văn hóa chiếm vai trò quan trọng. Chính vì thế, quan trọng là phải trang bị cho thế hệ thanh niên về văn hóa.
![]() |
PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. Ảnh: BÙI GIANG-KHẮC ANH |
Thanh niên ngày hôm nay phải đối mặt với muôn vàn khó khăn thách thức. Xã hội hiện nay có nhiều chuyển đổi trong giá trị, trong đó, có những giá trị mà chúng ta cất công xây dựng vẫn chưa được định hình vững chắc, giá trị cũ chưa mất hẳn, nhưng lại có sự xuất hiện của nhiều giá trị mới.
Thí dụ, trong kinh tế, hiện nay nhiều người chủ yếu lấy các giá trị của cộng đồng, các giá trị chung chuyển đổi thành các giá trị cá nhân. Những giá trị cá nhân đôi khi lại được lấy làm thước đo cho những thành công trong xã hội.
Người ta vẫn nói là giá trị của đồng tiền được đánh giá cao trong xã hội. Chính vì sự thay đổi từ giá trị tinh thần sang giá trị vật chất như thế khiến cho nhiều người băn khoăn.
PGS, TS Bùi Hoài Sơn cũng đề cập đến sự phát triển của khoa học-công nghệ quá nhanh, sự điều tiết của giá trị đạo đức, tinh thần không theo kịp nên dẫn đến rất nhiều thay đổi trong thanh niên.
![]() |
Ảnh: BÙI GIANG-KHẮC ANH |
Bên cạnh đó, những khủng hoảng trong gia đình, nhà trường, xã hội cũng khiến cho hiện nay nhiều thanh niên không theo kịp. Họ không có được những bổ khuyết kịp thời để theo kịp và trở thành thế hệ thanh niên vươn mình như chúng ta mong muốn.
Theo PGS, TS Bùi Hoài Sơn, giải pháp có rất nhiều, ở các góc tiếp cận khác nhau lại có những giải pháp khác nhau.
Đầu tiên là về nhận thức. Chúng ta cần đặt văn hóa, thanh niên vào trọng tâm phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Chúng ta có nhiều định hướng phát triển kinh tế, xã hội, nhưng nếu bỏ qua yếu tố văn hóa, thanh niên trong tất cả các chiến lược này thì sẽ không bền vững.
Chúng ta cần phải xây dựng một môi trường văn hóa, sáng tạo cho thanh niên, cho thế hệ trẻ, để kích hoạt được sức mạnh của thanh niên, tạo ra sức đề kháng của thanh niên trong nhận thức về Chân - Thiện - Mỹ.
Điều quan trọng là phải tác động được vào đạo đức. Có được nhận thức vững vàng về đạo đức thì những nhận thức về pháp luật, xã hội sẽ được nâng cao.
Chúng ta cần phải xây dựng một môi trường văn hóa, sáng tạo cho thanh niên, cho thế hệ trẻ, để kích hoạt được sức mạnh của thanh niên, tạo ra sức đề kháng của thanh niên trong nhận thức về Chân - Thiện - Mỹ.
PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội
Bên cạnh đó, PGS, TS Bùi Hoài Sơn cũng nhấn mạnh đến những hỗ trợ về mặt tài chính, khởi nghiệp cho thanh niên trong lĩnh vực văn hóa. PGS, TS Bùi Hoài Sơn đề cập đến MV “Bắc Bling” nổi đình đám thời gian qua, nhưng tiền đầu tư của ca sĩ Hòa Minzy theo như tiết lộ của gia đình là “mất nguyên một căn hộ”.
Chính vì thế, ông cho rằng, không thể để cho người trẻ đam mê cống hiến, tâm huyết nhưng không được hỗ trợ, sẽ không bền vững. Cần có những hỗ trợ tài chính, pháp lý, khởi nghiệp.
Ngoài ra ông cũng nêu ra việc cần có tôn vinh thanh niên trong lĩnh vực văn hóa. Đối với văn hóa hay các lĩnh vực nghệ thuật, những động viên về tinh thần có ý nghĩa rất lớn. Đoàn Thanh niên có những tôn vinh thanh niên trong lĩnh văn hóa là điều rất có ý nghĩa.
Ngoài ra, PGS, TS Bùi Hoài Sơn cũng đề cập đến việc cần thúc đẩy giao lưu quốc tế do thanh niên làm chủ. Lấy quyền lợi, mong muốn, nhu cầu của thanh niên làm trung tâm, từ đó có những hành động, dự án hoạt động phù hợp với thanh niên. Khi thanh niên là chủ nhân của những hợp tác quốc tế, họ sẽ kích hoạt được những nhu cầu, mong muốn của mình. Từ đó họ có thể lĩnh hội, gánh vác những công việc của mình trong kỷ nguyên vươn mình.
Hà Myo: "Tôi muốn quảng bá âm nhạc truyền thống Việt Nam ra thế giới"
Chia sẻ tại hội thảo, ca sĩ Hà Myo (ca sĩ Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam) cho biết, nhiều năm qua, cô đã có nhiều sản phẩm âm nhạc lan tỏa giá trị truyền thống qua âm nhạc.
“Tôi tự hào mình là ca sĩ tiên phong kết hợp xẩm, xoan, văn, chèo, làn điệu dân gian… kết hợp âm nhạc hiện đại, lan tỏa đến bạn trẻ. Tôi tự hào mình là thế hệ tiếp nối để dân ca đó trở thành tiếng nói của lòng tự hào dân tộc”, Hà Myo nói.
![]() |
Ca sĩ Hà Myo. Ảnh: BÙI GIANG-KHẮC ANH |
Trong cuộc đối thoại của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với thanh niên vừa qua, cô cũng rất tâm đắc khi Thủ tướng đề cập đến 2 cụm từ “Dân tộc hóa” và “Quốc tế hóa”. Cô cũng hy vọng có thêm bạn nghệ sĩ trẻ cùng trở thành cánh tay nối dài giữa các thế hệ, mang văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Là một ca sĩ trẻ, cô bày tỏ, hiện cô đang ấp ủ nhiều dự án nhưng để có được một dự án lớn tầm cỡ quốc gia, quốc tế cần nhiều kinh phí. Do đó, cô bày tỏ, những người trẻ rất mong chờ được sự quan tâm, ủng hộ, công nhận của các tổ chức, cá nhân về tinh thần, tài chính để người trẻ thực hiện ước mơ, đam mê. “Trong tương lai, tôi mong nhận sự đồng hành của nhiều đơn vị”, cô nói.
![]() |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với thanh niên ngày 24/3/22025. |
Có cơ hội được đi biểu diễn nhiều nơi, Hà Myo khẳng định, cô và nhiều nghệ sĩ trẻ mong muốn lan tỏa tới bạn bè quốc tế thấy rằng, Việt Nam không chỉ có con người, phong cảnh đẹp mà còn có những giá trị văn hóa tuyệt vời.
Hiện tại, Hà Myo đang học nhiều làn điệu dân gian trong đó có hát xoan Phú Thọ, hát then và làn điệu dân ca của miền trung, miền nam.
“Chúng ta biết cải lương, các điệu hò của miền nam nhưng hát xoan, hát xẩm của miền bắc lại chưa được nhiều khán giả miền trong biết tới. Tôi đang ấp ủ có những sản phẩm âm nhạc mang đậm dấu ấn của nghệ thuật miền bắc, muốn kết nối khán giả ba miền, biết đến văn hóa di sản vùng miền và hy vọng sẽ được khán giả đón nhận”, Hà Myo nói.
Cần khuyến khích, tạo điều kiện để thế hệ trẻ tham gia vào các dự án nghệ thuật
Nghệ sĩ thị giác Nguyễn Thế Sơn, giảng viên Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng những nỗ lực của cá nhân là vô cùng quan trọng, bên cạnh đó các nghệ sĩ, nhất là người trẻ cũng rất có những cơ chế chính sách để phát huy năng lực sáng tạo của bản thân, góp phần lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống hôm nay.
![]() |
Nghệ sĩ thị giác Nguyễn Thế Sơn chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: BÙI GIANG-KHẮC ANH |
Chia sẻ về vấn đề này, Nghệ sĩ thị giác Nguyễn Thế Sơn, người từng có 20 năm công tác tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, hiện đang là giảng viên Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật - Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết, trong những dự án của mình, ngoài những nghệ sĩ đã thành danh, ông luôn quan tâm chú ý mời các họa sĩ trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên tham gia cùng. Thứ nhất là để động viên, thứ hai là để các bạn quen với thực chiến các dự án ngoài xã hội.
“Thậm chí cả những dự án nghệ thuật có tầm vóc quốc gia như dự án nghệ thuật đương đại trong không gian Tòa nhà Quốc hội, tôi cũng mời các bạn sinh viên tham gia”, ông cho hay.
Theo ông, câu chuyện phát triển nghệ thuật rất cần sự động viên các thế hệ trẻ, sinh viên để họ có cơ hội va chạm, được tham gia trực tiếp vào những dự án trong xã hội.
Đối với việc phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn cho biết thời gian qua, ông cũng đã đồng hành, phối hợp cùng quận Hoàn Kiếm triển khai một loạt không gian về di sản trong đô thị, trong đó có dự án “Từ truyền thống tới truyền thống” kết nối các giá trị truyền thống của Việt Nam.
Bên cạnh đó, để những giá trị truyền thống có thể chuyển hóa sang cách thức nghệ thuật mới, được kể với những con người mới, người trẻ hôm nay, từ năm 2020, ông cũng đã triển khai được 20 triển lãm khởi xướng từ những dự án đối thoại về dòng tranh Hàng Trống. “Đấy là ý tưởng khi chúng tôi phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm để tích hợp không gian di sản vốn là ký ức cộng đồng trước đây thành một không gian cộng đồng sáng tạo, không còn là cộng đồng nhỏ chỉ liên quan đến một cái đình, một nghề nữa mà trở thành không gian di sản nghệ thuật”, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn chia sẻ.
Ông cho rằng, nghệ thuật đương đại ngày hôm nay hoàn toàn có thể gắn kết với đời sống, thúc đẩy sự sáng tạo cho thế hệ trẻ.
Nhiều phương pháp truyền tải giá trị văn hóa dân tộc đến trẻ em
Cô giáo Hoàng Minh Hằng, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàn Kiếm chia sẻ, việc lồng ghép giáo dục địa phương trong chương trình học để giữ gìn bản sắc, văn hóa trong nhà trường là điều rất được quan tâm. Đồng thời, đây cũng là điều rất được lưu ý để thực hiện bằng nhiều hình thức, phương pháp nhằm truyền tải tới các em học sinh. Các em chính là những đại sứ để chuyển tải các giá trị này tới cộng đồng, xã hội.
![]() |
Cô giáo Hoàng Minh Hằng - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàn Kiếm chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: BÙI GIANG-KHẮC ANH |
Các chương trình giáo dục văn hóa địa phương được thực hiện như một môn học, có sách, tài liệu hướng dẫn và có kiểm tra, đánh giá. Tích hợp giáo dục địa phương trong nhiều bộ môn, chuyển tải giá trị văn hóa qua nhiều hình thức thể hiện sáng tạo trong và ngoài giờ lên lớp.
Hiện tại, nhà trường thường xuyên cho các em thi hoạt cảnh, vẽ tranh, sân khấu hóa để các em có hiểu biết, thêm tình yêu với địa phương. Cùng với đó, hợp tác với các nhà nghiên cứu để chuyển hóa những sản phẩm dân gian theo hình thức mới để các em học sinh được tiếp cận một cách thú vị.
![]() |
Cô và trò trường Tiểu học Tràng An (quận Hoàn Kiếm) thực hiện nghi thức chào cờ tại triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội tại trụ sở Báo Nhân Dân. Ảnh: Thế Đại |
Thông qua các hoạt động cụ thể, có thể thấy tình yêu, niềm tự hào, sự tự tin để các em “hòa nhập nhưng không hòa tan” nhờ văn hóa dân tộc là nền tảng, bệ phóng để các em vươn mình, hội nhập quốc tế.
Cần 3 trụ cột: Sinh lý-Tâm lý-Xã hội trong giáo dục giới tính
Tiến sĩ, bác sĩ Phan Chí Thành, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, y học giới tính là chuyên ngành chăm sóc sức khỏe giới tính, sức khỏe tình dục, sinh sản, trong đó y tế cung cấp thông tin khoa học chính xác.
![]() |
Tiến sĩ, bác sĩ Phan Chí Thành, Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Ảnh: BÙI GIANG-KHẮC ANH |
Hiện nay, có hai vấn đề theo bác sĩ Thành cần quan tâm, một là sức khỏe tình dục (kiến thức về các bệnh lây truyền qua đường tình dục) và một nội dung quan trọng nữa là an toàn tình dục.
“Có lẽ trong không gian mạng bùng nổ như hiện nay, vấn đề giáo dục về an toàn tình dục rất quan trọng. Chúng tôi đã khám và tư vấn cho nhiều trường hợp bị xâm hại tình dục”, bác sĩ Thành nói.
Trong thực tiễn khám, tư vấn của mình, bác sĩ Thành cũng gặp những trường hợp có những bạn trẻ rất thông minh, khôi ngô, tuấn tú nhưng lại bị bạn gái tố cáo là hay gửi ảnh ấu dâm cho mình. Tới khi được gặp gia đình và bạn học sinh, mọi người mới biết bạn nam học sinh này đã bị một tài khoản trên mạng làm quen, dụ dỗ gửi ảnh và clip ấu dâm và chính những hình ảnh này đã bị những đối tượng lừa đảo trên mạng phát tán.
Sau đó, bác sĩ Thành đã tư vấn cho nam học sinh hiểu biết sự nguy hiểm của sự việc vừa qua, nguy cơ sẽ bị tống tiền hoặc bị lợi dụng để bắt làm những việc phi pháp.
Hiện nay, chúng ta đã cung cấp nhiều kiến thức về an toàn tình dục cho các bạn trẻ, nhưng quan trọng hơn nữa là chúng ta phải giúp các em trưởng thành không chỉ về sức khỏe, thể chất mà còn cả tinh thần, kiến thức xã hội.
Tiến sĩ, bác sĩ Phan Chí Thành, Bệnh viện Phụ sản Trung ương
“Ngành công nghiệp sex có doanh thu gần 7 tỷ USD trên thế giới. Các video thu hút nhất là các bạn trẻ với hình ảnh ấu dâm”, ông Thành nói.
Từ câu chuyện trên, bác sĩ Thành nhấn mạnh, hiện nay chúng ta đã cung cấp nhiều kiến thức về an toàn tình dục cho các bạn trẻ, nhưng quan trọng hơn nữa là chúng ta phải giúp các em trưởng thành không chỉ về sức khỏe, thể chất mà còn cả tinh thần, kiến thức xã hội.
Một vấn đề nữa mà bác sĩ Thành khuyến cáo, các gia đình cần quan tâm đến y học giới tính, về tính dục trong giới tính của trẻ hiện nay (thí dụ như muốn yêu đồng giới). Đây là điều mà nhiều bác sĩ cũng lúng túng trong tư vấn.
Ông nhấn mạnh, để phát triển y học giới tính (giáo dục giới tính), cần phải có 3 trụ cột: Sinh lý-Tâm lý-Xã hội và thực sự vai trò của tổ chức, người hoạch định chính sách vô cùng giá trị
“Tôi rất thích câu của bà Thái Hương đó là cần phải xây dựng một thế hệ trẻ có thể chất khỏe mạnh, bản lĩnh vững vàng. Và thực sự, tình dục là sức khỏe, nhưng vững vàng là quan trọng nhất”, ông nói.
Đặt thanh niên vào vị trí trung tâm để kiến tạo giải pháp bền vững
![]() |
PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ. Ảnh: THẾ DƯƠNG |
Sau khi lắng nghe các đại biểu nêu ý kiến, PGS, TS Bùi Hoài Sơn đã chia sẻ góc nhìn mang tính chiều sâu xã hội học - một lĩnh vực gắn bó với ông từ những ngày còn theo học trên giảng đường. Ông cho rằng, mỗi cách tiếp cận đều có thể mở ra những giải pháp phù hợp hơn với từng nhóm thanh niên cụ thể. Chính vì vậy, cần một tầm nhìn rộng mở, khách quan và không định kiến khi đề cập đến những vấn đề liên quan đến thế hệ trẻ.
Theo PGS, TS Bùi Hoài Sơn, nhiều khi, xã hội có xu hướng quy trách nhiệm cho thanh niên khi đối diện với các hiện tượng tiêu cực, bất cập. Tuy nhiên, nếu tiếp cận dưới lăng kính xã hội học, cần thừa nhận rằng, trong rất nhiều trường hợp, thanh niên không có lỗi, mà chính xã hội với những bất cập trong hệ thống chính sách, môi trường, văn hóa mới là nguyên nhân sâu xa. Nếu cứ tiếp tục quy chụp, chúng ta sẽ khó tìm được giải pháp đúng đắn và căn cơ.
![]() |
Các đại biểu dự Đại hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam lần thứ IX. Ảnh: DUY LINH |
Muốn giải quyết các vấn đề của thanh niên một cách hiệu quả, theo PGS, TS Bùi Hoài Sơn, cần nhìn nhận đây là vấn đề xã hội tổng thể, liên quan đến kinh tế, văn hóa, pháp luật, chính trị…. Và điều cốt lõi là phải đặt thanh niên vào vị trí trung tâm trong quá trình hoạch định chính sách.
"Không phải là sự ban phát, mà là tạo điều kiện để thanh niên có tiếng nói, có cơ hội được thể hiện, được tham gia và được quyết định. Trong các diễn đàn, trong xây dựng chính sách, định hướng phát triển cho tương lai - thanh niên cần được lắng nghe, được thể hiện chính kiến và nguyện vọng của mình. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể xây dựng một môi trường phát triển bền vững cho thanh niên", PGS, TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
Trong các diễn đàn, trong xây dựng chính sách, định hướng phát triển cho tương lai - thanh niên cần được lắng nghe, được thể hiện chính kiến và nguyện vọng của mình.
PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội
Ông khẳng định, để thực hiện điều đó, phải làm thật bằng chính sách cụ thể, bằng chiến lược rõ ràng, không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu. Trong đó, Đoàn Thanh niên cần được phát huy mạnh mẽ vai trò là cầu nối giữa thanh niên và hệ thống chính trị-xã hội, là nơi truyền tải tâm tư, khát vọng và đóng góp thiết thực của thế hệ trẻ vào sự nghiệp phát triển đất nước.
"Với sự tự tin và niềm tự hào của thanh niên, đất nước sẽ thực sự vươn mình", PGS, TS Bùi Hoài Sơn tin tưởng.
Chú trọng phát triển giáo dục thể chất và dinh dưỡng học đường
Cô giáo Nguyễn Ngọc Dung, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Ba Đình, quận Ba Đình, Hà Nội chia sẻ, là những người làm giáo dục, trực tiếp giảng dạy các em học sinh, các thầy cô trong trường đặc biệt quan tâm đến hoạt động giáo dục thể chất cho các em.
![]() |
Cô giáo Nguyễn Ngọc Dung, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Ba Đình, quận Ba Đình, Hà Nội chia sẻ tại hội thảo. (Ảnh: BÙI GIANG-KHẮC ANH) |
Bày tỏ tâm đắc với ý kiến của PGS, TS Bùi Hoài Sơn đã chỉ ra là trong xã hội ngày nay, trẻ con đang phải đối mặt quá nhiều áp lực, cô cho rằng điều này vô hình chung đã tạo nên gánh nặng, sức ép đối với các thầy cô. Cả xã hội đang hy vọng vào các thầy cô làm thế nào giải tỏa được áp lực, khủng hoảng về tinh thần cho các em học sinh.
Vấn đề giáo dục thể chất cho trẻ cần sự chung tay, phối hợp của ba bên: gia đình - nhà trường - xã hội. Với nhà trường, cô Dung cho biết đã triển khai các giải pháp cụ thể.
Thứ nhất là nhận thức của cán bộ quản lý đối với việc làm sao để đào tạo đội ngũ thầy cô giáo, đặc biệt là thầy cô giáo dục thể chất, để không phải chỉ tạo ra những giờ học thể chất thú vị, mà còn tạo sự hứng thú của các thầy cô trong mỗi giờ lên lớp, góp phần làm các con ham vận động hơn mỗi ngày.
"Đây là một cách giản dị nhưng sẽ tăng cường việc các con cùng thầy cô, nhà trường tham gia vận động mỗi ngày, qua đó giúp giảm áp lực trong học tập", cô Dung nói.
Bên cạnh việc quan tâm đào tạo đội ngũ thầy cô giáo, cô Dung cho biết nhà trường cũng đang bắt đầu đưa công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào giáo dục thể chất để các con cảm thấy hứng thú hơn với các hoạt động.
![]() |
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: BÙI GIANG-KHẮC ANH |
Giải pháp thứ 3 là tạo ra một môi trường văn hóa mà ở đó các thầy cô hòa đồng cùng các con học sinh. "Ngoài sự tham gia của các thầy cô, chúng tôi đã kêu gọi các phụ huynh học sinh cũng tham gia hoạt động thể dục thể thao cùng các em để tạo ra được không gian học tập, vận động thể chất tốt nhất, lành mạnh nhất", cô Dung chia sẻ.
Ngoài ra, nhà trường cũng đặc biệt quan tâm đến bữa ăn của các con học sinh, làm thế nào bảo đảm cân bằng dinh dưỡng để các con đủ sức khỏe, năng lượng để vận động, học tập trong một ngày.
Khát vọng tuổi trẻ vượt lên chính mình
![]() |
Vận động viên Trịnh Thu Vinh chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: THẾ DƯƠNG |
Tại hội thảo, vận động viên Trịnh Thu Vinh, người từng giành nhiều thành tích quốc tế trong bộ môn bắn súng, đã thay mặt các vận động viên trẻ bày tỏ suy nghĩ về những điều kiện cần và đủ để tài năng trẻ phát huy trọn vẹn khả năng.
Theo Trịnh Thu Vinh, thanh niên nói chung và vận động viên nói riêng luôn sẵn sàng cống hiến cho đất nước. Tuy nhiên, hiện nay, việc định hướng, khơi dậy khát vọng và xây dựng tâm thế cho vận động viên trẻ vẫn còn nhiều khoảng trống.
"Chúng em chưa dám nghĩ đến những mục tiêu lớn như Huy chương Olympic, bởi còn cảm thấy mình thiếu tự tin, thiếu điều kiện, cơ sở vật chất và trình độ còn cách xa so với bạn bè quốc tế", Thu Vinh chia sẻ.
Tuy vậy, nữ vận động viên cũng tin rằng, thành tích của mình sẽ là một tín hiệu tích cực, truyền cảm hứng để các bạn trẻ dám nghĩ, dám làm, dám mơ ước và hành động quyết liệt để hiện thực hóa ước mơ.
"Chỉ khi dám nghĩ đến vinh quang, chúng ta mới dám hành động vì nó. Em không dám hứa sẽ đạt huy chương Olympic 2028, nhưng em chắc chắn sẽ nỗ lực hết mình", cô nói.
![]() |
Vận động viên Nguyễn Hạnh Ngân chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: BÙI GIANG-KHẮC ANH |
Cùng chung tinh thần đó, vận động viên bóng bàn Nguyễn Hạnh Ngân cũng thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn thực tế mà vận động viên trẻ đang đối mặt. Cơ sở vật chất còn hạn chế, điều kiện tập huấn còn thiếu thốn, nhưng điều đáng quý là cả huấn luyện viên và vận động viên đều đang nỗ lực vượt khó, không ngừng trau dồi chuyên môn và bản lĩnh thi đấu.
"Chúng em luôn tâm niệm rằng chỉ có tập luyện nghiêm túc, đầu tư suy nghĩ và rèn luyện từng ngày mới có thể tiến gần tới thành tích", Hạnh Ngân chia sẻ.
![]() |
Huấn luyện viên Trương Minh Sang chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: THẾ DƯƠNG |
Từ góc độ người thầy dẫn dắt nhiều thế hệ vận động viên, huấn luyện viên Trương Minh Sang cho rằng: Điều quan trọng nhất trong quá trình đào tạo không chỉ là thể lực, kỹ thuật mà còn là khơi dậy lòng tự hào, tinh thần yêu nước và tư duy của một nhà vô địch. Trong tư duy mỗi vận động viên, phải có suy nghĩ như một nhà vô địch, thì mới có thể đặt mục tiêu lớn và nỗ lực chinh phục đến cùng.
Ông khẳng định, nếu có một nền giáo dục tốt, nếu tư duy thay đổi, thì cánh cửa thành công sẽ mở ra rộng hơn cho thế hệ vận động viên trẻ. Chính vì vậy, việc các huấn luyện viên cần không chỉ là người hướng dẫn kỹ thuật mà còn là người truyền cảm hứng, nuôi dưỡng niềm tin, thắp sáng khát vọng cho vận động viên là điều hết sức cần thiết.
“Lời của vận động viên Trịnh Thu Vinh chính là kim chỉ nam định hướng cho rất nhiều vận động viên trẻ hôm nay. Trên vai trò của người trẻ, các em hãy nung nấu khát vọng, vượt qua khó khăn, biến ước mơ thành hành động. Trên vai trò của người thầy, chúng tôi sẽ là những người đồng hành, tiếp lửa và cùng các em đi đến cùng con đường đó”, huấn luyện viên Trương Minh Sang bày tỏ.
Lứa tuổi vàng là sức mạnh của dân tộc
Trao đổi thêm tại tọa đàm, Anh hùng Lao động Thái Hương, Nhà Sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH chia sẻ, với vai trò là một người mẹ, bắt đầu từ thực phẩm, tập đoàn TH đã cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế triển khai nhiều nội dung liên quan đến chăm sóc sức khỏe trẻ em.
![]() |
Ảnh: BÙI GIANG-KHẮC ANH |
Lấy ví dụ về Nhật Bản, một điểm sáng của chương trình chăm sóc sức khỏe học đường trên thế giới, các đơn vị kinh doanh thực phẩm cũng phải gánh trên vai tầm vóc của dân tộc, đồng hành với quốc gia trong việc chăm sóc sức khỏe và thể chất trẻ em.
Lứa tuổi vàng là sức mạnh của dân tộc, ta hãy giúp cho thế hệ trẻ có thể chất khỏe mạnh và bản lĩnh vững vàng, khát vọng để cùng phát triển đất nước.
Bà Thái Hương mong muốn Luật dinh dưỡng học đường sẽ được triển khai và đưa vào thực tế, đây sẽ là nền tảng để các đơn vị có thể thực hiện trên đường dài.
Luật hóa dinh dưỡng học đường
Theo Tiến sĩ Nguyễn Hồng Trường, Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng (Bộ Y tế), dinh dưỡng học đường là vấn đề hiện đang được nhiều người quan tâm. Về can thiệp dinh dưỡng vòng đời, chúng đã ban hành nhiều văn bản và nhiều kế hoạch hành động.
Ông khẳng định, việc cung cấp những kiến thức dinh dưỡng học đường rất khả thi vì các em học tập trung tại trường học, các em được trang bị kiến thức dinh dưỡng, thực phẩm lành mạnh cho tốt để cho chính bản thân mình. Sau này, khi các em lớn lên làm cha, mẹ, cũng có nền tảng kiến thức để hướng dẫn con cái thực hiện. Đây là sự đầu tư hiệu quả, xây dựng được thế hệ trẻ có kiến thức về dinh dưỡng học đường.
![]() |
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Trường, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế). Ảnh: THẾ DƯƠNG |
Theo ông Nguyễn Hồng Trường, hiện Bộ Y tế đang tập trung xây dựng Luật phòng bệnh, trong đó có các chương về dinh dưỡng và theo các lứa tuổi, trong đó dinh dưỡng học đường được quan tâm. Đề cương của dự án Luật này đã được thông qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự kiến trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 10 năm 2025. Khi dự án Luật xin ý kiến công khai, Bộ Y tế rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý để hoàn thiện dự án luật. Đây là giải pháp quan trọng cho tương lai của thế hệ trẻ.
Cơ hội vàng để đưa khoa học công nghệ vào nhà trường
Trao đổi về nội dung đưa khoa học kỹ thuật thể thao vào trường học, TS Vũ Thái Hồng - Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Thể thao cho biết, các quốc gia trên thế giới luôn quan tâm đến phát triển thể lực, tầm vóc và xây dựng lối sống lành mạnh cho thế hệ trẻ.
![]() |
TS Vũ Thái Hồng - Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Thể thao phát biểu ý kiến. (Ảnh: BÙI GIANG-KHẮC ANH) |
Nhật Bản là quốc gia tiên phong và thành công nhất về phát triển thể lực tầm vóc sau đó Trung Quốc, Hàn Quốc... Các nước này có những giải pháp đồng bộ triển khai các chương trình phát triển thể lực tầm vóc, chăm sóc sức khỏe từ trẻ sơ sinh đến 18 tuổi (đặc biệt là tuổi mẫu giáo và tiểu học) thông qua giải pháp tập luyện thể dục thể thao-dinh dưỡng. Họ cũng có những chính sách rất cụ thể để phát huy hết tiềm năng của trục Nhà nước - Gia đình - Nhà trường - Doanh nghiệp (trách nhiệm của từng đối tượng rất rõ ràng).
Theo TS Vũ Thái Hồng, ở Việt Nam, công tác chăm sóc sức khỏe và phát triển thể chất, giảm thiểu thấp còi, béo phì... luôn được quan tâm, các chương trình giáo dục thể chất nội khóa nhà trường đã có chương trình, sách giáo khoa cho các cấp song học tập ngoại khóa còn hạn chế (thiếu cơ sở vật chất: sân tập, nhà tập, thiết bị tập luyện; đội ngũ giáo viên thiếu, chất lượng chưa cao đặc biệt ở cấp học mẫu giáo và tiểu học).
Ông khẳng định, đây là thời điểm thuận lợi nhất, là thời cơ và cơ hội tốt nhất để đưa khoa học công nghệ vào nhà trường nói riêng và tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội nói chung để khai thác hết tiềm năng đào tạo một thế hệ thanh niên mới cho 20 năm tới.
Đất nước chúng ta đang trong giai đoạn cải cách hành chính mạnh mẽ. Bên cạnh đó, chúng ta đang cơ cấu lại nền kinh tế, hướng đến đẩy mạnh các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân. Đây là lực lượng rất mạnh hỗ trợ giải quyết các vấn đề như chất lượng nguồn nhân lực…
TS Vũ Thái Hồng nhấn mạnh, việc đưa khoa học công nghệ vào nhà trường đem lại giá trị trước mắt là nâng cao sức khỏe, thay đổi nhận thức và lối sống của học sinh, tạo một tư duy cập nhật được khoa học công nghệ hiện đại. Giá trị lâu dài là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải tạo giống nòi và nâng cao thể lực, tầm vóc, thúc đẩy tư duy và lối sống lành mạnh của các em học sinh.
Cha mẹ cần tham khảo kiến thức đúng chăm sóc sức khỏe tâm thần cho con
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Phương Mai, Khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bức tranh về trẻ em tâm thần hiện nay rất nhức nhối, trong đó, tỷ lệ rối loạn lo âu là phổ lớn nhất.
Theo thống kế mới nhất, có tới 29% trẻ em Việt Nam có vấn đề về sức khỏe tâm thần nói chung (có ít nhất một rối loạn tâm thần).
Phổ biến nhất về vấn đề sức khỏe tâm thần chính là rối loạn lo âu. Rối loạn lo âu có nhiều hình thái khác nhau như: trẻ con chịu nhiều áp lực học tập, kỳ vọng từ cha mẹ...
![]() |
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Phương Mai, Khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: BÙI GIANG-KHẮC ANH |
“44% trẻ em có vấn đề lo âu không đến khám tại phòng khám tâm thần mà khám bệnh lý tiêu hóa, như đau bụng thường xuyên khó kiểm soát, táo bón kéo dài, rối loạn giấc ngủ, đau đầu kéo dài… Sau khi điều trị, các bệnh lý này không cải thiện, khi đưa tới khoa Tâm thần thì chúng tôi phát hiện các cháu mắc rối loạn lo âu”, bác sĩ Mai nói.
Một vấn đề nghiêm trọng ở lứa tuổi vị thành niên chính là hiện có khoảng 1/4 số trẻ em bị trầm cảm. Trầm cảm ở trẻ em khác người lớn, các em không mang phong thái trầm buồn mà kích thích, cãi bố mẹ, chống đối, kích động… Có trẻ còn có ý tưởng tự sát và có trẻ lên kế hoạch tỉ mỉ chi tiết cho việc này.
“Chúng tôi từng tiếp nhận trẻ có ghi nhật ký chi tiết kế hoạch tự tử của mình. Đó là điều đau lòng”, bác sĩ Mai xót xa.
Ngoài trầm cảm, lo âu, trẻ còn có hành vi tự làm đau bản thân như dùng dao lam cạo tay khi không nhận được sự chia sẻ, đồng cảm từ cha mẹ.
Bác sĩ dẫn chứng: “Có những em đến khám thổ lộ muốn sống với giới tính khác. Đây là một dạng rối loạn bản đại giới tính và là điều phổ biến trong xã hội hiện nay, nhưng trẻ không có cơ hội chia sẻ vì cha mẹ gạt đi, trách mắng vì tư duy sai lệch. Những đứa trẻ này khi không được chia sẻ, sẽ có những hành động không kiểm soát, rất nguy hiểm”, bác sĩ Mai nói.
Một vấn đề nóng hiện nay mà các bác sĩ không còn sử dụng từ “bạo lực học đường” mà là “bắt nạt học đường”.
Hiện tình trạng bắt nạt học đường ngày càng trở nên tinh vi khi có sự hỗ trợ của mạng xã hội.
Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Mai
Bác sĩ Mai khuyến cáo, hiện tình trạng bắt nạt học đường ngày càng trở nên tinh vi khi có sự hỗ trợ của mạng xã hội. Nhiều em đến khám trong tình trạng hoảng loạn. Cha mẹ hầu như chỉ quan tâm đến điểm số, rồi vì sao các cô giáo phàn nàn nhiều nhưng lại không quan tâm đến đời sống học đường của con. Nhiều cha mẹ cho con đi khám cũng không hề nắm bắt được con em mình bị bắt nạt học đường. Thực tế, những tổn thương tinh thần do bắt nạt học đường không thể cân đo đong đếm được.
Theo bác sĩ Mai, một vấn đề nổi cộm hiện nay chính là rối loạn phát triển thần kinh. Khi trẻ lớn cần quá trình tăng trưởng về chiều cao, cân nặng và hình thành kỹ năng, cảm xúc, hành vi. Tuy nhiên, cha mẹ gần như không để ý tới việc này một cách đầy đủ.
"Có nhiều em học tập rất tốt, nhưng lại bị thiếu những kỹ năng mà cha mẹ lại cho rằng con em mình IQ thấp. Thực tế, các rối loạn học tập chiếm 36% trong rối loạn phát triển", bác sĩ Mai cho biết.
![]() |
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Phương Mai, Khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: BÙI GIANG-KHẮC ANH |
Vấn đề tăng động, giảm chú ý hiện nay cũng bị nhầm lẫn với tự kỷ. Có nhiều cha mẹ đưa con đi khám khi ở lớp con phá lớp, không hợp tác, xé sách, đánh bạn… Khi tới khám, các bạn trẻ đó có trao đổi với bác sĩ là các con không kiểm soát được cảm xúc, hành vi. Nhưng hầu hết cha mẹ đưa con đi can thiệp ở thời điểm này đã quá muộn.
Rối loạn tăng động giảm chú ý là rối loạn phát triển thần kinh duy nhất có thuốc điều trị, nhưng có nhiều bố mẹ từ chối điều trị vì nghĩ tâm thần là bệnh gì đó rất đáng sợ. Nhưng khi điều trị đầy đủ, trẻ thay đổi hẳn.
Một vấn đề tâm thần hiện nay mà nhiều gia đình rất khó khăn can thiệp cho con chính là rối loạn phổ tự kỷ. Rối loạn phổ tự kỷ rất dễ nhầm với tăng động, giảm chú ý. Trẻ rối loạn phổ tự kỷ gặp khó khăn trong tác xã hội, sử dụng ngôn ngữ, lặp lại hành vi.
"Sai lầm của cha mẹ khi thấy con chưa biết nói lại cứ chờ đợi đến tầm 3 tuổi mới đi khám. Khi đó thì việc can thiệp gặp đầy khó khăn. Nếu phát hiện sớm trước 3 tuổi, việc can thiệp hiệu quả hơn nhiều", bác sĩ Mai chia sẻ.
Trong quá trình công tác, bác sĩ Mai cũng bày tỏ, hiện có nhiều vấn đề các bác sĩ vô cùng nhức nhối là hiện nay, với mạng xã hội lan truyền nhiều kiến thức trên mạng nhưng hầu hết là kiến thức chưa được kiểm chứng, dẫn đến cha mẹ bị định hướng sai, can thiệp sai cho con.
“Nhiều thông tin cho rằng trẻ tự kỷ không được phép uống sữa. Thực tế, trẻ cần uống sữa theo nhu cầu để tăng trưởng chiều cao, nhưng nhiều cha mẹ cắt bỏ sữa, thịt bò, protein cho trẻ. Như vậy, trước khi trẻ hình thành kỹ năng thì trẻ đã suy dinh dưỡng. Tôi mong chúng ta có nhiều cuộc hội thảo như thế này để chia sẻ những kiến thức đúng đắn cho cộng đồng”, bác sĩ Mai cho hay.
Đề cập nhiều vấn đề cấp bách, thiết thực liên quan tương lai cho thế hệ trẻ
Phát biểu bế mạc Hội thảo, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, Hội thảo “Tương lai cho thế hệ vươn mình” do Báo Nhân Dân và Tập đoàn TH tổ chức đã thành công tốt đẹp.
Trong thời gian trao đổi khoảng ba tiếng đồng hồ, Hội thảo đã được nghe gần 20 tham luận, ý kiến trao đổi thiết thực, hiệu quả của đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; các nhà nghiên cứu, quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp và đại diện thế hệ trẻ.
![]() |
Tổng Biên tập Lê Quốc Minh phát biểu bế mạc Hội thảo. Ảnh: THẾ DƯƠNG |
Tổng Biên tập Lê Quốc Minh nhấn mạnh, chưa bao giờ Báo Nhân Dân tổ chức một hội thảo liên quan đến rất nhiều vấn đề như vậy, phải tổ chức một series hội thảo mới bóc tách được. Tuy nhiên, để hưởng ứng bài viết của Tổng Bí thư, Ban tổ chức Hội thảo muốn nói đến nhiều khía cạnh, từ giáo dục thể chất, phát triển trí tuệ, cho đến phát triển văn hóa.
Các tham luận và ý kiến trao đổi tại hội thảo đã làm sâu sắc hơn giá trị bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm về “Tương lai cho thế hệ vươn mình”; đề cập nhiều vấn đề cấp bách, thiết thực liên quan tương lai cho thế hệ trẻ.
Đồng chí Lê Quốc Minh cũng nêu rõ, Ban Tổ chức đánh giá cao nội dung các tham luận và ý kiến trao đổi tại hội thảo, như: Nâng cao ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa dân tộc; Xây dựng cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho thế hệ trẻ trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc trước những thách thức của toàn cầu hóa; Bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, lý tưởng, khát vọng cống hiến cho đất nước trong thế hệ trẻ; Tăng cường rèn luyện thể chất, nâng cao sức khỏe thanh niên, bảo đảm chất lượng “dân số vàng”; Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực giáo dục và thể thao... cùng nhiều vấn đề khác.
Đồng thời, dựa trên những vấn đề nêu ra tại Hội thảo, Báo Nhân Dân sẽ tổ chức những tọa đàm chuyên đề sâu hơn.
![]() |
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: BÙI GIANG |
Nhiều đề xuất được đưa ra trong Hội thảo rất hữu ích và nêu lên việc cần những chính sách kích hoạt môi trường sáng tạo, lồng ghép văn hóa truyền thống vào chương trình học, luật hóa dinh dưỡng học đường, đẩy mạnh giáo dục thể chất, phong trào thể thao, đến ứng dụng công nghệ trong thể thao học đường, giáo dục giới tính và chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh… Tất cả những vấn đề này, Báo Nhân Dân sẽ phản ánh trong những bài viết sâu hơn, phải phân tích thêm, có sự tham gia của các chuyên gia. Đây cũng là những tiếng nói rất quan trọng trong việc góp phần thúc đẩy chính sách.
Nhiều nội dung rất ý nghĩa trong các tham luận của các đại biểu, Báo Nhân Dân cũng sẽ bóc tách trong các nội dung chuyên sâu hơn, và sẽ còn cần phân tích thêm, trao đổi thêm.
Nhiều nội dung rất ý nghĩa trong các tham luận của các đại biểu, Báo Nhân Dân cũng sẽ bóc tách trong các nội dung chuyên sâu hơn, và sẽ còn cần phân tích thêm, trao đổi thêm.
Đồng chí Lê Quốc Minh
![]() |
Các đại biểu dự tọa đàm chụp ảnh lưu niệm. |
Đồng chí Lê Quốc Minh cho biết, trong thời gian tới, Báo Nhân Dân sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam bản lĩnh, tiến bộ, xuất sắc về trí tuệ, vượt trội về thể chất và đậm đà bản sắc văn hóa.
Việc tổ chức thành công hội thảo này là diễn đàn để các bộ, ban, ngành Trung ương sớm hoạch định chính sách, sớm ban hành các chương trình hành động để thực hiện hiệu quả các giải pháp, đưa chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về thanh niên vào cuộc sống.
Quang cảnh Hội thảo.
Tham dự hội thảo có các đồng chí: Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Hoàng Trung Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Anh hùng Lao động Thái Hương, Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH; lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo các cơ quan chức năng, các đơn vị trực thuộc Báo Nhân Dân, các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia giáo dục, kinh tế, văn hóa và đại diện thế hệ trẻ.